“Tắc đường” tại sân golf Đại Lải: Giữa dịch vẫn phải chơi mới là tay chơi?

Google News

Xin được hỏi, những golfer “thời thượng”, quý vị nghĩ gì về việc thực thi trách nhiệm cộng đồng trong những ngày đại dịch?

Ngày 16/4, tại hai sân golf Đại Lải và Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), hàng chục chiếc xe điện nối đuôi nhau, xếp hàng chờ đến lượt vào sân lả lướt, thi thố. Một chiếc xe điện thông thường chở theo 2 golfer (gôn thủ) và 2 caddie (người phục vụ). Một golfer nói, do sân nhận quá đông khách nên người chơi phải dừng chờ, không tránh khỏi việc tụ tập đông người, thậm chí, ở khu vực phát bóng, có lúc đến những 40 - 50 người.
“Tac duong” tai san golf Dai Lai: Giua dich van phai choi moi la tay choi?
 Không chỉ tụ tập đông người, không đảm bảo độ giãn cách (ít nhất là trên từng xe điện) và qua hình ảnh –nhiều người không đeo khẩu trang tại khu vực tụ tập - Ảnh: /Nhandan
Thông tin, hình ảnh “tắc đường” này được phản ánh trên báo điện tử Nhân Dân -cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, ngày 17/4.
Vậy xin hỏi chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã có chủ trương và quyết định mở cửa trở lại đối với loại hình dịch vụ thể thao trên địa bàn tỉnh, cụ thể là hai sân golf nói trên từ bao giờ? Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ như thế nào?
Là địa phương nằm trong nhóm nguy cơ thấp thì Vĩnh Phúc đã tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ ra sao? Giáp ranh hai địa bàn là Hà Nội - nằm trong nhóm nguy cơ cao, Thái Nguyên - có nguy cơ, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực thi việc giám sát các cửa ngõ ra vào như thế nào để không chủ quan mà tái diễn những-ngày-Sơn-Lôi?
Và xin được hỏi, những golfer “thời thượng”, những người ôm ấp một tình yêu thể thao bất tuyệt, những đứa con sành điệu không thể sống thiếu thiên nhiên, thiếu mùi của đồng cỏ bát ngát, gió mây bay lượn, ngoài những bộ cánh đắt tiền, tấm thẻ thành viên bạc tỉ hay những chiếc gậy Honma quý tộc, quý vị còn lại những gì trong suy nghĩ, trong một chút nhận thức và hành vi tuân thủ phép tắc xã hội, thực thi trách nhiệm cộng đồng trong những ngày đại dịch?
Quý vị có thể phóng tầm mắt ngút ngàn đến tận những hố golf xa, sao không chịu nhìn thấy những khu phố “chết” - để cộng đồng được “sống”, những con đường không một bóng người - để xã hội được an toàn, những cây ATM gạo - cả đi nhận hàng miễn phí cũng biết ý thức mà tuân thủ giãn cách.
Một trong những đòi hỏi đầu tiên của một tay golf là sự điềm tĩnh. Hẳn say mê lắm, sống chết và bất chấp tất để được đến sân trong những ngày đại dịch này thì ở quý vị, sự điềm tĩnh, lịch lãm không những dư thừa, vung vãi. Và quả thật, quý vị chỉ giữ được sự điềm tĩnh để ngắm nghía, toan tính, tỉ thí trên mặt sân, còn ngoài cái không gian xanh mướt ấy, quý vị vô cảm với mọi gắng gượng, nỗ lực, hy sinh.
Đặt những hàng dài xe điện và những kẻ hợm hĩnh ngồi trên ấy, nhởn nhơ đi lại, trò chuyện, vui cười trong cái đám tụ tập ấy cạnh những bóng người thức trắng nơi vùng biên để kiểm soát dịch bệnh, những chiến sĩ áo xanh lao mình vào tâm dịch để giành giật, bảo vệ từng mạng sống trước con virus corona quái ác và triệu triệu con người cần lao khốn đốn vẫn mím môi và câm lặng để “sống khác” đi những ngày thường, mà chờ dịch bệnh đi qua; sẽ thấy những kẻ "tay chơi", gôn thủ kia không khác gì những “biến chủng” đang tìm cách phá hỏng những kháng thể cộng đồng, ký sinh lên cái thú vui hợm hĩnh của chính mình mà gây hại cho cộng đồng, cho chính họ.
Một cú vung gậy, đủ để nhận diện ai là người chơi Titleist hay chỉ là kẻ lắm tiền thích trau chuốt Honma. Nhưng chơi ngay giữa thời dịch bệnh, thì người Titleist hay kẻ Honma, rốt cuộc chỉ là một cây gậy không hơn không kém!
Theo Ái Mỹ/ Phunuonline