Không thể sáp nhập một cách duy ý chí
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, việc sáp nhập hay chia tách các đơn vị hành chính ở Việt Nam chúng ta đã từng có tiền lệ.
“Việc chia tách đã từng diễn ra trong vòng mấy chục năm. Nhiều lý do được đưa ra để lý giải như do nhu cầu phát triển kinh tế xã hội để giải thích vì sao phải tách cũng như tinh giản, tinh gọn bộ máy để lý giải vì sao phải nhập. Tuy nhiên, việc sáp nhập hay chia tách cũng cần tính đến bối cảnh phát triển kinh tế xã hội hiện nay ở Việt Nam cũng như trong tương lai, không thể sáp nhập một cách duy ý chí hay đưa ra những con số mang tính cơ học mà gọi là tiêu chí để sáp nhập tỉnh”- PGS.TS. Lâm Bá Nam nêu ý kiến.
|
Một góc thành phố Bắc Ninh. (Ảnh: Trần Quý). |
Chuyên gia của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng, cần phải tính toán kỹ hơn, nghiên cứu một cách khoa học hơn.
Ông Nam lấy ví dụ, không phải ngẫu nhiên mà thời Nguyễn có những đơn vị hành chính rất lớn như tỉnh Hưng Hóa của thời Nguyễn rộng hơn rất nhiều các đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện nay, bao gồm cả Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, một phần của Phú Thọ, Hòa Bình. Sau được chia thành nhiều đơn vị hành chính khi cho rằng do điều kiện từ vài chục năm trước, cách thức quản lý khó khăn.
Từ đó, theo PGS.TS. Lâm Bá Nam, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta nói rất nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, do đó, quản lý ngày hôm nay đặt trong một bối cảnh mới.
“Có lẽ đã đến lúc cần phải nhìn nhận nó với tư cách là các vùng, liên vùng trong quản lý nhà nước chứ không chỉ riêng các đơn vị hành chính, nhập lại một cách cơ học như hiện nay. Đó là bài toán cần được đưa ra các lý do cho việc phân tách hay sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Nhìn với tư cách các vùng để thấy mối liên kết về mặt kinh tế xã hội như thế nào. Liên kết vùng mới là cơ sở để hình thành nên các đơn vị hành chính”- ông Nam nói.
PGS.TS. Lâm Bá Nam phân tích, trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội ngày nay, khi có nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại trong điều hành, vấn đề địa dư chưa trở thành vấn đề lớn lắm. Ở một số tỉnh miền núi phía Bắc hay Tây Nguyên, một số đơn vị hành chính rộng, dân cư lại thưa ít, đó là điều hoàn toàn bình thường.
“Nhìn vào xu thế phát triển trong vòng 10, 15 năm tới như thế nào? Dân số địa phương này hiện nay có gần 1 triệu chẳng hạn nhưng 10 năm sau sẽ hơn thế. Chúng ta phải nhìn trong xu thế. Tất nhiên liên kết vùng như khu vực có ưu thế nào đó trong phát triển thì cần phải tính toán ở khía cạnh đó. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố về mặt văn hóa, phong tục tập quán vùng cũng cần phải tính toán. Không nên làm một cách duy ý chí và việc nhập các đơn vị hành chính mang tính cơ học. Cần phải xem xét, rút ra những kinh nghiệm từ quá trình chia, tách trước đây, cũng như sáp nhập sau này, từ đó có những đề xuất về mặt phân vùng, xác định các đơn vị hành chính cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay”- PGS.TS. Lâm Bá Nam cho biết.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, cần cân nhắc rất kỹ, đánh giá kết quả đạt được và chưa đạt được trong việc sáp nhập các tỉnh thời gian qua.
Theo ông Dĩnh, thông thường một đơn vị hành chính dựa vào hai chỉ tiêu cơ bản là dân số và diện tích tự nhiên. Hai chỉ tiêu đó gắn với phong tục tập quán, văn hoá cũng như trình độ phát triển, điều kiện tự nhiên của từng khu vực. Cần cân nhắc trước khi sắp xếp lại cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả, tránh "lợi bất cập hại". Dẫn chứng vụ thể từ các tỉnh cũ gồm Hà Sơn Bình, Hoàng Liên Sơn, Hà Nam Ninh, Vĩnh Phú, Hà Bắc, Hải Hưng, Bình Trị Thiên... đều từng sáp nhập rồi lại phải tách ra.
Từ đó, ông Dĩnh cho rằng, phải xem xét điều kiện về tự nhiên cũng như các vấn đề văn hoá, phong tục tập quán vùng miền. Khi gộp tỉnh vào mà có những vấn đề không thích hợp về văn hoá, không thích hợp về mặt điều kiện tự nhiên... sẽ gây bức xúc, thậm chí là mâu thuẫn phức tạp.
Cần xem xét chỉ tiêu về kinh tế của đơn vị hành chính
Nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, chuyên gia thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, cần đánh giá lại cụ thể đề án cũ về tác động xã hội, hiệu quả kinh tế. Nếu chỉ để quản lý đơn vị hành chính, vẫn căn cứ vào tiêu chí quy mô dân số và diện tích tự nhiên, nhưng cần chú ý tới phương thức quản trị mới hiện nay là bằng Chính phủ điện tử, công nghệ số, có thể đáp ứng yêu cầu "kéo ngắn khoảng cách địa lý". Cùng với đó, rất cần xem xét toàn diện đến cả yếu tố, chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu về kinh tế của đơn vị hành chính.
“Chỉ tiêu này sẽ quyết định đơn vị hành chính đó có thể tồn tại được hay không. Đó là các con số về thu chi, đóng góp ngân sách... của đơn vị hành chính đó cho đất nước. Cần nghiên cứu rất căn cơ mọi mặt rồi mới quyết định thực hiện, vì phình ra thì dễ nhưng thu lại mới khó”- bà Bùi Thị An góp ý.
Theo bà Bùi Thị An, trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính tới đây, ý tưởng đã tốt, mục tiêu đã rõ, lộ trình giải pháp đã đặt ra cần làm đến nơi đến chốn và nghiên cứu kỹ trước khi trình. Nếu làm được như mục tiêu đặt ra là rất tốt, bởi tiền ngân sách tiêu vào bộ máy đã quá lớn mà hiệu quả chưa cao. Song, để triển khai được thì việc đầu tiên là phải làm cho mọi cán bộ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài nhất là đội ngũ lãnh đạo các cấp phải thông suốt.
“Thu gọn bộ máy lại tức là thu gọn “ghế”. Thực tế đã cho thấy, tách thì rất dễ nhưng nhập mới khó, kể cả ở sở, ngành hay tỉnh, TP. Nên, cần thông suốt ngay từ nội bộ, nhất là đội ngũ cán bộ”- bà Bùi Thị An nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội khóa XIV Phạm Văn Hòa cho rằng, việc sáp nhập tỉnh để bộ máy được tinh gọn, hoạt động có hiệu quả và giảm bớt ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn trong việc sáp nhập tỉnh, nhất là vấn đề con người khi cần phải giải quyết chính sách cho hàng loạt các cán bộ.
“Bộ máy công chức, viên chức cấp huyện hơn trăm người không kể giáo dục và y tế. Đối với cấp tỉnh sáp nhập lại sẽ giảm con người rất lớn. Do đó trước tiên phải quan tâm đến vấn đề con người. Giải quyết được chính sách, chế độ cho các cán bộ công chức, viên chức, người lao động khi sáp nhập cấp tỉnh là cực kỳ quan trọng. Con người là nguồn gốc của mọi công việc”- ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, việc sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng, suy nghĩ và công ăn việc làm của con người. Từ đó, ông Hòa cho biết, bản thân đồng tình với đề xuất của Bộ Nội vụ nhưng cần phải có lộ trình, cần phải tính toán, sắp xếp và ban hành chế độ chính sách khi tinh giản khi các cán bộ đó không còn làm việc trong cơ quan nhà nước nhưng được hưởng chế độ chính sách đó để làm công việc khác.
10 tỉnh, thành phố có diện tích tự nhiên nhỏ nhất cả nước là Bắc Ninh 822,7 km2; Hà Nam 860,5 km2, Hưng Yên 926 km2, Vĩnh Phúc 1.238,6 km2, TP Đà Nẵng 1.285,4 km2, Ninh Bình 1.378,1 km2, TP Cần Thơ 1.409 km2, Vĩnh Long 1.475 km2, Hải Phòng 1527,4 km2, Thái Bình 1.570,5 km2.
Các tỉnh có dân số dưới 700.000 người theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng cục Thống kê, gồm Bắc Kạn 313.905, Lai Châu 460.196, Cao Bằng 530.341, Kon Tum 540.438, Ninh Thuận 590.467, Điện Biên 598.856, Đăk Nông 622.168, Quảng Trị 632.375.
|
Nguồn: Tiền Phong |
>>> Mời độc giả xem thêm video TOP 10 Tỉnh Có Diện Tích Nhỏ Nhất Việt Nam:
Hải Ninh