Món lợi "béo bở" mà con buôn đưa ra đã khiến những người dân nơi đây bỏ việc, bỏ cả ruộng vườn để đổ ra biển mò "lộc trời". Từ đây, rong mơ bắt đầu trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết...
Khai thác hàng chục tấn mỗi ngày
Từ sáng sớm, trên bãi Gành Yến (thuộc xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), hàng chục con người đã tất bật chuẩn bị cho một chuyến "ra khơi" thu "lộc trời" mới. Từng tốp người hối hả tay chèo, tay thúng rời bờ. Anh Trần Đình Tuấn (SN 1976, trú thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải), một người có kinh nghiệm bốn năm trong nghề hái rong mơ cho biết: "Thường thì tôi và vợ ra biển từ lúc 6h sáng. Lúc trước rong mơ còn nhiều đi trễ cũng không sao, nhưng bây giờ ngày càng hiếm nên phải đi sớm và tìm vị trí thuận lợi thì mới hái được nhiều".
|
Người dân Quảng Ngãi "quay cuồng" trong cơn sốt rong mơ. |
Theo lời kể của anh Tuấn, nghề hái rong mơ xuất hiện ở Bình Hải cách đây khá lâu, nhưng mãi đến thời gian gần đây "nghề" này mới thực sự gây sốt. Trước sự "tận tình" của thương lái Trung Quốc, cùng với việc giá rong mơ ngày càng được đẩy lên cao, rất đông người dân đã bỏ việc, bỏ ruộng vườn đổ xô ra bãi khai thác rong mơ. Mỗi ngày có đến hàng trăm người đến đây. Đến xế chiều, có hàng chục chiếc thuyền thúng chất đầy rong mơ cập bờ".
Anh Nguyễn Quang Thanh (SN 1990, trú thôn An Cương, xã Bình Hải) là người trẻ nhất trên bãi khai thác rong mơ. Anh thú thật: "Trước đây, tôi làm nghề sửa xe nhưng vì không có vốn mở tiệm nên thu nhập chẳng đáng là bao. Nghe hàng xóm nói đi hái rong mơ bán được nhiều tiền nên tôi xin đi theo. Hàng ngày tôi chèo thuyền thúng ra khơi, lặn ngụp từ sáng đến xế chiều là có thể hái được đầy thúng. Loại rong mơ một nắng thương lái mua với giá 5.000 - 6.000 đồng/1kg. Vì vậy mỗi ngày tôi kiếm cũng được 300.000 - 400.000 đồng".
Trước nguồn thu nhập "khủng" từ khai thác rong mơ, rất đông bà con đổ xô ra Gành Yến để "kiếm tiền". Các buổi sáng, hàng chục chiếc thuyền tự chế và hàng trăm thuyền thúng của người dân địa phương ra khơi khai thác hàng chục tấn rong mơ mỗi ngày. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, khu vực gần bờ (vốn là nơi sinh sống của rong mơ) đã không còn thấy bóng dáng của loại rong tảo này. Anh Thái Ngọc Chung (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải) thở dài tiếc nuối: "Vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch là mùa khai thác chính của rong mơ. Ngày xưa, mỗi lần vào mùa, chỉ cần đi dọc Gành Yến là có thể vớt được cả trăm ký. Nhưng bây giờ muốn hái thì phải chèo thuyền thúng ra khơi xa rồi lặn sâu xuống nước thì mới hái được".
Được biết, khu vực Gành Yến là một thắng cảnh du lịch đẹp của vùng đất Bình Hải. Nhưng do vị trí nằm cách xa trung tâm thành phố nên ít người lui tới. Chính vì vậy, Gành Yến vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ của mình. Tuy nhiên, từ khi cơn sốt rong mơ "đổ bộ" đến đây, bộ mặt vùng biển đã thay đổi hoàn toàn.
Đe dọa... cả làng chài
Mặc dù vẫn biết những hậu quả khó lường từ việc khai thác "lộc trời" nhưng nhiều người vẫn bất chấp để ra Gành Yến kiếm vài ba trăm nghìn mỗi ngày. "Việc khai rong mơ nơi đây diễn ra từ sáng đến chiều tối và đã tồn tại nhiều năm nay, cũng giống như việc khai thác đá đen, đá san hô. Vẫn biết khai thác ồ ạt, tràn lan như vậy sẽ khiến môi trường sinh thái biển bị đảo lộn, nhưng do thu nhập ngày công quá cao, làm ruộng thì biết đến bao giờ mới kiếm được 400.000 - 500.000 ngàn một ngày nên người dân vẫn ồ ạt ra khơi hái rong", một người dân ở Bình Hải chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, rong mơ, hay có tên gọi khác là mơ trứng chuồn hay mơ trứng cá. Đây vừa là nguồn thức ăn, vừa là chỗ để các loại hải sản sinh sống ven bờ trú ngụ và sinh sản, đồng thời cũng là môi trường thuận lợi cho hàng chục loại san hô phát triển. Tuy nhiên, trước tình trạng khai thác ồ ạt của người dân địa phương, loài rong tảo quý báu này đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt. Trong ký ức của nhiều người dân chài nơi đây, vùng biển Bình Hải vốn là nơi "bốn mùa cá tôm", là "kho hải sản" nuôi sống nhiều gia đình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi rong mơ bị khai thác tràn lan thì "ngôi nhà" của các loài thủy hải sản cũng dần bị mất đi. Chính vì vậy, cuộc sống của nhiều gia đình kiếm sống bằng nghề chài lưới trở nên vô cùng bấp bênh.
Gia đình anh Nguyễn Tí ở thôn An Cường, xã Bình Hải là một trong số đó. Giọng trầm buồn, xen lẫn nhiều lo lắng, anh Tí cho biết: "Gia đình tôi làm nghề sông nước đã bốn đời nay. Ngày xưa, cha ông chúng tôi cũng mưu sinh bằng con tôm, con cá ở vùng biển này. Nhưng đến thời điểm này, đi đánh lưới từ lúc trời chưa sáng nhưng đến cuối ngày họa hoằn lắm mới được dăm ba con cá. Chắc tôi phải đổi nghề, hoặc kéo nhau đi khai thác rong mơ như mọi người thôi chứ đánh bắt như thế này thì không biết lấy gì nuôi vợ, nuôi con".
Những trăn trở của anh Tí cũng là nỗi niềm chung của ngư dân vùng biển Bình Hải. Tuy nhiên, dù muốn dù không, những ngư dân nghèo khó nơi đây vẫn phải chấp nhận sự thật chén cơm của họ đang bị đe dọa nghiêm trọng. Họ buộc phải lựa chọn, hoặc bỏ nghề truyền thống gia đình hoặc tiếp tục bám biển để chạy ăn từng bữa. ông Nguyễn Văn Thanh, một ngư dân chuyên hành nghề đánh bắt cá gần bờ tại xã Bình Hải cho biết, nếu chính quyền các cấp ở xã, huyện không kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác rong mơ đang diễn ra như hiện nay thì chỉ trong một thời gian ngắn loại rong tảo này sẽ bị tận diệt và nguồn hải sản sinh sống ven biển cũng không có nơi để trú ngụ, sinh sản, hệ sinh thái quanh Gành Yến sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dương Kha - Bạch Hưng/Theo ĐSPL