Sống mãi những ký ức hào hùng ngày Cách mạng Tháng Tám

Google News

Ông Trần Văn Khá, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Chợ Lớn, nay đã ngoài 90 tuổi, vẫn nhớ như in những ngày Cách mạng Tháng Tám hào hùng tại Sài Gòn - Chợ Lớn.

Những ngày lịch sử ở Chợ Lớn
Ông Trần Văn Khá, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Chợ Lớn, nay đã ngoài 90 tuổi, vẫn nhớ như in những ngày Cách mạng Tháng Tám hào hùng tại Sài Gòn - Chợ Lớn.
Song mai nhung ky uc hao hung ngay Cach mang Thang Tam
 
"Tôi nhớ ngày 15/8/1945, ngay làng Phước Vân, thuộc quận Cần Ðước, tỉnh Chợ Lớn, đã diễn ra cuộc mít-tinh đầu tiên có hơn 700 người dự. Cuộc mít-tinh sau đó biến thành diễn đàn nói về đấu tranh giành độc lập và cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện. Tại Trung Quận, ngày 18/8 làng Tân Tạo tổ chức biểu tình lớn, biểu dương lực lượng, vũ trang bằng gậy tầm vông, súng tự tạo. Sau đó, đêm 22/8, các đảng viên ở tổng Long Hưng Hạ đã huy động lực lượng quần chúng vũ trang gậy tầm vông vạt nhọn xông vào chiếm trụ sở các làng Long Hiệp, Long Phú... rồi công bố giải tán hội tề, lùng bắt tay sai giặc có nợ máu, thành lập chính quyền cách mạng. Sáng sớm 25/8, lực lượng của ta đã bí mật phong tỏa hết các ngả đường trong quận lị và áp sát dinh quận trưởng. Nhà riêng của quận trưởng cũng bị bao vây mà lính mã tà hoàn toàn không hay biết. Trong tình thế đó, quận trưởng Phủ Hải phải giao nộp chính quyền cho Việt Minh, ra lệnh cho binh sĩ đầu hàng, nộp súng.
Ở quận Cần Giuộc, do có tư thế sẵn sàng, lại sớm bắt được liên lạc với cấp trên, cho nên 14 giờ ngày 24/8, các đồng chí Trương Văn Bang, Tài Phú Sửu, Ðỗ Phát Thanh chỉ huy lực lượng bao vây dinh quận, buộc lính mã tà buông súng đầu hàng, buộc quận trưởng giao lại chính quyền cho cách mạng. Riêng quận Ðức Hòa, ngay từ sáng 24/8, lực lượng thanh niên tiền phong khoảng 30 người đã tràn vào trụ sở tề các làng đúng lúc chúng đang họp và tước vũ khí, giải tán hội tề, lập chính quyền cách mạng. Ngày 25-8, Ðức Hòa đã giành chính quyền ở quận, lần lượt các làng cũng hoàn thành khởi nghĩa trong ngày. Sau đó, ở Nhà máy đường Hiệp Hòa, công nhân và tự vệ ta đã tiến công một tiểu đội lính Nhật, diệt ba tên, bắt sống hai tên, bảy tên khác bỏ chạy thì bị tiêu diệt. Chính quyền cách mạng Ðức Hòa làm lễ ra mắt nhân dân.
Ngày 25/8, lực lượng khởi nghĩa tỉnh Chợ Lớn đã làm chủ Tòa bố Chợ Lớn, chính quyền tỉnh và chính quyền các quận đều về tay nhân dân. Tôi còn nhớ rõ cuộc tuần hành thị uy của nhân dân trong tỉnh Chợ Lớn trên nhiều đường phố Sài Gòn, sau đó quy về tỉnh lị Chợ Lớn dự cuộc mít-tinh đón mừng UBND lâm thời tỉnh ra mắt, Bí thư và Chủ tịch đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn là đồng chí Nguyễn Văn Hoành và đồng chí Võ Lợi Trinh.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương và Xứ ủy, phát huy tính chủ động, tự lực, Ðảng bộ Chợ Lớn đã hoàn thành nhiệm vụ ở chặng đầu là lãnh đạo nhân dân trong tỉnh khởi nghĩa giành độc lập, giành chính quyền. Sự kiện này để lại bài học rất sâu sắc về xây dựng Ðảng là củng cố thống nhất nội bộ, bám sâu, bền gốc rễ trong quần chúng, dựa vào quần chúng. Ðảng lãnh đạo nhưng lực lượng, phong trào phải từ quần chúng mà ra".
Theo Dương Minh Anh/Nhân Dân