Trong tiến trình điều tra vụ tai nạn tàu hỏa thảm khốc ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa khiến hơn 10 thương vong trong đó có 2 lái tàu, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hai nhân viên gác chắn về hành vi thiếu trách nhiệm để xảy ra vụ tại nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời ra lệnh tạm giam 3 tháng đối với 02 bị can trên.
Câu hỏi đặt ra lúc này, ngoài việc xử lý cá nhân có sai phạm trong vu tai nạn tàu hỏa thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân. Để làm rõ vấn đề dư luận đang quan tâm, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
|
Hiện trường vụ lật tàu ở Thanh Hóa. |
Trao đổi với PV, Luật sư Thơm cho rằng, về nguyên tắc, người nào có lỗi gây ra thiệt hại ngoài trách nhiệm hình sự thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản theo quy định tại Điều 584, 589, 590, 591 Bộ luật dân sự 2015.
Tuy nhiên, nhân viên gác Barie là người của pháp nhân nên khi xảy ra vụ việc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản người khác thì pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra theo quy định tại Điều 597 Bộ luật dân sự 2015.
Thông tin thêm về hành vi vi phạm của hai nhân viên gác chắn vừa bị bắt tạm giam. Theo Luật sư Thơm, nguyên nhân tai nạn tàu hỏa bước đầu được cơ quan điều tra xác định là do lỗi của 2 nhân viên gác barie hai bên khổ đường ray tàu trong ca trực đã lơ là, không thực hiện đóng chắn trước khi tàu tới đường ngang dẫn tới ô tô tải hiệu Howo đi qua bị tàu hỏa đâm gây thiệt hại đến tính mạng lái xe ô tô, 2 lái tàu, nhiều hành khách bị thương và hư hỏng phương tiện cho cả 2 bên.
“Để có căn cứ xử lý trách nhiệm nhân viên gác barie cần thiết xác định lỗi vi phạm và hậu quả xảy ra có mối quan hệ nhân quả”, Luật sư Thơm cho biết.
Theo luật sư Thơm, hành vi của nhân viên gác barie đã không điều hành giao thông đường ngang khi tàu hỏa đi qua, không thực hiện đóng chắn barie đã vi phạm Khoản 4 Điều 39 Luật đường sắt 2017: “Tại đường ngang, cầu chung có người gác, khi đèn tín hiệu không hoạt động hoặc báo hiệu sai quy định, chắn đường bộ bị hỏng thì nhân viên gác đường ngang, nhân viên gác cầu chung phải điều hành giao thông”.
Hậu quả tai nạn tàu hỏa xảy ra là đặc biệt nghiêm trọng, do đó nhân viên gác barie phải chịu trách nhiệm về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 267 BLHS 2015.
Chủ thể của tội phạm này chỉ là những người chỉ huy hoặc điều khiển các phương tiện giao thông đường sắt. bao gồm: Người điều khiển các phương tiện giao thông đường sắt là người trực tiếp điều khiển tầu hoả, đầu tầu và các phương tiện giao thông đường sắt khác.
Người chỉ huy phương tiện giao thông đường sắt không như là người chỉ huy trong các lực lượng vũ trang, hay chỉ huy công trình xây dựng, mà họ chỉ là người có trách nhiệm trong việc chỉ huy cho phương tiện giao thông đường sắt (chủ yếu là tầu hoả) ra vào ga, qua các đường giao cắt với đường bộ.
Để vận hành phương tiện tàu hỏa, ngoài việc người lái tàu điều khiển đi trên đường sắt thì những người chỉ huy là một phần rất quan trọng quyết định điều hành con tàu đi một cách an toàn. Ví dụ, nếu nhân viên chỉ huy bẻ ghi không đúng hoặc đóng barie khi tàu chạy qua thì sẽ gây hậu quả khôn lường…
Căn cứ Thông tư số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 Hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông hướng dẫn về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt (Điều 208 Bộ luật hình sự 1999 nay là Điều 267 BLHS 2015), nhân viên gác đường ngang, cầu chung là chủ thể của Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt theo Điều 208 BLHS 2015 là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Hải Ninh