Sau sáp nhập, không bắt buộc phải làm lại sổ đỏ

Google News

Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sau sáp nhập, người dân không bắt buộc phải làm lại sổ đỏ đã cấp, trừ trường hợp có nhu cầu.

Sau sap nhap, khong bat buoc phai lam lai so do
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành hướng dẫn chi tiết về chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai khi sáp nhập tỉnh thành. Theo đó, không bắt buộc người dân thực hiện chỉnh lý đồng loạt sổ đỏ đã cấp, trừ trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu hoặc thực hiện đồng thời với thủ tục hành chính về đất đai.
Về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thường gọi là sổ đỏ) đã cấp qua các thời kỳ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, không bắt buộc người dân thực hiện chỉnh lý đồng loạt sổ đỏ đã cấp, trừ trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu hoặc thực hiện đồng thời với thủ tục hành chính về đất đai.
Việc chỉnh lý, thay đổi thông tin của thửa đất bao gồm số tờ, số thửa, địa chỉ trên sổ đỏ đã cấp được thực hiện theo quy định tại Điều 41 Thông tư số 10 năm 2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Đối với trường hợp trên sổ đỏ đã cấp không còn dòng trống để xác nhận thay đổi thì cấp mới sổ đỏ để thể hiện thông tin của thửa đất theo quy định tại Điều 23 của Nghị định 101 năm 2024 của Chính phủ.
Về tờ bản đồ địa chính, tên gọi gồm cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp xã, phường, thị trấn sau khi sắp xếp; số hiệu mảnh bản đồ địa chính và số thứ tự trong phạm vị cấp xã. Thông tin cấp xã trước khi sắp xếp cần được ghi chú ở ngoài khung bản đồ nhằm phục vụ tra cứu.
Đối với các yếu tố trình bày ngoài khung bản đồ (tên tỉnh, xã), mốc địa giới và đường địa giới, các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất, ghi chú thuyết minh... nếu có cần chỉnh lý trên bản đồ địa chính cho phù hợp.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, những thửa đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước khi hợp nhất đang sử dụng các kinh tuyến trục khác nhau cần xem xét sử dụng một kinh tuyến trục phù hợp.
Chi tiết về chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai khi sáp nhập tỉnh thành:
Việc chỉnh lý hồ sơ địa chính bao gồm: bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai, sổ địa chính và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi chung là "Giấy chứng nhận") phải được thực hiện đồng thời với việc cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương.
Hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai đang được quản lý, lưu trữ, vận hành thì tiếp tục được khai thác, quản lý, phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. Việc chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai do sắp xếp lại đơn vị hành chính phải được thực hiện đồng thời với việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất, đảm bảo thông suốt, không gây ách tắc, cản trở cho người dân và doanh nghiệp.
Việc áp dụng kinh tuyến trục cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh được thực hiện như sau: Đối với những nơi đã có bản đồ địa chính thì giữ nguyên kinh tuyến trục theo từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Đối với những nơi chưa có bản đồ địa chính, thì khi thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính sẽ ưu tiên sử dụng 01 kinh tuyến trục có độ chính xác cao hơn của một trong các tỉnh, thành phố được hợp nhất sau khi sắp xếp đơn vị hành chính để sử dụng cho việc đo đạc, lập bản đồ địa chính.
 
N.Hà