Liên quan đến vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên quốc lộ 6 (đoạn qua huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, Công an huyện Yên Châu đang tiếp tục củng cố hồ sơ, lấy lời khai của tài xế Nguyễn Mạnh Hà. Theo lời khai ban đầu, tài xế Nguyễn Mạnh Hà (SN 1979, trú tại Hòa Bình) cho biết, khoảng 19h ngày 5/5 đã điều khiển xe đầu kéo mang BKS 26C - 037.37 di chuyển hướng Sơn La - Hà Nội. Đến Km 244+300 trên quốc lộ 6 thì liên lạc với bạn tên S. (trú tại bản Sốp Sạng, Chiềng Pằng, Yên Châu) để hẹn ăn cơm tối.
|
Nguyễn Mạnh Hà tại cơ quan Công an. |
Sau đó, tài xế Hà điều khiển xe đỗ vào bãi đất trống bên đường, S. đi xe máy ra đưa Hà vào nhà một người tên Đ. để ăn cơm. Trong khi ăn cơm, tài xế Hà có sử dụng rượu (khoảng 10 chén). Đến khoảng gần 22h cùng ngày, tài xế Hà điều khiển xe di chuyển hướng Hà Nội. Xe đi đến Km 219+ 63 trên quốc lộ 6 (đoạn qua huyện Yên Châu) thì bất ngờ lao vào quán tạp hóa ven đường của nhà anh P.M.C. Tính đến 9h ngày 6/5, vụ tai nạn đã khiến 1 người chết và 7 người bị thương.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có lỗi của người điều khiển phương tiện nên cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người lái xe ô tô này để xử lý theo quy định của pháp luật, lái xe trong tình trạng có rượu bia gây tai nạn hậu quả nghiêm trọng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, hình phạt có thể tới 10 năm tù.
Luật sư Cường cho biết thêm, cơ quan điều tra cũng sẽ tiến hành giám định thương tích đối với nạn nhân bị thương để tính tổng tỷ lệ thương tích, làm căn cứ xác định hậu quả để áp dụng pháp luật đối với người điều khiển phương tiện. Với diễn biến sự việc như vậy, hành vi sử dụng rượu bia, có nồng độ cồn trong khí thở rồi điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông nghiêm trọng thì người lái xe này phải đối mặt với khung hình phạt thấp nhất là từ 3 năm đến 10 năm tù theo quy định tại khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Ngoài trách nhiệm hình sự có thể tới 10 năm tù thì người điều khiển phương tiện này còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với gia đình nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí sửa chữa tài sản bị hư hỏng, chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút trong quá trình nạn nhân điều trị và khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần không quá 50 tháng lương cơ sở. Đối với nạn nhân tử vong thì còn phải bồi thường chi phí mai táng theo phong tục địa phương và tiền cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật. Các bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì có thể đề nghị tòa án xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Luật sư Cường cho hay: "Điều đáng chú ý trong vụ án này là người điều khiển phương tiện đã uống quá nhiều rượu trước khi điều khiển phương tiện dẫn đến không làm chủ được hành vi của mình gây tai nạn giao thông. Đây là ý thức coi thường pháp luật, vi phạm luật phòng chống tác hại rượu bia và vi phạm luật giao thông đường bộ, đây cũng là căn cứ để chuyển sang khung tăng nặng trách nhiệm hình sự miễn hình phạt mà người này phải đối diện rất nghiêm khắc. Vụ án này làm bài học cho nhiều người khi điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng có nồng độ cồn. Chỉ cần một chút bất cẩn mà có thể cướp đi mạng sống của người khác, bản thân thì vướng vào vòng lao lý".
>>> Xem thêm video: Đồng Tháp: Xe máy bốc cháy sau va chạm, 2 người thương vong
Gia Đạt