Năm 2017, hàng loạt biệt thự “khủng” của “quan chức” tiếp tục được phanh phui gây nhiều phản ứng từ dư luận, làm lộ ra những kẽ hở trong các quy định về minh bạch kê khai tài sản.
Không chỉ quan chức đã nghỉ hưu mới lộ tài sản khủng mà còn có nhiều “quan chức” đương nhiệm vẫn hiên ngang xây biệt phủ khủng nhiều sai phạm như gia đình ông Phạm Sỹ Quý – nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái.
Căn biệt phủ khủng tọa lạc trên khu đất tại tổ 42 và tổ 52 phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) của gia đình ông Phạm Sỹ Quý – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, em trai Bí thư tỉnh này khiến dư luận phản ứng gay gắt nhất là sau khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm liên quan việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng; việc chấp hành pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập của ông Phạm Sỹ Quý.
|
Căn biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý. |
Theo đó, UBND TP Yên Bái cho phép bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý) chuyển hơn 13.581 m2 đất nông nghiệp sang đất ở nhưng không thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất là không đúng quy định. Gia đình bà Huệ xây dựng sai nội dung giấy phép được cấp, xây dựng một số công trình không phép. Bản thân ông Phạm Sỹ Quý là đối tượng phải có nghĩa vụ kê khai TSTN nhưng đã kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực.
Ông Phạm Sỹ Quý đã vi phạm quy định về trách nhiệm của người có nghĩa vụ phải kê khai, vi phạm quy định về những hành vi bị nghiêm cấm tại Nghị định của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập, gây nghi ngờ về tài sản của gia đình ông, tạo dư luận không tốt đối với cán bộ trong bộ máy của Nhà nước cũng như sự minh bạch của đối tượng phải kê khai. Theo TTCP, những vi phạm trên của ông Phạm Sỹ Quý đến mức phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm minh.
Vi phạm nặng nề nhưng việc xử lý những vi phạm của ông Phạm Sỹ Quý và những cá nhân tổ chức có liên quan như kiểu “giơ cao nhưng đánh khẽ”. Bởi cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái chỉ xử phạt số tiền trên 507 triệu đồng do xây dựng trái phép và không phép tại khu “biệt phủ” của gia đình ông Phạm Sỹ Quý và việc phạt chậm nộp thuế số tiền hơn 51 triệu đồng. Tuy nhiên, các công trình không phép, trái phép tại khu ''biệt phủ'' của gia đình ông Phạm Sỹ Quý vẫn được tồn tại.
Bản thân ông Phạm Sỹ Quý chỉ bị “cảnh cáo” về Đảng. Đồng thời, cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường, cho thôi chức vụ Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và điều động đến nhận công tác tại tại Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái để đảm nhiệm chức vụ Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh.
Ngoài ra, 14 cá nhân liên quan vụ “biệt phủ” Yên Bái bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền. Trong đó, những cán bộ, công chức cấp phòng trở xuống thuộc TP. Yên Bái thì Ban Thường vụ Thành ủy Yên Bái đã quyết định kỷ luật với hình thức khiển trách về Đảng.
Vi phạm nghiêm trọng nhưng lại được xử lý kiểu “hạ cánh an toàn” cho nên dù đã xử lý cũng không khiến dư luận phục và tất nhiên, những lùm xùm về biệt phủ này vẫn còn kéo dài theo thời gian.
Không chỉ gia đình ông Phạm Sỹ Quý bị phanh phui tài sản khủng, nhiều “quan chức” khác cũng bị lộ ra chuyện sở hữu khối lượng tài sản khủng với những biệt thự xa hoa, lộng lẫy với giá trị hàng chục đến hàng trăm tỷ. Ngay như ở huyện nghèo Tam Nông (Phú Thọ) dư luận vẫn choáng trước thông tin vợ chồng chủ tịch huyện này sở hữu căn biệt thự tiền tỷ sang trọng bề thế nằm trên diện tích hàng nghìn m2.
Hay như vụ việc 6 lô biệt thự ở vị trí đắc địa của Lào Cai, sau đấu giá đều thuộc quyền sở hữu, sử dụng của gia đình quan chức tỉnh này...Điều đáng nói “lô đất vàng” này trước đây từng nằm trong qui hoạch làm công viên từ năm 2004.
Mới đây, dư luận tỉnh Nghệ An cũng xôn xao về căn biệt thự “khủng” toạ lạc ngay trên mảnh “đất vàng ” của TP. Vinh (Nghệ An) là của Giám đốc Sở xây dựng tỉnh Nghệ An – ông Hoàng Trọng Kim được xây theo kiến trúc hiện đại, sang trọng và có giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng. Sau khi dư luận lùm xùm, ông Hoàng Trọng Kim đã lên tiếng giải thích rằng, nhà này thuộc dự án của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 30, ông Kim có đăng ký góp vốn để mua. Tuy nhiên, kiểu giải thích như vậy vẫn khó lòng thuyết phục được dư luận.
Những vụ việc “biệt thự khủng” của quan chức Việt liên tiếp gây lùm xùm dư luận đã ít nhiều làm giảm sút niềm tin của người dân vào các cán bộ nhà nước. Bởi đồng lương của các cán bộ dù có giữ chức vụ thế nào cũng khó có thể sở hữu được những căn biệt thự lớn đến như vậy.
Bên cạnh đó, đất nước còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo vẫn còn lên con số hàng triệu, nợ công lớn, việc một số cán bộ bỗng dưng “giàu lên trông thấy” cũng sẽ đặt ra những hoài nghi từ dư luận. Tiền đâu để các cán bộ trên xây biệt phủ, biệt thự khủng? Quá trình kê khai, minh bạch tài sản có bỏ sót những tài sản trên?...là những câu hỏi của dư luận đặt ra tuy nhiên sẽ khó có lời giải đáp hợp tình, hợp lý.
Trước đây, chuyện những “quan chức” nghỉ hưu mới lộ ra tài sản khủng bởi có những kẽ hở trong các quy định về minh bạch, kê khai tài sản như việc pháp luật chưa quy định về kê khai, công khai tài sản của cán bộ do Trung ương quản lý nhưng đã nghỉ hưu. Dẫn đến việc, cán bộ sau khi nghỉ hưu mới lộ tài sản khủng như nhà lầu, xe hơi đắt tiền…Nhưng hiện nay, ngay cả cán bộ đang đương chức, cũng đã kê khai tài sản tuy nhiên vẫn còn đâu đó kẽ hở, buông lỏng để những cán bộ này thản nhiên lộ những tài sản khủng, biệt thự khủng khiến dư luận không đồng tình.
Trên thực tế, không ai cấm quan chức không được xây biệt thự, biệt phủ. Nếu đó là tiền từ mồ hôi nước mắt của họ thì đáng được ghi nhận, biểu dương. Hiện nay, các quy định pháp luật rất chặt chẽ, công chức buộc phải kê khai rõ ràng, đầy đủ các tài sản, các nguồn thu nhập…Tuy nhiên, như ông Đặng Công Huẩn, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,1 triệu người, tỷ lệ kê khai và công khai đều trên 99,8%. Trong số đó, qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cấp cao.
ĐBQH Nguyễn Mai Bộ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, không chống được tham nhũng không phải do trình độ yếu kém mà chính là do trách nhiệm, ý thức của cơ quan, của người làm công tác phòng chống tham nhũng chưa quyết liệt, vẫn còn tình trạng thanh tra giám sát nhưng chưa chỉ rõ sai phạm của bộ ngành, cá nhân nào.
Muốn chấm dứt những lùm xùm, nghi hoặc liên quan đến tài sản của quan chức, cần phải thực hiện nghiêm hơn nữa quy trình kê khai tài sản trong suốt quá trình đương chức của cán bộ, công chức để không còn khoảng trống để tích lũy lượng tài sản trái phép hoặc không minh bạch. Khi đó, dù quan chức có tài sản khủng thế nào đi chăng nữa, người dân vẫn tin và ủng hộ họ.
Hải Ninh