Trần Tiến Anh (tức Tùng “đê”, SN 1975, ngụ phường phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) không còn cơ hội để sửa chữa những sai lầm của mình. Tại phiên phúc thẩm mở một ngày tháng 6/2017, tòa đã bác kháng cáo tuyên y án tử hình, bởi tội ác tùng gây ra quá nghiêm trọng và cũng bởi nhân thân với 8 tiền án quá xấu của gã.
Tuy nhiên, theo các bạn tù cùng khu giam, Tùng không có thái độ hoảng loạn hoặc cuồng điên đập phá như một số tử tù khác.
|
Hình minh họa. |
Thậm chí gã còn ăn chay 15 ngày một tháng, thường xuyên tụng kinh niệm phật. Gã hiểu rõ tội trạng của mình là không thể tha thứ, nên cố tìm chút thanh thản cuối cùng.
Điều gã đau đáu duy nhất là đứa em trai cũng đang trượt theo vết xe đổ của mình. Gã muốn nhắn đứa em rằng: Hãy thay gã phụng dưỡng mẹ già, tránh xa con đường tội lỗi bởi sớm muộn gì phía trước cũng là vực thẳm.
Sa ngã chỉ vì bị “ra rìa”
Cha Tùng theo con đường binh nghiệp lại đóng quân ở tỉnh xa nên chẳng mấy khi có mặt ở nhà. Tùng lớn lên chủ yếu trong vòng tay mẹ. Thời trước đổi mới, các gia đình bộ đội thường có tiêu chuẩn cao hơn các gia đình bình thường một chút.
Vì thế, dù không phải là giàu có nhưng mẹ vẫn cưng Tùng “như trứng mỏng”. So với đám bạn cùng trang lứa con nhà “bình dân”, Tùng thuộc dạng được ăn sung, mặc sướng, chỉ cần lo học, không phải động tay, động chân làm việc gì.
Khi tròn 10 tuổi, Tùng mới có thêm đứa em trai. Cha thì vẫn biền biệt và guồng quay yêu thương lại được mẹ dồn vào đứa em mới chào đời. Sự quan tâm của mẹ dành cho Tùng phần nào giảm bớt, lần đầu tiên nếm cảnh “ra rìa”, Tùng “sốc” toàn tập.
Ở cái tuổi ham ăn ham chơi, Tùng đành phải tìm niềm vui trên đường phố, cạm bẫy bắt đầu mở ra, chực chờ Tùng. Nhà Tùng ở gần khu chợ Giời (phố Thịnh Yên, quận Hai Bà Trưng) nơi đây bán buôn sầm uất, nhỏ như cái kim sợi chỉ, lớn như đồ điện tử, xe máy, cái gì cũng có.
Thời ấy, đây là khu vực rất năng động, ra vào tấp nập đủ mọi hạng người. Và như mọi khu vực chợ búa khác, dân giang hồ cũng tụ về, chia vùng chia bãi để kiếm ăn.
Hoạt động mạnh nhất của đám giang hồ là lĩnh vực giết chóc, trộm cắp. Lẽ đương nhiên bởi chợ đông như nêm cối, bọn đạo thì vừa nhanh tay vừa liều mạng, người lương thiện muốn đề phòng cũng khó.
Tùng lang thang ra chợ vào thời điểm đó nên lập tức bị đám anh chị lôi kéo. Nhỏ tuổi lại lạ mặt như Tùng, trà trộn vào chỗ đông người ít bị để ý.
Mà dụ dỗ Tùng cũng chẳng mấy khó khăn. Đang chán vì bị mẹ bỏ bê, tự nhiên được các anh quan tâm, cho ăn uống, cho tiền chơi điện tử, Tùng cảm thấy biết ơn lắm.
Còn quá non nớt, Tùng làm sao biết trong miếng mồi ngon là cái lưỡi câu, mắc vào rồi gỡ ra không nổi. Khi Tùng đã quen ăn uống, hút thuốc lá, quen chơi, các anh bắt đầu giao việc.
Ban đầu chỉ là vòng ngoài, quan sát, gây nhiễu, sau ăn vài phi vụ thì Tùng đã trực tiếp ra tay trộm cắp. Nghề “hai ngón” này, đám anh chị không cần “đào tạo” Tùng kỹ lắm.
Bởi băng nhóm đông người, nếu Tùng bị phát hiện, lập tức có nhiều đứa xuất hiện “cản địa” đánh tháo, thậm chí tổ chức cướp trắng trợn luôn. Lối sống lầm lạc, không nhận được sự quan tâm đầy đủ từ cha mẹ, Tùng đã sa ngã từ khi mới mười mấy tuổi đầu.
Hận cha thành ra hận đời 15 tuổi, Tùng lần đầu trả giá. Trong một lần ra quân mật phục, công an đã bắt tại trận Tùng cùng băng nhóm giở trò trộm cắp. Vì ở tuổi vị thành niên, gã bị đưa đi trường giáo dưỡng ở tỉnh Ninh Bình.
Hai năm Tùng cải tạo, chỉ có mẹ vài tháng đi thăm một lần còn người cha không hề đến. Kết cục là cho đến khi được tự do, gã vẫn là thành phần cần được quan tâm sát sao, có tên trong sổ theo dõi của công an phường. Trở về xã hội nhưng Tùng không về nhà.
Phần vì biết cha không chấp nhận mình, phần vì gã muốn né tránh “ánh mắt” của pháp luật. Với thành tích thời còn ở băng nhóm ngoài chợ Giời cùng với tai tiếng quậy tung trường giáo dưỡng, dù còn trẻ tuổi, Tùng vẫn nhận được sự vị nể của dân anh chị.
Thời điểm này khu vực lân cận chợ Giời là đầu ô Cầu Dền đang khét tiếng trong giới giang hồ Hà Nội. Lợi dụng địa hình phức tạp, nơi giao cắt của 3 tuyến phố: Đại Cổ Việt - Bạch Mai - Phố Huế thuộc 3 phường khác nhau, dân anh chị từ nhiều nơi tụ về lập thành băng nhóm.
Tùng nhanh chóng gia nhập đám bất hảo này, gã làm đàn em của một tay anh chị số má thời đó. Máu liều vốn có cùng với sự bất cần đời, Tùng chẳng mấy chốc đã leo lên thứ hạng cao trong băng nhóm.
Xảy ra xung đột, gã đâm chém không run tay. Đi đòi nợ thuê, gã dằn mặt con nợ vô cùng máu lạnh. Gã không còn là thằng nhóc ngày nào chập chững ở chợ Giời nữa.
Nhắc đến cái tên Tùng ‘đê’, nhiều dân anh chị lúc này cũng phải kiêng nể đôi phần. Có số má đương nhiên là có trả giá.
Pháp luật nghiêm minh đâu thể làm ngơ trước những hành vi tội lỗi. Tùng liên tục phải ra tù vào tội, đến mức dường như gã không kịp có thời gian mà tìm hiểu yêu đương. Và còn một trả giá khác, về tinh thần, như sau này gã có lần thú nhận với bạn tù.
Đó là gã không bao giờ nhận được sự tha thứ từ cha mình. Như trên đã kể, phần nào đó, gã giận cha đã không quan tâm đến mình. Nhưng sâu thẳm trong lòng, gã vẫn yêu quý ông, vẫn mong một ngày nào đó, ông nghĩ lại.
Tuy nhiên, điều đó không xảy ra. Năm 24 tuổi, Tùng lần thứ 3 phải đi tù, nhận án 1 năm vì tội gây rối trật tự công cộng. Ngay khi nhập trại, gã được tin cha mất.
Tùng đã khóc trong câm lặng và đập đầu vào tường buồng giam đến bật máu. Lần đầu tiên, gã cảm nhận được nỗi đau và sự mất mát khi không còn cơ hội.
Theo mẹ nói lại, cha Tùng không thể chấp nhận đứa con hư đốn như gã, ông đã gần như từ bỏ đứa con trai cả.
Nghe những lời tuyệt tình ấy, trong lòng thằng nhóc 15 tuổi trào lên nỗi căm hận. Tùng cho rằng cả tuổi thơ của gã gần như không có bóng dáng cha, giờ ông lấy quyền gì để phán xét gã. Từ hận cha chuyển sang hận đời, Tùng không chịu cải tạo nữa.
Gã quậy phá tưng bừng, thường xuyên cầm đầu những vụ gây rối, đánh lộn trong trường giáo dưỡng. Mặc cho mỗi lần mẹ lên thăm nước mắt ngắn dài khuyên bảo, Tùng vẫn không tu tâm dưỡng tính.
Nỗi ân hận trong buồng giam
Trong những nỗi ân hận của Tùng ‘đê’ khi phải nằm biệt giam chờ án tử, không thể không kể đến sự dằn vặt về đứa em trai. Sự có mặt của đứa em là nguyên nhân khiến Tùng ít nhận được sự quan tâm từ cha mẹ. Tuy thế, Tùng vẫn rất yêu quý em mình.
Không mấy khi về nhà nhưng Tùng luôn để ý, theo sát em từ xa. Không đích thân làm được thì Tùng cử đàn em đến thay mình. Lớn lên trong sự che chở của ông anh số má giang hồ, không thể trách khi em Tùng cũng sớm trẻ nên ngổ ngáo.
Thương em mù quáng dựa trên tình cảm của một kẻ bất hảo, Tùng đã chính tay đẩy em mình vào vòng lao lý. Năm 2000, em Tùng xảy ra mâu thuẫn thuộc dạng nhỏ nhặt ở trường. Đối phương gọi người nhà cũng là dân giang hồ đến đánh dằn mặt.
Bị hạ nhục ở trường, em Tùng gọi anh trai nhờ trả thù. Nghe tin, máu nóng bốc lên đầu Tùng. Dù vừa ra tù chưa lâu, gã vẫn xô hàng chục đàn em đến nhà đối thủ, đập phá tan hoang, chém nhiều người bị thương.
Tệ hại hôm gã còn cho em trai cầm hung khí, đích thân đánh đập người đã dám đụng vào mình. Hậu vụ việc, Tùng “đê” lại đi bóc lịch. Em trai gã, trùng hợp thay, cũng bị tống vào trường giáo dưỡng bởi mới 15 tuổi.
Em Tùng được về xã hội sớm hơn anh vài năm nhưng dưới sự dìu dắt từ các chiến hữu của anh, lập tức bước chân vào giới giang hồ.
Khi Tùng ra tù, hai anh em gã cùng sát cánh trong một băng nhóm. Với suy nghĩ thiển cận, Tùng thậm chí còn tự hào về điều ấy. Bố đã mất, hai anh em về nhà thường xuyên hơn. Nhìn hai thằng con xăm trổ đầy người, giọng sặc mùi dao búa, mẹ Tùng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.
Dù đã hết lời khuyên nhủ, hai đứa con vẫn bỏ ngoài tai, người mẹ cảm nhận được rằng giờ phút mẹ con sum vầy như thế này chẳng còn nhiều nữa.
Cảm nhận của người mẹ không sai cho đến năm 2010, hai anh em Tùng thay nhau ra tù vào tội, mỗi người đã “tích” thêm vài tiền án nữa.
Thời điểm Tùng gây ra vụ giết người ở phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ), em gã vẫn đang thụ án ở Trại giam Thanh Xuân. Đây có thể là may mắn với gia đình Tùng bởi nếu không, hai anh em gã đã cùng thực hiện phi vụ đâm thuê chém mướn này.
Theo Việt Văn/PhapluatPlus