Tài xế taxi Vinasun và Mai Linh có dấu hiệu dùng ma túy

Google News

Thống kê trong hai tháng cho thấy có tới 122 tài xế taxi (nhiều nhất là ở hai hãng taxi Vinasun và Mai Linh) có dấu hiệu sử dụng ma túy.

Đó là số liệu của Sở Giao thông vận tải TP HCM vừa công bố. Ngoài ra thống kê còn cho biết có 65 tài xế taxi không đủ điều kiện lái xe. 
 
Một độc giả kể, có lần chị đi taxi từ sân bay về nhà, tài xế trong khi lái xe liên tục ngáp, gãi và có những dấu hiệu của người nghiện.
Chị Linh Nguyễn (quận 8, TP HCM) cho biết, mình từng chứng kiến cảnh tài xế mua ma túy, đậu xe ở bãi đất trống rồi sử dụng và sau đó tiếp tục lái xe như bình thường.
“Hóa ra tính mạng mình lại giao cho “hung thần”. Bao nhiêu cái chết thương tâm đã xảy ra do những con nghiện cầm lái?”, chị Hồng Hoa (quận Bình Thạnh, TP HCM) thảng thốt.
Từ thực tế này, nhiều người đặt ra câu hỏi về quy trình và tiêu chuẩn tuyển dụng tài xế của các doanh nghiệp. Quy trình không chặt chẽ hay những tiêu chuẩn tuyển dụng qua loa, để lọt những tay lái với bằng cấp “dỏm”, nghiện hút… có thể là mầm mống cho những hiểm nguy khó lường.
Thấy lái được xe là tuyển
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho biết, dù đã có quy định về tiêu chuẩn chất lượng và sức khỏe của tài xế nhưng nhiều đơn vị kinh doanh vận tải vẫn thực hiện chưa nghiêm. 
“Có khi thấy lái được xe là tuyển, chưa quan tâm đến vấn đề sức khỏe của tài xế ra sao”, ông Liên nói.
“Trước đây, khi chưa có quy định những bệnh viện nào đủ điều kiện thì mới được tiến hành khám sức khỏe cho tài xế, nhiều người còn mua giấy khám sức khỏe để nộp vào hồ sơ tuyển dụng. Chính tôi từng nghe thấy nhiều người rao dịch vụ “bao” giấy khám sức khỏe cho tài xế”, ông Liên kể.
Ông Võ Thành Nhân - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng cho biết, lái xe là một nghề đặc biệt vì tiếp xúc với rất nhiều người, “nếu xăm trổ đầy người hay nhân dáng nhìn không đáng tin cậy thì chúng tôi cũng không tuyển”, ông Nhân nói.
“Dù tài xế ứng tuyển đã có bằng lái và hai năm kinh nghiệm nhưng chúng tôi vẫn sát hạch lại bằng cách yêu cầu tài xế lái trên đường, xử lý các tình huống, nhìn thao tác… Chẳng doanh nghiệp nào dám đưa một người nghiện vào làm cho mình”, ông Nhân chia sẻ.
Cùng suy nghĩ, ông Lê Tấn Hậu - Giám đốc Công ty TNHH vận tải Tấn An Gia cho biết, từ thực tế quan sát, có những tài xế bằng cách nào đó có được bằng lái mà không hiểu biết gì về luật, về đạo đức nghề. Họ làm vì chén cơm manh áo, buộc phải “chơi hàng” để có sức lái xe hoặc vì đua đòi mà vướng vào tệ nạn.
“Người trong nghề nhìn một cái là biết tài xế có “chơi hàng” hay không. Tôi sẽ sa thải ngay lập tức những tài xế như vậy, phải bảo vệ khách hàng của mình trước nhất”, ông Hậu bày tỏ.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM - cho biết, “Nhu cầu tuyển bổ sung, tuyển thay thế của các công ty lúc nào cũng có. Cung và cầu đều rất dồi dào. Nghề này áp lực, vất vả và không ổn định. 
Do vậy, nhiều người không chọn làm lâu dài. Cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp, nhu cầu di chuyển của người dân ngày một tăng thì việc tuyển dụng tài xế có khi cũng dễ dãi.
Tài xế taxi trước hết phải tôn trọng pháp luật, tôn trọng tính mạng của khách hàng và của chính bản thân, phải được đào tạo về đạo đức và chuẩn mực nghề nghiệp. Nhà nước và các công ty taxi nên chú trọng công tác đào tạo nhân lực, đồng thời phải có chính sách ưu đãi cho nhân viên".
Bác sĩ Lâm Hữu Tài (chuyên khoa tâm thần, Trung tâm Y tế dự phòng quận 1, TP HCM) nhận định, ma túy, các chất kích thích sẽ tác động lên hệ thần kinh trung ương, tạo ra những ảo giác, trạng thái tinh thần hưng phấn quá độ cho tài xế. Khi hành vi bị điều khiển bởi những tín hiệu được kích thích bằng chất gây nghiện, tài xế không chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng của mình, những người ngồi trong xe mà cả người đi đường.
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho rằng nghề lái xe đòi hỏi phải rất tập trung và kiên nhẫn. Đặc biệt, khi các tài xế lái xe trong nội thành với lưu lượng xe lớn và nhiều luồng xe lộn xộn thì càng phải tập trung cao độ. Tuy nhiên, việc tuyển dụng khá dễ dàng, không đòi hỏi các bài kiểm tra về tâm lý thần kinh, trong khi sức khỏe tinh thần là điều cực kỳ quan trọng đối với nghề này.
Bà Huệ cho biết không chỉ gây hưng phấn quá độ, người dùng ma túy cũng dễ uể oải, chán nản nếu đang “thèm thuốc”.
“Không thể biện minh việc sử dụng ma túy vì áp lực công việc, vì cạnh tranh. Có nhiều cách cạnh tranh như phục vụ tốt hơn cho khách hàng để họ hài lòng thay vì giành khách. Nghề nào cũng có cạnh tranh, có căng thẳng. Một người bước vào nghề tài xế phải xác định mình sẽ chịu áp lực rất lớn để có trách nhiệm hơn khi cầm lái”, bà Huệ cho hay.
 Theo trang New York Post, từ năm 2010-2013, có 167 tài xế taxi ở New York bị tịch thu bằng lái do có kết quả thử nghiệm dương tính với ma túy. Trong năm 2013 có 51 tài xế bị tịch thu bằng lái.
So với 20 người vào năm 2012 và 34 người vào năm 2011 thì con số này đã tăng đáng kể. Tuy vậy, so với số lượng tài xế taxi khổng lồ ở thành phố này (hơn 100.000 người) thì con số đó không nhiều.
Ông Allan Fromberg - người đại diện của Ủy ban taxi New York - khẳng định: “Dù số lượng tài xế taxi sử dụng ma túy là rất ít nhưng chúng tôi vẫn đặt nặng trách nhiệm của mình đối với sự an toàn của cộng đồng đến mức cảnh giác cao độ khi chỉ xuất hiện một kết quả dương tính”.
Theo luật của chính quyền thành phố New York, hằng năm các tài xế taxi ở thành phố này đều phải trải qua kỳ kiểm tra nồng độ ma túy nhằm hiệu lực hóa bằng lái. Nếu các tài xế taxi có kết quả dương tính với ma túy, họ sẽ phải ra tòa và bị tịch thu bằng lái.
Hệ thống taxi của thành phố New York được trang CNN đánh giá là tốt thứ 2 trên thế giới chỉ đứng sau hệ thống taxi ở London.


Theo Tuổi Trẻ