Theo đó, chiều 11/6, mạng xã hội Facebook lan truyền một đoạn video ghi lại hình ảnh sư cô "dạy dỗ" nữ đệ tử trong chùa theo kiểu bạo lực, hành hạ trẻ em khiến dư luận bức xúc. Đoạn video được cho là xảy ra tại một ngôi chùa ở quận 4, TP.HCM.
|
Ảnh cắt ra từ video. |
Cuối đoạn video, sư cô yêu cầu nữ đệ tử bỏ tay che miệng ra để "dạy dỗ" bằng cách khác nhưng nữ đệ tử khóc lóc năn nỉ và không mở tay ra. Thấy vậy, sư cô xoay qua lấy cây đánh tiếp. Sau đó, sư cô lớn tiếng nói với nữ đệ tử còn lại: "Nhớ những gì hôm nay sư phụ hành hạ nó nghe chưa, nếu con láo xạo với sư phụ thì sẽ bị gấp đôi nó".
Trao đổi về việc dạy trẻ bằng roi vọt có còn phù hợp trong giáo dục hiện nay, chuyên gia ThS Nguyễn Hồng Vân, Trung tâm giáo dục tâm lý Ánh Sáng cho hay, ngày xưa cha mẹ thường áp dụng quan niệm “thương cho roi cho vọt” để dạy dỗ con cái. Họ quan niệm, có mắng hay đánh con mới sợ và làm theo lời bố mẹ dạy, không dám tái phạm.
Chính vì thế, những lúc cáu giận, bực mình nhiều bố mẹ liền đánh, chửi con không thương tiếc, thậm chí dùng các biện pháp để “dạy dỗ” con. Khi nguôi ngoai, nhiều người lại bật khóc vì phút nóng giận của mình đã làm hại con. Thậm chí, kết quả của hành vi trên còn để lại di chứng tâm lý ảnh hưởng đến cuộc đời con sau này.
Theo vị chuyên gia tâm lý, hiện nay cách dạy con này không còn phù hợp. Khi trẻ chịu những trận đòn roi sẽ lo lắng và chịu áp lực tâm lý, dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, hình thành nên những nhân cách xấu.
Trong đó đã có những chứng minh cho thấy, trẻ bị đánh đòn nhiều sau này có xu hướng bạo lực với những người khác, nhất là trong gia đình mình.
Còn trong xã hội tiến bộ ngày nay, áp dụng kỷ luật tích cực, kỷ luật không nước mắt... là những phương pháp hữu hiệu. Tức tránh đòn roi với con nhưng vẫn dạy con tích cực.
Theo đó, giáo dục không nước mắt sẽ bao gồm các quy tắc rõ ràng về thưởng, phạt, nghệ thuật khen con, chê con khi con mắc lỗi và những quy tắc ứng xử giữa người lớn với trẻ… Quá trình này giúp trẻ có các động lực để nhận những lời khen thưởng, từ đó ý thức về những việc không nên làm.
Như Kiến Thức đã thông tin, sư cô trong đoạn video chính là Thích Nữ Hạnh Thảo, trụ trì chùa Long Nguyên (phường 4, quận 4, TP.HCM). Còn hai nữ đệ tử trong đoạn video là cháu T.V.K.N. (bị đánh) và cháu T.N.T.V..
Thời gian qua, sư cô Thích Nữ Hạnh Thảo có nhận nuôi dưỡng và dạy dỗ hai cháu T.V.K.N. và T.N.T.V.. Trong quá trình dạy dỗ, nuôi dưỡng thì cháu N. có những lời nói dối, hành động sai trái nên sư cô Hạnh Thảo "có những lời dạy dỗ kèm một vài cái đánh bằng tay không vào mặt…".
Sự việc sư cô Hạnh Thảo "dạy dỗ" theo kiểu có dấu hiệu hành hạ trẻ em được một người trong chùa phát hiện và dùng điện thoại di động quay lại đoạn video...
Ban đại diện Phật giáo quận 4 mời sư cô Hạnh Thảo đến làm rõ về đoạn video. Sau đó, Ban trị sự Phật giáo quận 4 yêu cầu sư cô Hạnh Thảo ngưng mọi hoạt động của chùa, ngưng đảm nhiệm chức sắc trụ trì chùa Long Nguyên trong thời gian 3 tháng.
>>> Mời độc giả xem video Nhiều người mắc lừa kẻ giả sư
Hà Trang