Tại sao không phá được các điểm thác loạn, massage kích dục?

Google News

Những vụ án ma túy cực khủng, tinh vi đến độ ma quái nhưng vẫn bị lực lượng chức năng khám phá; vậy tại sao các động "bay, lắc", thác loạn trong nhà hàng lại khó dẹp bỏ đến thế?

Đầu tháng 5-2019, trong rất nhiều thông tin bạn đọc gửi về tòa soạn Báo Người Lao Động thì thông tin khiến chúng tôi chú ý nhất, chỉ vỏn vẹn một câu: "Tình trạng thác loạn trong các nhà hàng giờ đáng lo ngại hơn so với những gì quý báo đã phơi bày hồi năm ngoái".
Sau khi kiểm chứng từ nhiều nguồn, một nhóm phóng viên được Tòa soạn cử vào cuộc điều tra với mong muốn, một TP đang phấn đấu xây dựng để trở nên văn minh, hiện đại, nghĩa tình thì không thể chấp nhận những "ung nhọt" này.
Suốt gần 3 tháng thâm nhập, qua những thông tin, hình ảnh ghi nhận được, đến cả chúng tôi cũng không dám tin các tụ điểm thác loạn lại liều đến vậy. Ngoài kích dục, thú chơi chết người "bay, lắc" đang trở nên thịnh hành trong các nhà hàng.
Ngày 29-7, bài báo đầu tiên đến tay bạn đọc, thì rạng sáng 30-7, lực lượng chức năng ra quân kiểm tra và xử phạt ít nhất 2 tụ điểm mà Báo Người Lao Động nêu là nhà hàng Sunlight và Sunflower. Ngay trong ngày, UBND TP HCM cũng chỉ đạo các bên liên quan kiểm tra, xử lý và báo cáo UBND TP trước ngày 10-8.
Đến bài thứ 3 của loạt bài, UBND quận 1 ký quyết định tạm đình chỉ hoạt động nhà hàng Sunlight… Những động thái này cho thấy tác động phòng chống tệ nạn mà các bài báo đem lại là rõ nét thông qua việc các cấp chính quyền, cơ quan chức năng quyết liệt kiểm tra, xử lý.
Tai sao khong pha duoc cac diem thac loan, massage kich duc?
 
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc quyết liệt trên sẽ không đem lại hiệu quả nếu cơ quan có thẩm quyền cứ xử phạt, hay tạm đình chỉ mà không quyết tâm tìm ra sự liên kết giữa những cán bộ biến chất và các tụ điểm thác loạn nhằm trục lợi.
Với câu hỏi có hay không sự cấu kết? Tuy chưa thể khẳng định nhưng không ít người lập luận: Việc phá các động "bay, lắc" trong nhà hàng chỉ là "chuyện nhỏ" nếu so với những vụ án ma túy cực khủng, tinh vi đến độ ma quái nhưng vẫn bị lực lượng chức năng khám phá… Như vậy, nghi ngờ có "tay trong" đang bán mình cho các ông chủ tụ điểm thác loạn là điều không thể loại trừ.
Dư luận không tin các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương không biết nạn thác loạn đang "tự tung tự tác" trên địa bàn mình quản lý. Hơn thế nữa, thông qua việc "lật tẩy" cuộc điện thoại giữa chúng tôi với các quản lý nhà hàng thì rõ ràng không khỏi nghi vấn về sự thông đồng. Sự thông đồng có thể đến từ nhiều hình thức khác nhau, bởi nếu không thì không có chuyện mỗi lần có đoàn kiểm tra là nhà hàng - mà cụ thể là người quản lý - biết trước.
Lấp lỗ hổng trách nhiệm, lấp lỗ hổng pháp lý, tìm và xử lý đến cùng những cán bộ ngó lơ, hay thông đồng, bảo kê cho hoạt động thác loạn,… là thông điệp mà Báo Người Lao Động muốn đề cập. Bởi như chúng tôi đã khẳng định, vì không thể để "ung nhọt" mang tên thác loạn cản trở quá trình xây dựng TP HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, nên nhóm phóng viên đã dấn thân thực hiện loạt bài, dù biết rằng đầy hiểm nguy.
>>> Xem thêm video: Thâm nhập đường dây massage từ A-Z
 

Theo Người lao động