Kịp thời, đúng thời điểm
Ngày 28/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Chung, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, về tội chiếm đoạt tài liệu mật nhà nước.
Trước đó, ngày 11/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Chung.
|
Ông Nguyễn Đức Chung. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, với sự việc của ông Nguyễn Đức Chung nhiều người cho rằng đáng tiếc nhưng cũng đã dự đoán từ trước. Có điều tạm đình chỉ công tác thời gian nào, lúc nào, thời điểm nào thích hợp để cơ quan điều tra tiến hành làm rõ trách nhiệm, sai phạm có liên quan đến ông Chung trong một số vụ án xảy tại TP Hà Nội.
“Tôi nghĩ sự việc này liên quan đến vụ án Nhật Cường. Không khó lý giải khi tài xế riêng, thư ký riêng đã bị cơ quan công an khởi tố, bắt giam, trách nhiệm ít nhiều sẽ có liên đới đến ông Chung. Từ khi công ty Nhật Cường đổ bể, dư luận ở thủ đô và cả nước đã xôn xao việc này. Tuy nhiên, cơ quan công an muốn làm kỹ, cụ thể, khi rõ có hành vi vi phạm họ mới vào cuộc, báo cáo xin ý kiến cấp thẩm quyền để giải quyết, xử lý hành vi sai phạm.” – Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Theo đại biểu Hòa, việc Thủ tướng tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là rất kịp thời, đúng thời điểm để cơ quan điều tra dễ dàng làm việc với ông Chung sau khi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
“Tất nhiên ông Chung là người đứng đầu chính quyền thủ đô là cực kỳ quan trọng. Trước đó, ông Chung cũng là người của Bộ Công an đưa về làm Giám đốc Công an TP Hà Nội rồi sau đó ông Chung làm Chủ tịch thành phố, Ủy viên Trung ương. Đây là một cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, về việc sai phạm sẽ bị xử lý không có vùng cấm dù là ai như Tổng Bí thư đã nói rất cụ thể, nhất là đối với hành vi tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi vun vén cho bản thân, gia đình, bao che cho tội phạm, người nhà làm ăn phi pháp” – Đại biểu Hòa nói.
Ông Hòa cho rằng, việc xử lý phải kịp thời để răn đe, phòng ngừa cho những ai sau này không dám, không muốn, không ham và không được thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
Quy trình xử lý công chức vi phạm thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nói rằng, theo Luật cán bộ, công chức 2008 thì cán bộ, công chức vi phạm quy định của Luật cán bộ công chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Cụ thể các hình thức kỷ luật cán bộ bao gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Bãi nhiệm. Các hình thức kỷ luật công chức bao gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.
Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Việc áp dụng các hình thức kỷ luật đối với công chức được thực hiện theo quy định tại tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức.
Nguyên tắc xử lý kỷ luật là khách quan, công bằng; nghiêm minh, đúng pháp luật. Mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật.
Trường hợp cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm kỷ luật thì bị xem xét xử lý kỷ luật. Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự không được tính vào thời hạn xử lý kỷ luật.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.
Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ.
Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, cán bộ, công chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Kêu gọi TGĐ Nhật Cường mobile ra đầu thú
Tâm Đức