Sau án tử, Giang Kim Đạt vẫn còn hành vi sai phạm chờ xử lý

Google News

Sau bản án tử hình vì tội tham ô tài sản, Giang Kim Đạt vẫn đang bị điều tra vì liên quan đến sai phạm khác khi bỏ trốn.

Chiều tối (18/8), Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã tuyên phạt bị cáo Giang Kim Đạt - nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) án tử hình vì tội Tham ô tài sản, với số tiền chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận xét: Giang Kim Đạt khai báo chưa thành khẩn, thể hiện bị cáo chưa ăn năn hối cải đối với hành vi phạm tội của mình. Về kháng cáo của bị cáo Đạt và quan điểm của các luật sư bào chữa khi cho rằng, bị cáo Đạt không phạm tội Tham ô tài sản hoặc hình phạt tử hình cấp sơ thẩm đã tuyên với bị cáo Đạt là quá nặng, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm thấy không có cơ sở để chấp nhận.
Theo Hội đồng xét xử, trong quá trình bỏ trốn sang Campuchia, Giang Kim Đạt đã có hành vi làm giả hộ chiếu lấy tên Bùi Đức Thắng để trốn tránh pháp luật. Với tên giả này, Giang Kim Đạt đã từ Campuchia sang Singapore. Quá trình điều tra, cơ quan công an đã phát hiện có hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức để giúp Giang Kim Đạt bỏ trốn. Ngày 22/3/2016, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án Làm giả tài liệu của cơ quan, hiện vụ án đang được điều tra, làm rõ.
Liên quan đến vụ án xảy ra ở Tập đoàn Vinashin (mua tàu Hoa Sen), Giang Kim Đạt từng bị cơ quan công an khởi tố để điều tra. Kết quả điều tra cho thấy, Giang Kim Đạt có hành vi ký nháy vào hợp đồng mua tàu. Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định Giang Kim Đạt không trong thành phần Ban mua tàu Hoa Sen của Vinashinlines, không biết dự án mua tàu Hoa Sen chưa được Tập đoàn Vinashin phê duyệt.
Sau an tu, Giang Kim Dat van con hanh vi sai pham cho xu ly
Bị cáo Giang Kim Đạt (áo hồng) và Trần Văn Liêm (giữa) bị tuyên án tử hình vì tội Tham ô tài sản.
Việc Giang Kim Đạt ký nháy trên hợp đồng mua tàu là thực hiện theo chỉ đạo của Trần Văn Liêm, lúc đó là Tổng giám đốc Vinashinlines. Sai phạm của các đối tượng trong việc mua tàu Hoa Sen đã bị xử lý, như trường hợp Phan Thanh Bình - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin bị tuyên 20 năm tù, Trần Văn Liêm bị tuyên phạt 19 năm tù cùng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…
Cơ quan điều tra xác định, hành vi của Giang Kim Đạt không có vai trò quyết định trong việc mua tàu Hoa Sen, chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên. Chính vì thế, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã áp dụng khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự (Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa) để đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra với Giang Kim Đạt về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Việc đình chỉ vụ điều tra này được Viện KSND Tối cao đánh giá là có căn cứ.
Chiều 18/8, sau hai ngày xét xử, nghị án, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên phạt 4 bị cáo trong vụ án tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra ở Vinashinlines.
Bị cáo Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines - bị tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản, số tiền chiếm đoạt hơn 3,1 tỷ đồng (bị cáo đã nộp khắc phục hết).
Bị cáo Giang Kim Đạt bị tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản, số tiền chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Văn Khương - nguyên Kế toán trưởng Vinashinliens - bị tuyên án chung thân vì tội Tham ô tài sản, số tiền chiếm đoạt 110 nghìn USD.
Bị cáo Giang Văn Hiển (bố của Giang Kim Đạt) bị tuyên 12 năm tù về tội Rửa tiền.
Mức án dành cho 4 bị cáo y như mức án sơ thẩm.
Theo quy định của pháp luật, bản án phúc thẩm là bản án có hiệu lực pháp luật. Trường hợp người bị tuyên án tử hình, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.
Theo Ngọc Lương/Dân Việt