Nhiều kinh nghiệm, phương pháp giáo dục, đổi mới truyền thông phòng ngừa lạm dụng chất gây nghiện dựa trên bằng chứng khoa học đã được đưa ra tại Hội thảo “Những vấn đề mới đặt ra trong truyền thông phòng ngừa lạm dụng chất gây nghiện” diễn ra vào chiều 29-10.
Hội thảo do Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn phối hợp tổ chức.
Xuất hiện nhiều loại ma túy mới
Theo Bộ Công an, hiện nay, các chất ma túy mới xuất hiện ngày càng đa dạng, nhiều loại, nhiều kiểu mẫu khác nhau để kích thích nhu cầu sử dụng và nhằm che dấu sự kiểm tra, giám sát và phát hiện của các cơ quan thực thi pháp luật. Nhằm tăng tác dụng kích thích, hưng phấn, gây nghiện, che dấu hành vi phạm tội, đạt được lợi nhuận cao nhất, tội phạm đã pha trộn các loại ma túy với nhau, pha trộn ma túy với các chất khác như: Chế cần sa thành các loại bánh kẹo; trộn chất ma túy với các loại thuốc tân dược có bán trên thị trường cùng với chất tạo màu, mùi để sản xuất ra viên nén ma túy tổng hợp,...
|
Các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi ý kiến tại Hội thảo. |
Năm 2015, danh sách các chất và tiền chất ma túy là 292, đến nay sau 3 năm danh mục đã tăng lên gấp đôi với tổng số 559 chất và tiền chất. Danh sách các loại ma túy mới không dừng lại, nó đã nối dài hơn với nhiều loại nguy hiểm hơn, tinh vi hơn, khó phát hiện hơn, bằng những cái tên như: Lá thiên đường (lá khat), thuốc lắc meo meo flakka, tem giấy (bùa lưỡi), bánh lười lazy cake, muối tắm, trà sữa – nước vui, nấm ma thuật …
Có những chất ma túy mới xuất hiện chưa nằm trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam. Điều đáng nói là không chỉ gia tăng chóng mặt về số lượng, các loại ma túy tổng hợp ngày càng tăng nồng độ gây ảo giác. Đây chính là nguyên nhân có thể gây chết người.
Cũng trong thời gian qua, ở nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra một số vụ việc gây rối trật tự, tự hủy hoại bản thân, đe dọa an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân do những người sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần gây ra “ngáo đá”, làm hoang mang dư luận.
Hay gần đây là sự việc đau lòng khi 7 người chết tại Lễ hội âm nhạc Hồ Tây đêm 16-9 có kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy các nạn nhân đều sử dụng chất kích thích như ma túy đá, thuốc lắc và cần sa.
|
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội thảo. |
Phương thức truyền thông gây phản ứng ngược
Ông Lê Việt Đông, Phó Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, theo một cuộc khảo sát tiến hành trên thế giới, trung bình một người từ 8-18 tuổi dành đến 6,5 giờ/ngày (tức 44,5 giờ/tuần) để tiếp cận thông tin qua các phương tiện truyền thông. Điều này đã cho thấy giới trẻ là đối tượng chịu tác động rất mạnh mẽ từ cách thức và nội dung truyền thông liên quan đến các chất gây nghiện, trong đó có ma túy.
Hiện nay, có nhiều loại hình truyền thông, quảng cáo, phim ảnh đang trực tiếp và gián tiếp gây những tác động xấu đến người tiếp nhận thông tin, đặc biệt là giới trẻ trong việc nhận thức tác hại của các chất gây nghiện. Những hình ảnh, nội dung trên truyền hình, phim ảnh, quảng cáo khiến hành vi sử dụng chất kích thích dần trở nên bình thường, điều này gây những tác động xấu đến tâm lý cũng như nhận thức của giới trẻ.
Một số phương pháp truyền thông đang triển khai chưa đạt được hiệu quả cao thậm chí còn gây hiệu ứng ngược, một phần quảng cáo cho việc sử dụng ma túy khi các phương tiện thông tin đại chúng thay vì đưa ra cảnh báo làm mọi người tránh xa ma túy thì ngược lại kích thích trí tò mò, chẳng hạn một số trang báo có những bài viết như: Ma túy đá và những “khát khao” dục vọng, hay sau “đập đá”, sex với 5-6 người chưa thỏa mãn…
Có thể thấy thay vì viết tác hại, nguy hiểm của ma tuý đôi lúc có những bài báo giật gân câu khách miêu tả cảm giác thăng hoa khi sử dụng ma túy dẫn tới phản ứng ngược là kích thích trí tò mò tìm và sử dụng ma tuý. “Đây là vấn đề rất lớn trong truyền thông nếu như chúng ta không có định hướng rõ ràng về mặt tuyên truyền sẽ dẫn đến thất bại và gây hiệu ứng ngược”- ông Lê Việt Đông nhấn mạnh.
Nâng cao tác động chương trình truyền thông
Báo cáo của Cổng thông tin điện tử Chính phủ nêu rõ, trong những năm qua công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy luôn được Chính phủ, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện; các cơ quan thông tấn báo chí cũng đã tích cực vào cuộc và đã đạt được nhiều kết quả.
Theo đánh giá của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong giai đoạn từ 2014-2017, số tin, bài, ảnh, phóng sự về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đăng tải trên các ấn phẩm tăng trung bình 10-15% so với trước.
|
Cán bộ Công an tuyên truyền, vận động công nhân phòng, chống tệ nạn ma túy. |
Công tác tuyên truyền được triển khai rộng khắp trong toàn xã hội, nhất là ở những khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, vì vậy nhận thức về tác hại của ma túy trong nhân dân đã có những chuyển biến tích cực; trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và các cơ quan báo chí được nâng cao. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, công tác thông tin tuyên truyền, cổ động cũ, lỗi thời không còn đáp ứng yêu cầu...
Để công tác truyền thông phòng, ngừa lạm dụng chất gây nghiện có hiệu quả, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho biết, cần thông tin, tuyên truyền một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm đa dạng về phương thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác phòng, ngừa lạm dụng chất gây nghiện.
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động tuyên truyền về phòng, ngừa việc lạm dụng chất gây nghiện; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị liên quan nhằm tạo công ăn việc làm cho giới trẻ, đặc biệt là những người nghiện trở về. Ứng dụng công nghệ vào công tác tuyên truyền, đưa ra những biện pháp để ngăn chặn những thông tin lôi kéo, mời chào trên mạng xã hội.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020”. Mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin; tăng cường đổi mới, đa dạng hóa hình thức, thể loại, sản phẩm truyền thông… nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong tình hình mới.
Theo Minh Hiền/CAND