Hôm trước, một bạn "inbox" cho tôi nhờ lên tiếng vì em trai bị công an đánh, do đua xe và nẹt pô ngoài bờ kênh. Tôi trả lời: "Tôi không ủng hộ bạo lực, nhưng trong trường hợp này, tôi ủng hộ các công an. Gia đình cô không dạy được người thì để công an dạy, xã hội dạy và có thể nhà tù dạy.
Và cô nữa, cô không nhận thấy sự nguy hiểm sau cái sự "yêng hùng" của em cô, không nhận ra cái sai của nó, mà còn kêu cứu?". Cô gái thả mặt giận dữ và "block" tôi.
Hôm nay, lại một tài xế bị giết chết. Không biết lần thứ bao nhiêu, những người nghèo chạy xe ôm, trong đó không ít những tài xế xe công nghệ, đã phải mất mạng chỉ vì những kẻ bất lương.
|
Nam sinh 18 tuổi bị giết khi chạy Grab kiếm tiền. |
Có lần Thương, một học trò của tôi gọi hỏi: "Thầy ơi, em đang ở Tân Phú, có một khách "book" xe đi Bình Dương, em có nên đi không?". Tôi bảo: "Không em ạ. Nếu khách gấp thật sự, họ sẽ mượn xe máy đi về. Đi vậy lành ít dữ nhiều, đừng nhận".
Thương là sinh viên báo chí mới tốt nghiệp. Trong quá trình chờ việc làm, em kiếm việc chạy Grab thêm để không lãng phí thời gian, phương tiện, lại có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Công việc mang đến những thay đổi cuộc sống của người lao động nghèo như Thương, nhưng cũng mang đến nhiều cạm bẫy. Sự nỗ lực sống tốt và thu nhập bằng lao động ấy, đôi khi phải đánh đổi bằng cả mạng sống, khi mà những kẻ ác thú không ít trong xã hội này luôn chờ cơ hội để ra tay.
Ừ! người lao động chân chính, có thể phải chấp nhận cả những hiểm nguy tính mạng, để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Còn những kẻ ác kia thì sẵn sàng tước đi tính mạng của người khác, để có tiền ăn chơi.
Biết rằng không thể nhét sự tử tế vào đầu ngoài việc một ngày nào đó nhà tù hoặc án tử sẽ loại chúng ra khỏi xã hội, nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận lại tại sao xã hội này ngày càng nhiều cái ác xảy đến.
Tôi ngán ngẩm khi nhìn mỗi tối bên bờ kênh, những thanh niên gầy tong cầm tay lái, lái quên cả mạng sống của người khác, nẹt pô ầm ĩ. Tôi ớn lạnh khi nhìn những thanh niên không thèm đi làm, tối úp mặt vào game, ngày ngủ đến hết trưa.
Tôi thấy những mầm ác đã xuất hiện ở những kẻ ấy, và nạn nhân có khi, là những người lao động nghèo đang cày ngày cày đêm bằng việc làm tài xế, kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống, lo cho gia đình.
Tôi cũng ngán lắm, xin lỗi những người dân chân chính ở các khu lao động, khi phải bịt tai mỗi ngày vì những gia đình suốt ngày mở karaoke hát ầm ĩ, kê bàn ra hết ngõ phố để ăn nhậu, ai góp ý thì chửi và đòi đánh.
|
Chân dung 2 nghi can sát hại nam sinh 18 tuổi chạy Grab. Ảnh: Facebook. |
Tôi sợ lắm những đứa trẻ lêu lổng bỏ học sớm, mẹ chửi thì chửi lại, bố đánh thì đánh lại, ở những nơi ấy. Những đứa trẻ sinh ra ở những kẻ không biết tôn trọng người khác thì lớn lên khó có thể là người tử tế. Những điều kinh dị ấy vẫn tồn tại và góp phần sản sinh ra những kẻ táng tận lương tâm.
Đơn giản vì chúng không được cài đặt sự tôn trọng người khác dù là tôn trọng cái quyền được yên tĩnh của những người xung quanh, quyền không bị làm phiền những người xung quanh.
Những điều tối thiểu một đứa trẻ từ nhỏ đã không được dạy sự tôn trọng, thì từ đạo đức gia đình, ý thức xã hội và đến cả mạng sống của kẻ khác, chúng cũng không tôn trọng.
Và nạn nhân là bất cứ ai trong xã hội. Mới đây thôi, nhà chức trách TP Biên Hoà bắt cả nhóm thanh niên như vậy, trong đó có những người mới 16 tuổi, cầm dao rượt chém cả công an.
Vậy thì mạng sống của những người lao động hiền lành với chúng thì còn ý nghĩa gì? Cái ác xuất hiện ngày một nhiều hơn và tập trung nhiều ở lớp thiếu niên như thế. Có thuốc nào chữa không?
Hay cứ phải những mạng sống như các bạn tài xế xe ôm phải ngã xuống, và thuốc chữa chúng là nhà tù? Để những người chân chính phải gục xuống, để cái ác vẫn cứ rình rập, thì xã hội bất an vô cùng.
Hoàng Nguyễn Vũ