Thâm nhập khai trường
Nhận được phản ánh của một số người dân sống tại phường Hà Tu (TP. Hạ Long) về việc “xẻ thịt” những núi đá nằm trong ranh giới di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đem bán, PV Tiền Phong đã tìm đến công trường khai thác đá nằm trong khu vực phường Hà Tu. Rất lạ khi người dân khu vực này chỉ phản ánh nhưng không ai dám dẫn đường đưa chúng tôi đến tận nơi. Theo giải thích của họ, những núi đá bị khai thác nằm rất xa khu dân cư và chỉ có duy nhất một con đường độc đạo, bao quanh là núi đá và có nhiều đối tượng xăm trổ thường xuyên ra vào. Chúng tôi quyết định đóng giả làm công nhân để vào khai trường độc đạo này.
|
Cận cảnh máy móc, thiết bị được sử dụng để khai thác, chế biến đá. Ảnh: hoàng dương. |
Theo chỉ dẫn của người dân, từ Quốc lộ 18 đoạn đi qua địa phận phường Hà Tu, chúng tôi rẽ vào 1 con đường nhỏ nằm sát đường ray vận tải than. Từ con đường này đi sâu thêm 1 đoạn hết đường bê-tông. Sau đó chúng tôi phải men theo lối mòn nằm dưới những tán cây để đi sâu vào trong. Vừa đi được chừng 100 mét, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông đội mũ đen đứng ngay cạnh gốc cây ven đường. Vừa thấy chúng tôi, anh ta ra hiệu dừng xe hất hàm quát lớn: “Đi đâu đây?”. Chúng tôi liền trình bày là công nhân của tuyển than, vào trong gặp anh Lữ có chút việc. Người đàn ông nhìn chúng tôi từ đầu đến chân, nói: “Vào đến bốt số 4 thì nó đang ở đấy, cấm không được đi sâu vào trong”.
Đi thêm được 1 đoạn, chúng tôi gặp một chòi canh, bên trong có một người đàn ông mặc sắc phục màu trắng đang say sưa với chiếc điện thoại. Nhân lúc không để ý, chúng tôi nhích ga vượt qua. Phát hiện có người lạ, người đàn ông này hốt hoảng chạy theo gọi với: “Không được vào”. Chỉ khoảng 300 mét nhưng chúng tôi đã gặp 2 “trạm” kiểm tra. Chiếc xe ì ạch nhích từng tí một vì đoạn đường quá xấu.
|
Con đường độc đạo vào khu khai thác hằn sâu vết bánh xe tải và nhầy nhụa bùn đất. |
Những vết bánh xe ô tô hằn sâu xuống con đường, có chỗ còn sâu lút cả bánh xe máy. Những trận mưa làm con đường thêm nhầy nhụa đầy những bùn đất. Thi thoảng lại có 1 chiếc xe tải chở thứ gì đó rất nặng rồ máy trườn qua những con dốc. Cảnh quan xung quanh heo hút, bao quanh bốn bề là núi đá và chỉ duy nhất có 1 con đường độc đạo để được vào khai trường.
Dọc đường đi dài khoảng 2km, nhưng có gần chục trạm gác. Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi phía trước mặt là những núi đá nham nhở, những vỉa đá trơ ra khô khốc đúng như lời kể của người dân sống gần đấy. Một khai trường khai thác đá quy mô lớn đang hàng ngày “xẻ thịt” di sản.
Dừng hoạt động tận thu đá
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cảnh tan hoang của những núi đá được cho là nằm trong vùng đệm của di sản. Điều khiến chúng tôi bất ngờ hơn nữa là khai trường này nằm ngay trong lòng thành phố nhưng đã nhiều năm nay không ai biết để có biện pháp xử lý. Những núi đá trơ trọi, khúc khuyết nằm cạnh nhau. Ở giữa là một bãi đất trống rộng thênh thang dùng làm nơi tập kết đá và máy móc, xe cộ.
Cuối giờ chiều công trường dừng hoạt động, gần chục chiếc xe tải đậu ngay ngắn dưới chân núi. Hệ thống máy nghiền đá, băng tải bám đầy bụi đá nằm ngay cạnh những đống đá đã được nghiền để chờ được chở đi. Bên trái là biển (vịnh Hạ Long) và những ngọn núi sừng sững chắn ngang biển. Dưới bến có một chiếc tàu chở hàng đang chờ sẵn để “ăn đá”. Rất nhiều đống đá thô vừa được khai thác chất cao ngút nằm gọn dưới chân núi.
Sâu bên trong khai trường này có một khu nhà được dựng mái tôn nằm sát bờ biển. Quang cảnh nham nhở của những núi đá được ví như linh hồn của vịnh Hạ Long như ám ảnh những người chứng kiến.
Chiều 27/6, trong buổi họp báo thường kỳ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức, trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Văn Hợp, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh xác nhận thông tin về khai trường khai thác đá nằm trong ranh giới quản lý của đơn vị Lữ đoàn 170 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân. Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã cho chấm dứt toàn bộ hoạt động khai thác đá tại một số núi ở vùng đệm vịnh Hạ Long.
Ông Hợp khẳng định: “Tỉnh đã có công văn gửi cho Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng, UBND TP. Hạ Long và Cẩm Phả rà soát, kiểm tra thông tin báo chí nêu. Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Lữ đoàn 170 cũng đã nhận khuyết điểm và cho dừng toàn bộ hoạt động cũng như hứa sẽ tiến hành hoàn nguyên môi trường khu vực này”.
“UBND tỉnh đang tìm hiểu có hay không việc để cho một đơn vị bên ngoài vào làm công tác tận thu trong quá trình san gạt xây dựng công trình. Đồng thời tỉnh có công văn lên Bộ Quốc phòng về vấn đề này” – Ông Hợp nói và cho biết khu vực khai thác đá này nằm trong vùng đệm của di sản vịnh Hạ Long.
Theo Hoàng Dương/Tiền Phong