|
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Thượng tôn pháp luật
Được thành lập theo Nghị định 70/NĐ-CP ngày 11/7/1994, song dấu ấn đặc biệt trong địa vị của KTNN là khi Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.
Nhìn lại chặng đường 25 năm qua, Phó Tổng KTNN, ông Đoàn Xuân Tiên không dấu được tự hảo khi khẳng định hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của KTNN dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật. KTNN đã tích cực nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán một cách toàn diện. Số lượng các cuộc kiểm toán đã được tăng lên qua từng năm, hoạt động kiểm toán của KTNN ngày một chuẩn mực hóa và chuyên nghiệp.
Trên cơ sở đó, hiệu quả, hiệu lực kiểm toán cũng từng bước được tăng cường, chất lượng kiểm toán ngày càng nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn quản lý. KTNN ngày càng phát huy tốt hơn vai trò của mình là công cụ của Đảng và Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, lãng phí.
“Những kiến nghị của KTNN ngày càng đa dạng, phong phú, sắc sảo và có chất lượng hơn, được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sử dụng ngày càng nhiều trong xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật và chính sách về kinh tế - xã hội; các đơn vị được kiểm toán sử dụng để khắc phục những yếu kém, bất cập trong quản lý…”- Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh.
Kể từ khi thành lập đến hết năm 2018, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính khoảng 414.145 tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ hàng trăm văn bản sai quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế, bịt các lỗ hổng về chính sách, đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành…
Công cụ kiểm tra tài chính nhà nước hữu hiệu
Ông Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm UBTCNS của Quốc hội cho biết, rất nhiều đại biểu Quốc hội đã dẫn số liệu của KTNN trong các phát biểu, chất vấn của mình. “Một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội thời gian quan chính là KTNN, công cụ kiểm tra tài chính nhà nước hữu hiệu phục vụ Quốc hội giám sát hoạt động kinh tế, tài chính quốc gia…”- ông Dũng khẳng định.
Khẳng định vai trò của KTNN, ông Dũng cũng tỏ ra băn khoăn vì “chúng ta có hệ thống bộ máy, luật pháp như vậy nhưng KTNN “sờ” vào đâu, kiểm toán ở đâu, sai phạm ở đó…”. Ông này dẫn chứng về kết quả kiểm toán các dự án BOT giao thông mà nhiều Đại biểu Quốc hội và lãnh đạo Bộ GTVT đã trao đổi trong phiên chất vấn vừa diễn ra.
Tuy nhiên, những kết quả mà KTNN đã đạt được, theo đại diện UBTCNS của Quốc hội vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của người dân, của Quốc hội. Ông dẫn chứng, cả nước có 300.000 đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước, gần 11.200 xã, 710 huyện và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng hàng năm, KTNN chưa thực hiện kiểm toán ngân sách được toàn bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Chất lượng và hiệu lực kiểm toán còn khoảng cách không nhỏ so với yêu cầu.
Về phía mình, Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cũng cho rằng, mặc dù những thành tựu, kết quả đạt được trong 25 năm qua là toàn diện, quan trọng nhưng KTNN vẫn còn có những hạn chế và bất cập. Một trong số này theo ông là quy mô kiểm toán mặc dù đã được mở rộng song vẫn chưa tương xứng với yêu cầu kiểm tra, kiểm soát các đối tượng sử dụng tài chính, tài sản công. Ngoài ra, việc giải quyết mối quan hệ giữa mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng kiểm toán và yêu cầu giữ gìn đạo đức, phẩm chất cán bộ, kiểm toán viên luôn là một thách thức lớn.
“Chúng ta cùng nhìn nhận một cách khách quan và đưa ra những luận cứ cho việc xác định những chặng đường tiếp theo để xây dựng KTNN ngày càng phát triển, xứng tầm là một thiết chế hiến định độc lập, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân…”- Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên phát biểu.
Theo Thanh Thanh/Pháp luật VN