Sáp nhập các tỉnh: Tiêu chí nào?

Google News

Các tiêu chí về quy mô dân số và diện tích tự nhiên sẽ là cơ sở cho việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Lộ trình thực hiện được triển khai thí điểm trong giai đoạn 2022 – 2026 và định hướng đến năm 2030.

Tỉnh phải có quy mô dân số trên 900 nghìn dân
Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính. Theo dự thảo, đơn vị hành chính cấp tỉnh được phân làm hai loại, với hai tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
Cụ thể, đối với tỉnh miền núi, vùng cao điều kiện để không phải sáp nhập: có quy mô dân số từ 900 nghìn người và diện tích tự nhiên từ 8.000 km2 trở lên. Đối với những tỉnh không phải miền núi: có quy mô dân số từ 1,4 triệu người và diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên. Đối với tiêu chuẩn của “thành phố thuộc thành phố” (như Thành phố Thủ Đức thuộc TP. HCM), có quy mô dân số từ 250 nghìn người và diện tích tự nhiên từ 150 km2 trở lên…
Sap nhap cac tinh: Tieu chi nao?
ĐBQH nói sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, bộ máy vẫn hoạt động hiệu quả. Ảnh: BTK
Đáng lưu ý, việc sửa đổi lần này sẽ theo hướng, đơn vị hành chính nào có diện tích tự nhiên rộng hơn từ 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn chung thì quy mô dân số được giảm 25% so với quy định, để phù hợp với đặc thù đơn vị hành chính miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên lớn, địa hình phức tạp, dân số ít. Theo Bộ Nội vụ, các đơn vị hành chính được rà soát, đánh giá theo từng tiêu chuẩn. Trường hợp không đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên thì tiến hành sáp nhập theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc xây dựng Nghị quyết được căn cứ vào Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, có yêu cầu nhiệm vụ “tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu triển khai thực hiện ở cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp”. Cùng với đó là căn cứ vào kết quả sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021 ở 45 tỉnh, thành phố.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, mục đích sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính cho phù hợp với từng loại hình, đặc biệt là các đơn vị hành chính đô thị và các tỉnh có yếu tố đặc thù về an ninh quốc phòng, miền núi, vùng cao. Trên cơ sở đó quy định điều khoản áp dụng đối với việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới, làm căn cứ tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và làm điểm ở cấp tỉnh giai đoạn 2022 - 2026 và định hướng đến năm 2030.
Có thể sáp nhập, giảm 10 đơn vị hành chính cấp tỉnh
Bộ Nội vụ đưa ra lộ trình giai đoạn 2022 - 2026, tiếp tục sắp xếp cấp huyện, xã không đạt 50% cả hai tiêu chuẩn diện tích và dân số mà chưa thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2021. Theo đó sẽ tiến hành sắp xếp đối với 10 đơn vị cấp huyện và 180 cấp xã. Cũng trong giai đoạn này sẽ sắp xếp cấp huyện, xã không đạt 100% cả hai tiêu chuẩn, với 103 huyện và 2.775 xã trong diện sắp xếp lại.
Đặc biệt, bắt đầu từ quý I/2022 sẽ làm điểm việc sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, có khó khăn về quỹ đất dành cho không gian phát triển, hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Đối với các tỉnh làm điểm sẽ trình Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét cụ thể từng trường hợp.
Cũng theo lộ trình dự kiến, sang giai đoạn 2026 - 2030 sẽ hoàn thành việc sắp xếp với các cấp không đạt tiêu chuẩn, bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn đơn vị hành chính đã được sửa đổi, bổ sung và phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính của cả nước.
Về tổ chức thực hiện, Bộ Nội vụ cho biết, vào tháng 8/2021, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả tổng kết việc thực hiện nghị quyết sáp nhập huyện, xã. Sang tháng 9/2021, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ. Đề án này sẽ được Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương xem xét, thông qua, sau đó sẽ xây dựng Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành.
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính là chủ đề nóng, được đại biểu Quốc hội quan tâm bên lề kỳ họp. Trao đổi với phóng viên về việc này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, có thể sáp nhập, giảm 10 đơn vị hành chính cấp tỉnh có quy mô dân số thấp. “Việc sáp nhập đơn vị hành chính sẽ giúp thu gọn đầu mối, giảm biên chế, bộ máy hoạt động hiệu quả hơn. Qua đó, mỗi năm sẽ giảm hàng nghìn tỷ đồng chi thường xuyên”, ông Hoà cho hay.
Theo đại biểu Hòa, thời gian đầu sáp nhập có thể xảy ra xáo trộn về tổ chức, bộ máy, nhưng sau đó sẽ đi vào nề nếp và hoạt động bình thường. Liên hệ với việc hợp nhất Hà Tây và Hà Nội, dân số lớn vẫn hoạt động hiệu quả, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, các tỉnh khác hoàn toàn có thể làm được. “Điều quan trọng là phải tính toán, đưa ra lộ trình, bước đi phù hợp, như vậy sẽ mang lại kết quả cao”, ông Hòa cho hay.
Theo Thành Nam / Tiền Phong