Từ việc điều tra lỏng lẻo, thiếu chứng cứ gốc, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang (khi đó)… đã tạo nên chuỗi bi kịch 10 năm oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn. Nếu như suốt 10 năm bỏ trốn, sát thủ thật sự của vụ án Lý Nguyễn Chung không phút nào yên vì cứ chợp mắt, hình ảnh nạn nhân bị sát hại lại len lỏi vào đầu óc anh ta mà ra đầu thú thì liệu sự thật có được hé mở?
|
Ông Chấn ngày trở về sau 10 năm. |
Theo lời khai của Chung, khoảng 19h30 ngày 15/8/2003 Chung đi từ nhà đến cửa hàng của chị Hoan để mua dầu gội đầu. Thấy trong tủ kính đựng hàng có tiền, lòng tham của hắn trỗi dậy. Sau khi giết chị Hoan, Chung mở tủ kính lấy toàn bộ số tiền bán hàng của chị (59.000 đồng) rồi quay ra chỗ chị nằm tháo hai chiếc nhẫn và trở về nhà, gia đình đối tượng không khuyên con ra đầu thú mà che đậy tội ác, lén lút đưa Chung về Cao Lộc (Lạng Sơn). Và từ đó, hành trình lẩn trốn gần 10 năm của sát thủ tại miền Nam bắt đầu.
Sau quá trình rà soát các đối tượng đáng nghi, Nguyễn Thanh Chấn được cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bắc Giang (khi đó) đưa vào dạng nghi vấn bởi những bất minh trong khoảng thời gian tối 15/8. Kết quả đo bàn chân của ông Chấn cho thấy chân trái ông Chấn dài 22cm, rộng 8,8cm, chân phải dài 23cm, rộng nhất 9,6 cm. Ngay lập tức, cơ quan điều tra đã coi đó là một trong những bằng chứng để kết luận Chấn là hung thủ vụ việc. Điều tra lỏng lẻo, thiếu chứng cứ gốc, cơ quan điều tra (khi đó) đã căn cứ vào lời khai (bị ép cung) của Nguyễn Thanh Chấn để hoàn thành hồ sơ truy tố. Tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã căn cứ vào tài liệu này để kết án ông Nguyễn Thanh Chấn tội giết người với án chung thân.
Biên bản kết luận truy tố vụ án của cơ quan CSĐT còn có nhiều bản cung, lời khai của ông Nguyễn Thanh Chấn có chữ ký của ông này đều khớp với hiện trường gây án và bản thân ông Chấn trong những lời khai ấy cũng thừa nhận giết chị Hoan. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Nguyễn Thanh Chấn đều kêu oan và cho rằng mình bị cán bộ điều tra dùng nhục hình, ép cung nên mới phải nhận tội.
Trong suốt 10 năm, bà Nguyễn Thị Chiến đã níu kéo hy vọng bằng cách gửi đơn thư cho rằng chồng là Nguyễn Thanh Chấn bị bắt oan trong vụ giết người do Chung gây ra và thu thập những chứng cứ quan trọng. Bà tự điều tra, thu thập và có trong tay nhiều đoạn ghi âm một số cuộc nói chuyện, khẳng định Chung chính là thủ phạm. 10 năm sau, hung thủ thực sự của vụ án Lý Nguyễn Chung đã ra cơ quan công an đầu thú, thừa nhận việc mình đã giết hại chị Nguyễn Thị Hoan vào đêm ngày 15/8/2003, ông Chấn mới được thả.
10 năm sau, ngày 6/11/2013, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã hủy 2 bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Chấn để điều tra lại. Trước đó, ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành bản án, rời trại giam về nhà. Còn Lý Nguyễn Chung, người cùng làng với ông Chấn, đã ra đầu thú, nhận là thủ phạm của vụ án.
Thêm 8 người bị giam oan ở Bắc Giang
Có một điểm rất trùng hợp giữa vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị kết tội “Giết người” và thêm 8 người bị giam oan ở Bắc Giang trong vụ trộm cắp cổ vật trong các phiên tòa do TAND tỉnh Bắc Giang xét xử. Cả 8 người bị truy tố oan này đều nói bị ép cung, dùng nhục hình trong quá trình giam giữ, lấy lời khai. Một người trong số đó đã chết trước khi được tuyên vô tội.
|
Ông Dương Phúc Thịnh, 1 trong 8 người bị giam oan tại Bắc Giang. Ảnh: Người Lao Động. |
Cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang cáo buộc oan 8 người gây ra hàng loạt vụ trộm cắp tượng, cổ vật ở nhiều đình, chùa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong khoảng thời gian từ tháng 6-2001 đến tháng 7-2003. Họ bị tạm giam gần 1.000 ngày ở trại giam Kế (tỉnh Bắc Giang) và liên tục phải dự các phiên tòa, điều đó đã trở thành nỗi ám ảnh.
Ông Dương Phúc Thịnh (ngụ quận Đống Đa, Hà Nội), 1 trong 8 người bị cáo buộc) cho biết khi bị cáo buộc cả 8 “đồng phạm” đều không hề quen biết nhau. Họ bị đánh đập đủ kiểu, bị ép ký vào lời khai soạn sẵn. Trải qua 3 phiên tòa, các HĐXX vẫn không thể buộc tội ông Thịnh cùng những “đồng phạm” vì thiếu chứng cứ. Tại phiên tòa lần thứ 4 diễn ra vào tháng 6/2006, TAND tỉnh Bắc Giang đã phải tuyên cả 8 bị cáo vô tội và trả tự do ngay tại tòa. Nhưng trước đó, ông Phan Hữu Hường đã chết bất thường trong trại tạm giam Kế với kết luận bị bệnh.
Sau khi được tạm tha năm 2006, suốt 2 năm, 7 công dân bị truy tố oan phải gõ cửa các cơ quan công quyền tỉnh Bắc Giang và cấp trung ương để yêu cầu xin lỗi, bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, phải đến tháng 7/2008, VKSND tỉnh Bắc Giang mới tiến hành xin lỗi các công dân trên ở nơi cư trú và thỏa thuận mức bồi thường.
Lại thêm một minh chứng cho việc điều tra lỏng lẻo, thiếu chứng cứ gốc, cơ quan điều tra Bắc Giang (khi đó) cố làm để hoàn thành hồ sơ truy tố. Việc để oan sai do quá trình điều tra và quá trình tố tụng vẫn là một dấu hỏi lớn còn bỏ ngỏ đối với những người chấp hành luật pháp?
Lưu Thoa (tổng hợp)