Ngày 24/1/2019, Bộ Giao thông Vận tải có Kết luận số 840/KL-BGTVT về nội dung tố cáo đối với ông Mai Tuấn Anh – Chủ tịch Hội đồng thành viên, tổ chức, cá nhân của VEC (thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp). Kết luận chỉ rõ 7 trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, TP HCM – Dầu Giây đều không thông qua đấu thầu, áp dụng sai hình thức thầu, vi phạm Luật Đấu thầu.
“Các nhà đầu tư đều tự lập phương án thiết kế, dự toán, tính toán phương án tài chính của dự án trình VEC xem xét, đàm phán ký hợp đồng. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam không thực hiện tổ chức đấu thầu”, Kết luận của Bộ GTVT nêu rõ.
|
Trạm dừng nghỉ Km22+900 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Công ty TNHH Phước An) vẫn hoạt động sau những nội dung sai phạm được Bộ GTVT chỉ rõ. |
Bộ GTVT cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sai sót là do lỗi chủ quan của Hội đồng thành viên, trách nhiệm chính là Chủ tịch HĐTV VEC, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, các cá nhân, tổ chức tham mưu ký hợp đồng với các nhà đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ không thông qua đấu thầu.
Tuy nhiên, sau 4 năm chỉ rõ sai phạm tại VEC, việc khắc phục vẫn chưa được các đơn vị liên quan thực hiện triệt để và có dấu hiệu kéo dài.
Mới đây, thông tin với Báo Tri thức và Cuộc sống về tình hình khắc phục sai phạm liên quan đến Kết luận số 840/KL-BGTVT, đại diện VEC cho biết “Sau quá trình kiểm tra, cấp thẩm quyền yêu cầu huỷ hợp đồng với các nhà đầu tư trong việc đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ”.
VEC khẳng định việc hủy hợp đồng là yêu cầu bắt buộc và đã có thông báo gửi đến 8 nhà đầu tư (Thông báo số 1225/TB-VEC ngày 25/6/2021 về việc thông báo hủy Hợp đồng).
Tuy nhiên, việc hủy hợp đồng của VEC đang bị phản đối đến mức buộc phải kiện ra tòa. Theo đó, VEC đang tiến hành thủ tục khởi kiện và yêu cầu hủy hợp đồng đối với 7 nhà đầu tư. Đến nay đã có 3 tòa án thụ lý nội dung khởi kiện của VEC. Riêng 1 nhà đầu tư đang được VEC đàm phán hủy hợp đồng trên tinh thần hai bên tự nguyện.
Khi PV Báo Tri thức và Cuộc sống đề nghị VEC thông tin về các nhà đầu tư bị VEC khởi kiện hoặc tự nguyện, cũng như dự kiến kế hoạch, phương án, tiến độ của VEC trong việc sớm khắc phục sai phạm theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên (Kết luận đưa ra 4 năm), nhưng VEC từ chối trả lời.
“Đến nay 3/4 nội dung vi phạm liên quan đến trạm dừng nghỉ theo Kết luận của cơ quan có thẩm quyền đã được VEC cơ bản khắc phục (nộp tiền thuê đất; bảo đảm lợi ích cho người dân; quản lý kinh doanh, khai thác minh bạch công khai đảm bảo lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp). Đối với việc hủy hợp đồng với các Nhà đầu tư, VEC đang tiếp tục triển khai theo kế hoạch”, VEC cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Phước An - nhà đầu tư Trạm dừng nghỉ Km22+900 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai khẳng định: "Các nhà đầu tư không sai và sẵn sàng ra tòa nếu VEC khởi kiện".
"Tòa án sẽ xác định ai đúng, ai sai. Nếu VEC sai thì phải bồi thường cả về giá trị đầu tư, khấu hao, tài sản hình thành trong tương lai...trên tinh thần 2 bên thỏa thuận dựa trên cơ sở tính toán, thẩm định của một công ty thuộc Bộ Tài chính và căn cứ vào các điều khoản ký kết trong hợp đồng...", ông Nguyễn Văn Thắng bày tỏ quan điểm.
7 trạm dừng nghỉ trên 3 tuyến cao tốc tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, TP HCM – Dầu Giây mà Bộ GTVT chỉ ra sai phạm giữa VEC và các nhà đầu tư gồm:
- Trạm dừng nghỉ Km227+000 Dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình (Công ty CP Đầu tư dịch vụ thương mại Tân Thịnh).
- Trạm dừng nghỉ Km41+100 tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn.
- Trạm dừng nghỉ Km22+900 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Công ty TNHH Phước An).
- Trạm dừng nghỉ Km57+500 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Công ty Tuấn Tú Phú Thọ).
- Trạm dừng nghỉ Km117+500 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Công ty CP Phú Thịnh Phú Thọ).
- Trạm dừng nghỉ Km171+500 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Công ty CP 27/7 Thanh Xuân).
- Trạm dừng nghỉ Km236+940 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Long Hải).
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
Năm 2022, báo cáo kết quả thanh tra thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 với Đoàn giám sát của Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã chỉ ra 7 dạng sai phạm chủ yếu qua công tác thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong đó, có sai phạm trong quản lý đầu tư do công tác lập hồ sơ mời thầu không đúng quy định (đưa ra các tiêu chí có tính chất chỉ định thầu, gài thầu); việc thẩm định hồ sơ mời thầu, thẩm định kết quả đấu thầu thiếu chặt chẽ, dẫn đến sai sót của đơn vị tư vấn đấu thầu không được phát hiện chấn chỉnh kịp thời. Chủ đầu tư thực hiện kế hoạch đấu thầu thiếu công khai; minh bạch; không thực hiện đúng kế hoạch đấu thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ định thầu không đúng thẩm quyền, quy trình.
Sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp nhà nước. Hiện tượng buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại một số doanh nghiệp nhà nước; sử dụng vốn đầu tư vào một số dự án đầu tư đạt hiệu quả thấp, để xảy ra nhiều sai phạm trong sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, có trường hợp sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản, vốn của nhà nước, dẫn đến phải xử lý hình sự.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cười “rớt hàm” với màn phạt nhóm học sinh vi phạm luật giao thông:
Thiên Tuấn