Cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về vụ án xảy ra tại Công ty CP Hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTEX) mới được công bố đã tiết lộ những "bí mật động trời" xung quanh việc thành lập Công ty CP PVTEX Kinh Bắc.
Theo cơ quan điều tra, giữa năm 2010, thông qua mối quan hệ với Vũ Đình Duy - nguyên Tổng Giám đốc PVTEX, Đỗ Văn Hồng - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Kinh Bắc (PVC-KBC) đã ngỏ lời với Duy báo cáo lên Trần Trung Chí Hiếu - nguyên Chủ tịch HĐQT PVTEX để cho PVC-KBC được liên kết với PVTEX thành lập Công ty CP PVTEX Kinh Bắc do Hồng làm Chủ tịch HĐQT.
Khi đó, Đỗ Văn Hồng muốn thành lập PVTEX Kinh Bắc là nhằm mục đích sản xuất ống cuốn cuốn sợi và thùng carton để bán cho PVTEX. Hồng nghĩ rằng, sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra, đồng thời sẽ tạo điều kiện cho PVTEX Kinh Bắc được ưu tiên mua sản phẩn của PVTEX.
Tuy vậy, để có được cái gật đầu của lãnh đạo PVTEX, Vũ Đình Duy yêu cầu Hồng phải "cống nạp" cho Hiếu vì Hiếu là Chủ tịch HĐQT PVTEX. Do đó, muốn thành lập PVTEX Kinh Bắc thì phải có sự đồng ý của Hiếu, cũng như để sau này được tạo điều kiện kinh doanh.
|
Vũ Đình Duy khi còn đương chức. |
Đỗ Văn Hồng nhận thấy việc thành lập PVTEX Kinh Bắc có khả năng sinh lời cao nên nhất trí với Vũ Đình Duy.
Theo đó, Duy và Hồng thống nhất vốn điều lệ PVTEX Kinh Bắc là 30 tỷ. Trong đó, Hồng nắm 70% cổ phần tương ứng 21 tỷ giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, PVTEX góp 10% cổ phần tương ứng 3 tỷ đồng bằng thương hiệu. Còn lại 20% cổ phần (tương đương 6 tỷ), Hồng phải "cống nạp" cho Hiếu và Duy mỗi người 3 tỉ để đứng tên góp vốn tại PVTEX Kinh Bắc.
Để che giấu "kế hoạch bẩn thỉu", Duy và Hiếu nhờ người nhà đứng tên đối với số cổ phần mà Hồng hối lộ. Xong xuôi, ngày 22/7/2010, PVN có nghị quyết chấp thuận đề nghị của PVTEX, đến 5/8/2010 Công ty CP PVTEX Kinh Bắc chính thức được thành lập.
Sau khi đi vào hoạt động, với sự "bảo kê" của PVTEX, PVTEX Kinh Bắc đã ký được 5 hợp đồng mua các sản phẩm với tổng giá trị hơn 9 tỷ. Đồng thời còn được PVTEX ký 62 hợp đồng bán một số lượng lớn các sản phẩm cho nhà máy Polyeste Đình Vũ với tổng giá trị hơn 94 tỷ.
Tuy nhiên, sau này do nhà máy Polyeste Đình Vũ dừng hoạt động nên hiệu quả kinh doanh của PVTEX Kinh Bắc không đạt được như mong muốn của Hồng, Duy và Hiếu. Từ đây, mọi việc bắt đầu vỡ lở dần dẫn tới kết cục hôm nay.
Cáo trạng của VKSND tối cao kết luận, có căn cứ xác định việc thành lập PVTEX Kinh bắc, Hiếu và Duy đã "lợi dụng chức vụ quyền hạn" buộc Hồng phải chi mỗi người 3 tỷ để thành lập PVTEX Kinh Bắc và tạo điều kiện cho đơn vị này mua bán sản phẩm với PVTEX.
Dẫu vậy, do thời hạn điều tra đã hết, chưa bắt được Duy nên CQĐT đã ra quyết định tách vụ án, quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với Duy, khi nào bắt được sẽ tiếp tục điều tra xử lý.
Về phần Đỗ Văn Hồng, hành vi đưa 6 tỷ cho Hiếu và Duy có dấu hiệu phạm tội “đưa hối lộ”. Tuy nhiên, xét các tình tiết, Hồng bị ép buộc nên việc CQĐT không truy cứu trách nhiệm hình sự với Hồng là có cơ sở.
P.H (tổng hợp)