Mới đây, tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch thu hút bác sĩ và bác sĩ sau đại học về công tác tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Chế độ đãi ngộ được tỉnh Đắk Nông đưa ra, ngoài lương, các chế độ đãi ngộ theo quy định, bác sĩ, dược sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ y khoa sẽ được hỗ trợ một lần từ 180 triệu đến 300 triệu đồng/người tùy theo trình độ chuyên môn.
Ngoài ra, các y, bác sĩ cũng được ưu tiên trong xét tuyển, thi tuyển công chức, viên chức; được ưu tiên mua đất làm nhà ở với giá sàn không qua đấu giá theo quy định của tỉnh và được ưu tiên vay vốn ưu đãi để mua đất và làm nhà theo chính sách của tỉnh, được tạo điều kiện thuận lợi trong việc tuyển dụng, tiếp nhận vợ (hoặc chồng), con cái vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Không chỉ Đắk Nông, nhiều địa phương trên cả nước từng có những chính sách thu hút nhân tài như tặng tiền, tặng nhà, tặng xe. Tuy nhiên, một thực tế, đa số nhân tài đều chọn những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng…
Đối với các địa phương còn khó khăn về cơ sở vật chất, đời sống nhân dân còn nhiều hạn chế, việc thu hút nguồn nhân lực có trình độ năng lực rất khó khăn.
|
Ảnh minh họa. |
Xung quanh vấn đề trên, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) để làm rõ một số nguyên nhân và giải pháp thu hút nhân tài tại những địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế xã hội.
Vì sao người tài thường chọn những thành phố lớn?
Thưa đại biểu Phạm Văn Hòa, thời gian qua, nhiều địa phương đã đưa ra những chính sách thu hút nhân tài nhưng chưa thực sự hiệu quả khi đa số nguồn nhân lực có chất lượng cao thường chọn các thành phố lớn để làm việc, cống hiến?
Hiện nay, các tỉnh, thành trên cả nước đều đang thực hiện chính sách, cơ chế thu hút nhân tài, nguồn nhân lực có trình độ năng lực cao để làm sao chọn lựa được những người tài giỏi, có năng lực có tâm, có tầm để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Không chỉ nguồn nhân lực trong nước, thậm chí người Việt Nam ở nước ngoài có tâm huyết, có trách nhiệm, có tình yêu quê hương, đất nước muốn về cống hiến dựng xây phục vụ quê hương. Đây là vấn đề rất cần thiết, rất quan trọng. Bởi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay Luật cán bộ, công chức đã quy định: “Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng”.
Hiện nay, vấn đề thu hút nhân tài tại một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh nghèo dù đề ra các chính sách đãi ngộ, chế độ để thu hút nguồn nhân lực cao, tuy nhiên phần lớn những người tài lại thường chọn những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… Đây là những nơi kinh tế phát triển, người lao động cảm thấy có nguồn lực môi trường tốt để phát huy năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, giá trị bản thân, cuộc sống, sinh hoạt… Đấy là nguyên nhân cơ bản cốt lõi đầu tiên.
Ví dụ như bác sĩ ở Hà Nội họ muốn làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, ở TP HCM họ muốn làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bởi những nơi này, khoa học kỹ thuật, phương tiện hiện đại, bệnh nhân nhiều hơn, họ dễ dàng phát huy tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn hơn.
Hơn nữa, ở đâu cũng có những chính sách đãi ngộ thu hút nhân tài, TP HCM cũng thu hút nhân tài, Hà Nội cũng thu hút nhân tài và chế độ đãi ngộ còn cao hơn nhiều các địa phương khác. Nếu bản thân tôi, tôi cũng chọn TP HCM và Hà Nội chứ không chọn ở các địa phương kém phát triển hơn. Bởi nếu về các địa phương này, khó mà phát huy năng lực, sở trường, chuyên môn nghiệp vụ của bản thân người ta hơn. Còn ở các thành phố lớn, ngoài thu nhập còn có điều kiện phát huy năng lực bản thân hơn.
Đó là nguyên nhân việc thu hút nhân tài tại một số địa phương không thu hút được dù có những chính sách đãi ngộ được đưa ra. Những người giỏi chắc chắn không muốn về những địa phương kém phát triển như vậy.
Có người trả lại tiền để làm việc nơi khác
Các địa phương còn khó khăn nhưng đã cố gắng đưa ra những chính sách tặng nhà, tặng tiền để thu hút nhân tài. Vì sao vẫn khó thu hút?
Trong chính sách thu hút nhân tài, địa phương nào cũng đều đưa ra chế độ tặng tiền, tặng nhà. Địa phương nào cũng có chính sách này. Như vậy, người lao động có trình độ cao sẽ lựa chọn nơi nào phù hợp hơn, chọn nơi nào người ta cần mình hơn.
Thu hút nhân tài, các địa phương đưa ra chính sách đãi ngộ tặng nhà, tặng tiền nhưng cũng đều kèm theo điều kiện chứ không phải tự nhiên cho không. Các điều kiện kèm theo là khi về làm việc phải công tác bao nhiêu năm, hoạt động làm việc phải chất lượng. Nếu bể hợp đồng thì phải hoàn trả lại, chứ không phải kêu về làm rồi tự dưng cho xe, cho miếng đất cất nhà, cho tiền tiêu xài rồi làm việc nửa năm rồi tìm lý do nghỉ thì đâu có được.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
Thực tế trong xã hội đã có những trường hợp được chỉ định đi vào đại học không phải thi, địa phương đào tạo cho đi ăn học, thậm chí cho ra nước ngoài học nhưng khi học xong không về địa phương.
Thậm chí những người không về chấp nhận đền bù hợp đồng để được ở lại, làm việc ở nơi tốt hơn như Hà Nội, TP HCM. Rất nhiều sinh viên khi ra trường được đào tạo bài bản, địa phương tốn công sức, tiền của đưa đi học nhưng không về cống hiến cho quê hương. Người nơi khác không về thì không nói nhưng chính người tại địa phương được đưa đi học nhưng cũng không chịu về địa phương, thậm chí chấp nhận bồi hoàn.
Do đó, việc đào tạo thu hút nhân tài, kích cầu kinh tế, xã hội phát triển là một vấn đề rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế người tài rất thực dụng, ngoài việc yêu quê hương, đất nước họ cũng thường tính toán cho cá nhân. Họ xem xét kỹ lưỡng, chi li, nơi nào phát huy được để lựa chọn. Họ đều là những thanh niên mới trưởng thành nên tương lai còn lâu dài nên họ rất tính toán, cụ thể, thực dụng.
Nên tập trung đào tạo nguồn lực "cây nhà lá vườn"
Trước thực trạng trên, các địa phương có kinh tế kém phát triển hơn cần làm gì để thu hút được nhân tài thưa Đại biểu?
Thay vì tìm mọi cách để thu hút nhân tài ở các địa phương về làm việc, tôi nghĩ các địa phương này nên ưu tiên “cây nhà lá vườn”. Trước tiên phải đào tạo bài bản cốt lõi nâng cao trình độ của nguồn nhân lực tại chỗ, người của địa phương. Phải xem xét chọn lọc kỹ càng trong nội bộ, trong nhân dân, những người có lực học xuất sắc, giỏi và đưa đi học, đào tạo thêm bằng tiền của địa phương nhưng phải có sự ràng buộc cụ thể rõ ràng.
Nếu không ràng buộc, khi đưa đi học mà học xong viện cớ không về thì sẽ rất tốn kém công sức, thời gian tiền của. Đây là vấn đề rất nan giải cần cân nhắc kỹ, kẻo tiền của nhân dân để đào tạo nhân lực mà cuối cùng địa phương không sử dụng được mà nơi khác sử dụng. Việc thu hút nhân tài là cần thiết, quan trọng nhưng cần cân nhắc thật kỹ để không bị hụt hẫng, mai một khi chọn người mà không được theo ý muốn.
Xin cảm ơn Đại biểu Phạm Văn Hòa về cuộc trao đổi trên!
>>> Mời độc giả xem thêm video Thanh Hóa: Bổ nhiệm hàng chục cán bộ không đúng quy trình
Hải Ninh