Đối tượng tham nhũng luôn tinh vi, xảo trá
Theo báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, trong 10 năm qua thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện gần 60.000 tỉ đồng và trên 400 ha đất. Đến nay số tiền đã thu hồi cho nhà nước là gần 5.000 tỉ đồng và hơn 200 ha đất, tương đương khoảng 10%.
Một số vụ việc điển hình như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, tổng số tiền phải thụ lý là 14.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 11.080 tỷ đồng tòa buộc sung công quỹ nhà nước nhưng mới chỉ thi hành xong phần án phí, còn tiền sung công quỹ nhà nước thi hành được khoảng 219 tỷ đồng, tiền bồi thường cho ngân hàng, tổ chức cá nhân thi hành được hơn 39 tỷ đồng. Trong vụ án tại Công ty cho thuê tài chính 2 tổng số tiền phải thu hồi gần 600 tỷ đồng, nhưng đến nay mới chỉ thi hành được gần 30 tỷ đồng.
|
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
|
Theo ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, một trong những nguyên nhân khiến việc thu hồi tài sản tham nhũng gặp không ít khó khăn trong thời gian qua do các đối tượng luôn tinh vi, xảo trá, chuyển dịch tài sản cho người thân trong gia đình hoặc chuyển dịch tài sản ra nước ngoài bằng nhiều con đường khác nhau, biến tài sản phi pháp thành hợp pháp. Họ nhào nặn, biến hóa số liệu để hợp thức hóa mỗi khi thanh tra hoặc kiểm toán “hỏi thăm”.
Trong khi đó, quá trình tố tụng, xử lý tội phạm tham nhũng quá dài, đủ thời gian để các đối tượng tẩu tán, chuyển dịch tài sản dưới nhiều cách thức. Mới đây nhất như vụ việc Vũ “nhôm” ở Đà Nẵng, khi cơ quan điều tra tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì đối tượng đã bỏ trốn và tài sản cũng đã được tẩu tán từ nhiều tháng trước.
Ông Lê Như Tiến cũng cho rằng, trong tố tụng hình sự cần có một quy trình đầy đủ, nhưng trong một số trường hợp cần phải theo quy trình rút gọn, tức là xử lý việc phong tỏa tài sản trước rồi mới khởi tố, truy tố. Khi đó, đối tượng có thể chưa phải là bị can, bị cáo nhưng phải thực hiện những biện pháp ngăn chặn kịp thời như bị phong tỏa tài sản, cấm rời khỏi nơi cư trú…
“Thực tế thời gian qua cho thấy vì không có biện pháp ngăn chặn kịp thời nên khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì bị can cũng đã cao chạy xa bay, tài sản lên tới hàng nghìn tỷ cũng đã kịp tẩu tán bằng nhiều cách thức. Đó là một sơ hở trong quá trình tố tụng. Vì vậy, cần phải cải tiến quy trình tố tụng, bên cạnh những quy trình đầy đủ, chặt chẽ, trong Bộ luật tố tụng hình sự cũng cần có quy trình rút gọn, tăng cường những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng” – ông Lê Như Tiến cho biết.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới phòng chống tham nhũng, từ hoàn thiện thể chế đến điều tra, tuy tố, xét xử. Nhiều vụ án tham nhũng được xử lý nghiêm minh thể hiện tính răn đe, được nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu, trong đó có nguyên nhân do pháp luật chưa có cơ chế thực sự hữu hiệu để thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.
Trong khi đó, việc chuyển dịch quyền sở hữu tài sản lại không vấp phải sự kiểm soát từ phía cơ quan chức năng. Do đó, để ngăn ngừa tẩu tán tài sản đội lốt thủ tục hợp pháp như chuyển nhượng hay cho tặng, thừa kế, thì phải quy định rõ những tài sản không giải trình được nguồn gốc thì được coi là tài sản tham nhũng và phải bị thu hồi.
Mới xử lý người khai “man” tài sản về mặt hành chính, chức vụ
Lâu nay chúng ta vẫn trông chờ vào biện pháp kê khai tài sản của cán bộ công chức để kiểm tra, giám sát những biến động tài sản của đối tượng này nhưng cách này dường như không hiệu quả vì còn nặng tính hình thức. Trong khi việc kê khai còn phụ thuộc quá nhiều vào tinh thần tự giác, tự chịu trách nhiệm của người kê khai.
Thực tế cho thấy, hàng năm đều công khai số liệu cán bộ công chức kê khai tài sản nhưng số được xác minh rất ít và số bị phát hiện thiếu trung thực càng ít hơn. Người bị phát hiện kê khai không đúng lại chưa bị xử lý về tài sản mà mới xử lý về mặt hành chính, chức vụ.
Trong khi đó, không ít cán bộ giàu lên nhanh chóng một cách bất thường, sở hữu khối tài sản “khủng”, biệt phủ, ô tô đắt tiền… lên tới hàng chục tỷ đồng thậm chí nhiều hơn gây bức xúc trong nhân dân, nhưng không được giải trình thỏa đáng, công tâm, minh bạch. Những thông tin như vậy không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước nói chung mà còn ảnh hưởng tới nhiều cán bộ trong sạch, liêm khiết nói riêng.
Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, kê khai tài sản không chỉ là nghĩa vụ mà còn là một biện pháp hữu hiệu để chứng minh cán bộ có trong sạch, liêm khiết hay không. Nhưng cán bộ kê khai rồi bỏ trong hộp tủ hoặc kê khai rồi để đó, khi phát sinh hay phát hiện vấn đề gì rồi mới đi thẩm tra xác minh thì không kịp thời, đúng lúc. Bởi thực tế đã xảy ra tình trạng cán bộ thực hiện việc kê khai, nhưng khi bị thanh tra, kiểm tra lại có khối tài sản lớn.
Do đó, làm thế nào sau khi kê khai, có bộ phận đánh giá, kiểm tra, thậm chí xác minh bản kê có đúng thực tế hay không, nếu thấy không thực tế thì cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe. Ngoài cán bộ thuộc diện phải kê khai cần quy định thêm người thân như vợ/chồng, con cái… phải được kiểm tra, giám sát sự biến động tài sản.
Phải niêm yết kê khai tài sản ở cơ quan và khu dân cư
Theo ông Vũ Quốc Hùng, bản kê khai tài sản cán bộ công chức, đặc biệt là người đứng đầu các cấp cần phải công khai, niêm yết ở cơ quan và khu dân cư để nhân dân được biết. Theo đó cũng cần cơ chế để nhân dân giám sát, rõ ràng công khai đến đâu, chịu trách nhiệm đến đâu.
“Một nguyên tắc vô cùng quan trọng đó là dựa vào dân, phát huy dân chủ; công khai minh bạch, thậm chí hỏi dân đánh giá cán bộ… Đồng thời cần có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả, đặc biệt là di biến động của tài sản, thì tôi tin vấn đề kê khai tài sản sẽ đạt kết quả tốt hơn” - Vũ Quốc Hùng nêu rõ.
|
Ông Vũ Quốc Hùng.
|
Cùng chung nhận định, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh việc thu hồi tài sản tham nhũng không phải là quá khó để không thể thực hiện được. “Tài sản do tham nhũng mà có đâu phải là cây kim, sợi chỉ mà không biết, đôi khi đó là biệt thự, những mảnh đất “vàng, đất “ngọc” ở vị thế đắc địa, hay ô tô nhiều tỷ đồng… tai mắt nhân dân đều biết hết và chúng ta có làm quyết liệt hay không thôi” – ông Lê Như Tiến nói và cho biết bên cạnh việc xử lý đối tượng tham nhũng thì phải đặt nội dung và giải pháp về việc thu hồi tài sản quyết liệt hơn.
“Bên cạnh việc sử dụng bộ máy công quyền, cần phát huy tai mắt của nhân dân ở nơi cư trú và nơi công tác cũng như các tổ chức chính trị - xã hội. Bởi nhân dân đều biết hết sự chuyển dịch tài sản cũng như giá trị gia tăng của tài sản cán bộ hàng năm như thế nào. Nếu cơ quan công quyền vào cuộc một cách quyết liệt bằng nhiều hình thức như phong tỏa tài khoản, xem diễn biến dịch chuyển tài sản hàng ngày cũng như gia tăng tài sản mỗi năm của cán bộ thì sẽ biết hết.
Tại sao hàng trăm tỷ đồng cổ phần của gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa ở Điện Quang, hay Trịnh Xuân Thanh gây thất thoát vì tham ô mấy nghìn tỷ đồng chúng ta đều biết được thì những vụ việc khác, nếu vào cuộc quyết liệt thì không có gì là quá khó khăn” – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết thêm.
Qua một loạt vụ việc xử lý kỷ luật cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao thời gian qua, đặc biệt là nhiều đại án kinh tế đã, đang và sẽ được xét xử có thể rút ra bài học đó là khi cả hệ thống chính trị, các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc và sự đồng thuận của nhân dân thì công cuộc phòng, chống tham nhũng sẽ có kết quả rất lớn. Đúng như thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy” – cho thấy quyết tâm phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không loại trừ một ai, không có chuyện “tắm từ vai trở xuống” như lâu nay nhiều người vẫn hoài nghi.
Theo Kim Anh/VOV