Năm 2017, các chuyên gia thuộc Đại học Harvard công bố nghiên cứu cho thấy khí thải do đốt than ở Đông Nam Á sẽ tăng gấp ba vào năm 2030, dẫn đến gia tăng số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí.
Các nhà nghiên cứu tại Harvard và Greenpeace cho biết nhu cầu về điện ở Đông Nam Á được dự báo tăng 83% từ năm 2011-2035. Đây là con số đáng kinh ngạc, gấp đôi mức trung bình toàn cầu.
Số ca tử vong do ô nhiễm sẽ tăng vọt vào năm 2030
"Tình trạng ô nhiễm không khí ở Trung Quốc và Ấn Độ thu hút sự quan tâm lớn của giới khoa học", Shannon Koplitz, nhà nghiên cứu chính của dự án, cho biết.
Tuy nhiên, bà cho rằng "tác động của việc mở rộng quy mô ngành năng lượng than theo kế hoạch tại các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam và Đông Á đã bị đánh giá thấp".
|
Theo dự báo, Indonesia và Việt Nam dẫn đầu các nước Đông Nam Á về số ca tử vong liên quan đến khí thải từ than đá vào năm 2030. Đồ họa: CNN, Đại học Harvard/Greenpeace. |
Nghiên cứu chỉ ra rằng kinh tế phát triển, dân số gia tăng và xu hướng di cư về thành thị các yếu tố khiến nhu cầu năng lượng tăng vọt.
Khác với Mỹ, châu Âu, Trung Quốc hay Ấn Độ, năng lượng tại các nước Đông Nam Á được đẩy mạnh sản xuất từ than đá thay vì năng lượng tái tạo. Điều này có thể gây ra hậu quả "nghiêm trọng" đối với sức khỏe cộng đồng, nghiên cứu cảnh báo.
"Việc các nước Đông Nam Á đang phát triển phụ thuộc vào than đá sẽ tác động đáng kể và lâu dài đến chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng", bà Koplitz nói.
Báo cáo năm 2017 ước tính hàng năm, khoảng 20.000 người trong khu vực Đông Nam Á tử vong do khí thải từ nhà máy nhiệt điện than. Theo dự báo, con số này sẽ tăng lên 70.000 người vào năm 2030 nếu tất cả các dự án nhà máy điện được đề xuất trong khu vực đi vào triển khai.
Số lượng các nhà máy điện ở Indonesia dự kiến tăng gấp đôi từ 147 lên 323 nhà máy. Con số này ở Myanmar dự kiến tăng gấp 5 lần, từ 3 lên 16 nhà máy.
Các quốc gia phát triển như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang tăng cường xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, báo cáo cho biết. Do đó, khí thải từ than đá ở Đông Nam Á sẽ tăng gấp ba vào năm 2030, với mức tăng cao nhất ở Indonesia và Việt Nam.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng tác động xấu mà các quốc gia này gây ra cho môi trường chỉ là giọt nước giữa đại dương.
Theo ước tính, hàng năm có 100.000 người chết do chịu ảnh hưởng từ các nhà máy nhiệt điện than ở Ấn Độ.
Người phát ngôn của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết: "Việc đánh giá Indonesia là trường hợp xấu so với Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ là không công bằng. Trung Quốc tiêu thụ lượng than gấp 40 lần Indonesia".
"IEA khuyến cáo rất rõ ràng rằng các quốc gia nên khai thác tất cả tiềm năng về năng lượng carbon thấp, tuy nhiên khan hiếm năng lượng là vấn đề quan trọng ở nhiều nước trên thế giới", phát ngôn viên của IEA nói với CNN.
Lauri Myllyvirta, chuyên gia về ô nhiễm không khí của Greenpeace và là một trong những tác giả của nghiên cứu, lập luận rằng Trung Quốc và Ấn Độ ít nhất đang nỗ lực cải thiện vấn đề năng lượng của mình.
"Trung Quốc là quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc phát triển năng lượng tái tạo", ông nói và cho biết kể từ năm 2013, nhu cầu năng lượng gia tăng ở Trung Quốc hoàn toàn được đáp ứng bằng năng lượng sạch. Chuyên gia này nhận định Ấn Độ cũng đang đi đúng hướng để đáp ứng "các mục tiêu năng lượng tái tạo đáng chú ý".
|
Ấn Độ là một trong những quốc gia châu Á có tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất với khói bụi dày đặc. Ảnh: AP. |
"Tôi rất hy vọng rằng năng lượng sạch được đẩy mạnh để ô nhiễm không khí không đạt đến mức khủng khiếp như chúng ta đang chứng kiến ở Trung Quốc và Ấn Độ", ông Myllyvirta nói.
"Chi phí thấp và nguồn cung trong nước dồi dào" là lý do tại sao các quốc gia như Indonesia và Việt Nam vẫn đang đẩy mạnh sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bất chấp tác động tiêu cực đến chất lượng không khí.
Theo phân tích của IEA, trong bối cảnh nguồn cung than đá giá rẻ luôn sẵn có và các quốc gia đang đặt ra mục tiêu phát triển đầy tham vọng, chính sách ưu đãi của chính phủ và quy hoạch ngành năng lượng trong dài hạn sẽ giúp khu vực Đông Nam Á ưu tiên công nghệ tái tạo.
"Để cạnh tranh được về giá trong sản xuất điện, ngành năng lượng tái tạo cần phải đạt đến quy mô nhất định. Trong nghiên cứu của chúng tôi, hầu hết quốc gia chưa đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo", ông Myllyvirta nói.
* Kiến Thức đã đổi tên bài viết.
Theo Hương Ly/Zing