Sửa Luật Tổ chức Quốc hội để tinh gọn tổ chức bộ máy

Google News

Để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, trong lần sửa đổi này, tập trung chủ yếu vào các quy định về cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội với các lý do được nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. 
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được xem xét tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 diễn ra vào sáng nay (12/2).
Sua Luat To chuc Quoc hoi de tinh gon to chuc bo may
 Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Tờ trình về dự án luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày cho biết, căn cứ ý kiến chỉ đạo, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị tại Kết luận số 121-KL/TW và Kết luận số 111-KL/TW, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội nhằm thực hiện chủ trương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trên cơ sở mục đích, quan điểm chỉ đạo và kết quả rà soát Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội tập trung vào các nội dung: Sửa đổi, bổ sung quy định về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Sửa đổi, bổ sung các quy định về Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điều chỉnh một số nội dung có liên quan đến việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác; đồng thời, kết hợp sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội mà qua tổng kết thực tiễn hoạt động từ năm 2016 đến nay có phát sinh vướng mắc, bất cập.
Với việc xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung nêu trên, thực hiện kết luận của cấp có thẩm quyền, sau khi Quốc hội xem xét, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội, Nghị quyết về số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của các cơ quancủa Quốc hội (bao gồm cả đơn vị chuyên môn giúp việc).
Dự thảo Luật tập trung vào 35/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Các nội dung sửa đổi, bổ sung được bố cục trong 2 điều, Điều 1 sửa đổi, bổ sung 18 điều và bãi bỏ 17 điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành.
Thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội với các lý do được nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Ủy ban Pháp luật khẳng định, nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, trong lần sửa đổi này, tập trung chủ yếu vào các quy định về cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; về phân định thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ; đồng thời, kết hợp sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội mà qua tổng kết thực tiễn hoạt động có phát sinh vướng mắc, bất cập.
Đối với các nội dung có liên quan khác được quy định trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chẳng hạn như việc thay đổi tên gọi của một số Ủy ban sau khi sắp xếp, sáp nhập, về quy trình thực hiện một số công việc trong công tác xây dựng pháp luật, công tác giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước... thì sẽ được nghiên cứu, kết hợp xử lý ở các văn bản phù hợp và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 hoặc kỳ họp thứ 9 sắp tới.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan của Quốc hội, trong đó xác định cụ thể các văn bản cần được ban hành ngay để có hiệu lực đồng thời với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, các văn bản cần được ban hành ngay sau khi Luật này có hiệu lực thi hành.
Do đó, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, việc xác định phạm vi và cách thức sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội như nêu tại Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phù hợp.
Về việc phân định thẩm quyền của Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước (Điều 5), Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, việc phân định thẩm quyền của Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ, các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước là vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Dự thảo Luật đã xác định cụ thể hơn những nội dung cần được quy định bằng luật hoặc nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, bổ sung nội dung luật chỉ quy định các vấn đề mang tính ổn định, có giá trị lâu dài, về quyền con người, quyền công dân… nhằm đẩy mạnh phân quyền cho Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác trong công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế.
Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc quy định nguyên tắc nêu trên đã cơ bản phân định được thẩm quyền của Quốc hội với Chính phủ và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là "phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, hài hoà trong quy trình quản trị quốc gia".
Do đó, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc sửa đổi quy định về làm luật, sửa đổi luật tại Điều 5 của Luật Tổ chức Quốc hội. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị không nên quy định nội dung này trong Luật Tổ chức Quốc hội vì đây là vấn đề phân định thẩm quyền lập pháp và lập quy giữa Quốc hội với Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác, nên cần được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 này...
Thiên Tuấn