Chiều 9/4, GS Nguyễn Đăng Hưng và các cộng sự đã có buổi tọa đàm tại Hà Nội. Tại đây, các nhà khoa học công bố kết quả chuyến đi tới đất nước Iran, đặt bia trên mộ giáo sĩ Alexandre de Rhodes - một trong những người có công nhất trong việc sáng tạo nên chữ Quốc ngữ.
Trước đó, ngày 5/11/2018, nhóm các nhà khoa học, văn nghệ sĩ gồm GS. Nguyễn Đăng Hưng (GS ĐH Standard - Bỉ, Viện trưởng Viện Vinh danh Chữ Quốc ngữ và Bảo tồn tiếng Việt, ĐH Duy Tân), nhà văn Hoàng Minh Tường, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán... đã thực hiện hành trình tìm lại
cội nguồn của chữ Quốc ngữ.
|
Tấm bia ghi lại công lao của người sáng lập ra chữ Quốc ngữ được đặt ở Iran. Ảnh: NVCC. |
Nhóm sang Iran đến làm lễ và đặt bia tri ân trên mộ phần giáo sĩ Alexandre de Rhodes, nhân ngày giỗ thứ 358 của Đức cha. Tấm bia được làm bằng đá tại Quảng Nam, ghi lời tri ân bằng 4 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp và Iran đặt tại Iran. Nội dung tấm bia thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn sự sáng tạo của giáo sĩ Alexandre đối với đất nước Việt Nam, giúp cho người Việt dễ dàng tiếp cận thế giới bên ngoài nhờ bộ chữ cái Latin.
Hành trình này được thực hiện đúng vào thời gian chuẩn bị tròn 100 năm từ khi vua Khải Định ra chỉ dụ về việc bãi bỏ việc học và thi bằng chữ Hán, sử dụng chữ Quốc ngữ trong các văn bản Việt (28/12/1919). Thế nên, chuyến đi “ngược nguồn chữ Việt” như chia sẻ của nhà văn Hoàng Minh Tường càng thêm ý nghĩa.
Tại buổi toạ đàm, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết, đang vận động tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về chữ quốc ngữ.
Hội thảo dự kiến diễn ra ngày 28/12 tại Đà Nẵng, dịp kỷ niệm vua Khải Định ra chiếu bỏ chữ Hán, dùng quốc ngữ (28/12/1918). Dự kiến hội thảo sẽ mời hàng trăm học giả trong nước và thế giới tham dự nhằm phân tích rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau về lịch sử hình thành chữ quốc ngữ. "Đây là dịp vinh danh giáo sĩ Alexandre de Rhodes, người có công lớn sáng tạo ra chữ quốc ngữ", giáo sư Hưng bày tỏ.
|
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng tại buổi toạ đàm. Ảnh: VnE |
Sau đó, nhóm các nhà nghiên cứu do giáo sư Hưng đứng đầu sẽ dựng không gian vinh danh chữ Quốc ngữ, dự kiến đặt tại Thanh Chiêm (Quảng Nam) - nơi đầu tiên các giáo sĩ Bồ Đào Nha đặt chân tới Việt Nam thế kỷ 17, bắt đầu viết tiếng Việt bằng ký tự Latinh. GS Nguyễn Đăng Hưng cho biết hiện nay, ông nhận được sự giúp đỡ của một doanh nghiệp, giao cho ông 5.000 m2 tại Hội An để thành lập không gian vinh danh chữ Quốc ngữ.
Tại đây sẽ có tượng Alexandre de Rhodes; thư viện trưng bày tài liệu về quá trình hình thành, phát triển chữ quốc ngữ; không gian biểu diễn nghệ thuật truyền thống... "Đến đây, mọi người sẽ hiểu về lịch sử chữ quốc ngữ và những người góp công lớn để hình thành ngôn ngữ của đất nước như hiện nay", ông Hưng kỳ vọng.
PV