Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo rà soát các tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính cấp xã tại thị xã Chí Linh để lập Đề án sáp nhập 02 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 06 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.
Hai xã sáp nhập của thị xã Chí Linh là xã Kênh Giang và xã Văn Đức. Sau khi sáp nhập lấy tên là xã Văn Đức. Hai xã trên sáp nhập là những đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định thì tiến hành sắp xếp, sáp nhập.
|
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 30 . Ảnh: Quochoi.vn |
Đồng thời, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh gồm phường Hoàng Tiến, An Lạc, Đồng Lạc, Tân Dân, Cổ Thành, Văn Đức (sau khi sáp nhập hai xã Văn Đức và Kênh Giang).
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc thành lập các phường: Hoàng Tiến, An Lạc, Đồng Lạc, Tân Dân, Cổ Thành và phường Văn Đức (trên cơ sở sáp nhập xã Kênh Giang và xã Văn Đức) là cần thiết, nhằm tổ chức bộ máy chính quyền đô thị để quản lý điều hành, phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có và tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời, việc thành lập 6 phường nêu trên cũng phù hợp với quy hoạch chung của thị xã Chí Linh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thành lập thành phố Chí Linh trên cơ sở toàn bộ 282,917 km2 (28.291,74 ha) diện tích tự nhiên, dân số 220.421 người (trong đó dân số quy đổi 46.139 người) của thị xã Chí Linh.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, kết quả sau khi sáp nhập 02 xã, thành lập 06 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, thành phố Chí Linh sẽ có diện tích tự nhiên là 282,917 km2 (28.291,74 ha) với dân số là 220.421 người; có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 14 phường: Bến Tắm, Phả Lại, Sao Đỏ, Chí Minh, Cộng Hòa, Hoàng Tân, Thái Học, Văn An, Đồng Lạc, Tân Dân, An Lạc, Văn Đức, Cổ Thành, Hoàng Tiến và 05 xã: Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Hưng Đạo, Lê Lợi, Nhân Huệ (giảm 01 đơn vị hành chính cấp xã). Tỉnh Hải Dương có diện tích tự nhiên là 1.668,200 km2 và dân số là 1.797.228 người; có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 02 thành phố Hải Dương, Chí Linh và 10 huyện: Cẩm Giàng, Ninh Giang, Gia Lộc, Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Bình Giang, Kinh Môn và Thanh Miện; 264 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 220 xã, 31 phường và 13 thị trấn (tăng 1 thành phố, 6 phường; giảm 1 thị xã, 6 xã và giảm 1 xã).
Thẩm tra nội dung này, Chủ nghiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành về sự cần thiết việc nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 06 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương như Tờ trình của Chính phủ.
“Qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phô Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương là cần thiết, phù hợp với quy hoạch chung, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa cao, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương”, ông Nguyễn Khắc Định nêu.
Theo Chủ nghiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian tiến hành chuẩn bị, kiện toàn tổ chức, thay đổi tên gọi, con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập, Ủy ban Pháp luật đề nghị Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quy định rõ hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2019.
Thống nhất về nội dung Tờ trình của Chính phủ, cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành việc nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.
Thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp:
Chiều ngày 10/1, tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính 2 xã của huyện Hồng Ngự để thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất ban hành Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Thường Thới Tiền, thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Nghị quyết có hiệu lực từ từ 1/3/2019.
Sau khi thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, thị trấn Thường Thới Tiền sẽ có 15,82 km2 diện tích tự nhiên, dân số 17.496 người.
Hải Ninh