Được bình chọn là điểm du lịch bằng xe đạp lý tưởng nhất châu Á (theo kết quả đánh giá trên trang booking.com), TP Hà Nội hội tụ nhiều hồ nước, công viên, đền chùa, công trình lịch sử để người yêu đạp xe có thể thảnh thơi dạo qua.
Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất Việt Nam nằm trên đường Hùng Vương, là nơi đặt Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một địa danh lịch sử chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Vào ngày 2/9/1945, chính tại nơi này Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hồ Tây (còn được gọi là Dâm Đàm, Đầm Xác Cáo...) là hồ tự nhiên lớn nhất TP Hà Nội. Vị trí hồ thuộc địa phận quận Tây Hồ, diện tích hơn 500ha với chu vi khoảng 15km.
Hồ Tây từ xa xưa đã là thắng cảnh nổi tiếng. Từ thời Lý, Trần các vua chúa đã lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí. Xung quanh hồ cũng có nhiều di tích văn hóa, lịch sử như: chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ...
Cột cờ Hà Nội (Kỳ đài Hà Nội) là một kết cấu dạng tháp được xây dựng cùng thời với thành Hà Nội dưới triều nhà Nguyễn. Kiến trúc cột cờ bao gồm ba tầng đế và một thân cột, được coi là một trong những biểu tượng của thành phố.
Cửa Bắc (Chính Bắc Môn) xây dựng năm 1805 là cổng thành duy nhất còn lại của Thành Hà Nội thời Nguyễn. Nơi đây phát hiện dấu tích đoạn tường thành thời Lê xây bằng đá và gạch vồ. Khu vực này hiện vẫn còn ẩn chứa nhiều giá trị khảo cổ quý giá.
Cửa Bắc cao 8,7m; rộng 17m; dày 20,48m. Cổng quay hướng Bắc chếch Tây 15 độ, dạng hình thang, lòng hình vòm cuốn xây bằng gạch, mép cửa kè đá hình chữ nhật. Trên cửa có tấm biển đá ghi 3 chữ "Bắc Chính Môn". Trên tường vẫn còn 2 vết đạn đại bác, dấu vết cuộc tấn công Bắc Kỳ lần 2 của thực dân Pháp.
Khu vực trung tâm Hà Nội với đặc trưng xây dựng là những ngôi nhà ống có mặt tiền nhỏ và những con phố "hàng" dễ nhớ dễ hiểu. Chạy dọc theo phố Phùng Hưng hiện vẫn còn đường tàu hỏa được xây dựng từ thời Pháp. Đoạn đường này hiện là một điểm du lịch rất được ưa thích.
Những con phố nhỏ với nét sinh hoạt đặc trưng của người dân cũng là một trải nghiệm thú vị cho những vị khách ưa thích tìm hiểu về văn hóa.
Ô Quan Chưởng (ô Đông Hà, ô Thanh Hà, ô Cửa Đông) là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của tòa thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long, xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Đây là cửa ô còn duy nhất còn sót lại của thành Thăng Long xưa.
Đạp xe giúp du khách di chuyển thong thả theo tốc độ riêng, tách ra khỏi nhịp điệu hối hả của những khu du lịch đông đúc, đồng thời len lỏi vào sâu khám phá vẻ đẹp ẩn giấu của từng danh lam thắng cảnh.
Nhà Hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc thời Pháp, xây dựng năm 1901-1911. Nhà Hát Lớn Hà Nội mang đậm dáng vẻ tân cổ điển Pháp, đặc biệt ở kết cấu kiến trúc, kiểu mái hai mảng lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí bên trong. Là một hình ảnh quen thuộc đặc trưng của Hà Nội.
Phía trước Nhà Hát Lớn là quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Tại đây ngày 19/8/1945 đã diễn ra một cuộc mít tinh lớn được Việt Minh biến thành cuộc biểu dương lực lượng và hoạt động vũ trang giành chính quyền, mở đầu cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám trên cả nước.
Cầu Long Biên là cây cầu bắc qua sông Hồng. Cầu được xây dựng từ 1898 tới 1902 bởi công ty Daydé & Pillé. Ban đầu có tên là cầu Paul Doumer. Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ ghi thời gian thi công và nhà thầu xây dựng: 1899 - 1902 - Daydé & Pillé - Paris.
Hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) nằm ở trung tâm Thủ đô, diện tích khoảng 12ha. Tên gọi Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả lại gươm thần cho Rùa thần.
Giữa hồ có Tháp Rùa, được xây dựng trong khoảng từ 1884 - 1886 trên gò Rùa, chịu ảnh hưởng bởi kiến trúc Pháp. Hình ảnh Tháp Rùa cũng là một trong nhiều hình ảnh đặc trưng của Hà Nội.
Ngoài những địa danh, di tích, công trình kiến trúc cổ khu vực nội thành, du khách có thể đạp xe trên các triền đê ngắm cảnh làng mạc bình yên ở vùng ngoại thành Hà Nội.
Các trải nghiệm đạp xe vùng ngoại thành cũng không kém phần thú vị khi được hòa mình vào thiên nhiên, băng qua nhiều loại địa hình khác nhau.
Đạp xe và ngắm cảnh mùa lúa chín vùng ngoại thành Hà Nội.
Theo Hữu Nghị/ Dân Trí