Ngày 26/7, Bộ Y tế có công điện thu hồi Công văn 5944/BYT-YDCT (có danh mục sản phẩm đông y hỗ trợ điều trị COVID-19) vì có một số nội dung "chưa phù hợp".
Trước đó, Công văn 5944 của Bộ Y tế ban hành ngày 24/7 đã gây xôn xao dư luận khi đưa rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất 26 sản phẩm súc miệng, xịt khuẩn, phòng và hỗ trợ điều trị, nâng cao sức khỏe bệnh nhân COVID-19, như một hình thức "chỉ định thầu".
Tổng Giám đốc “mập mờ” TPCN với thuốc
Ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế trả lời vấn đề trên: "Đây là thuốc do doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ, không phải để đấu thầu, không phải để người bệnh nhao nhao đi mua".
Trong danh mục được Bộ Y tế "nêu tên" có 6 sản phẩm của Công ty CP Sao Thái Dương.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Nguyễn Hữu Thắng – Tổng giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương tỏ ra bất ngờ vì “không hiểu vì sao sản phẩm của công ty được Bộ Y tế đưa vào danh sách”.
Ông Thắng cho biết, viên nang Kovir được công ty Sao Thái Dương đưa vào hỗ trợ cho đợt phòng chống dịch COVID-19 ở Bắc Giang, sau đấy Bộ Y tế và các Cục của Bộ có yêu cầu các bệnh viện đánh giá tác dụng của các loại thuốc. Hiện đã có 4 bệnh viện đã đưa sản phẩm vào sử dụng bao gồm: Bệnh viện Phổi Hà Nam, Bệnh viện Y học cổ truyền Bắc Giang, Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn và Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng.
“Sản phẩm Kovir viên nang cứng mới được ra mắt gần đây, còn sản phẩm Kovir viên nang mềm ra mắt vào năm ngoái (2020). Sản phẩm được các bác sĩ đánh giá tốt, sau khi sử dụng sản phẩm, các bệnh nhân giảm nhanh các triệu chứng như sốt, ho, đau ngực, mất vị giác…Viên nang mềm đã được nghiên cứu tiền lâm sàng, mở rộng nghiên cứu trên virus SAR-CoV-2 tại bệnh viện nhiệt đới Trung ương” - Tổng giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương nói và cho biết, sản phẩm Kovir đã được sử dụng thực tế trên các bệnh nhân mắc COVID-19 ở Lạng Sơn. Riêng Kovir viên nang cứng đã được đưa vào sử dụng trên các bệnh nhân nặng.
|
Sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên nang cứng Kovir đang được bán với giá 1.000.000 đồng. |
Theo ông Thắng, việc sử dụng sản phẩm Kovir viên nang cứng trên bệnh nhân nặng không phải là nghiên cứu, mà là “phát cho bệnh nhân dùng” để đưa ra đánh giá trên thực tế sử dụng. Bệnh viện sở tại sẽ trực tiếp đánh giá và báo cáo lên Bộ Y tế. Sau khi đánh giá, Bộ Y tế đã đưa sản phẩm Kovir vào danh mục thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
“Công ty sẽ tiến hành sử dụng sản phẩm Kovir viên nang cứng thêm tại các Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương… để tiến hành đánh giá trên bệnh nhân nặng. Từ kết quả nghiên cứu lâm sàng, Bộ Y tế có thể đưa vào đăng ký thuốc. Việc này đang được thúc đẩy nhanh, vì quá trình nghiên cứu của sản phẩm Kovir viên nang cứng đã được tiến hành từ lâu” – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương cho hay.
Tuy nhiên, khi PV hỏi lại sản phẩm Kovir viên nang là thuốc hay thực phẩm chức năng, ông Thắng lại nói: “Viên nang cứng Kovir là thực phẩm chức năng được dùng cho bệnh nhân virus cúm”.
Mặc dù thừa nhận Kovir viên nang là thực phẩm chức năng nhưng Tổng giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương vẫn buông lời: “Người bệnh mới phát hiện ra virus SAR-CoV-2 vẫn có thể dùng viên nang mềm để điều trị và “không ai bị bệnh nặng thêm cả”. Viên nang mềm vẫn có thể diệt virus. Những bệnh nhân chưa tiêm vắc xin thì sau khi uống khoảng 2 tiếng sẽ giảm luôn số lượng virus...”(!?).
Lấp liếm sản phẩm để trục lợi?
Dù chỉ là thực phẩm chức năng và không có tác dụng chữa bệnh, nhưng ngay sau khi công văn số 5944/BYT-YDCT của Bộ Y tế ban hành, trên mạng xã hội và nhiều trang thương mại điện tử bỗng xuất hiện tình trạng sản phẩm viên nang Kovir được “thổi phồng” công dụng.
|
Thông báo giá bán sản phẩm viên nang cứng Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương trước khi công văn số 5944/BYT-YDCT của Bộ Y tế ban hành. |
Trên trang saothaiduong.com.vn, sản phẩm viên nang cứng Kovir (hộp 2 vỉ x15 viên) đang được rao bán với giá là 1 triệu đồng. Trên một trang mạng khác là shop.saothaiduong.com.vn, sản phẩm viên nang cứng Kovir (hộp 1 chai × 60 viên) được rao bán giá 2 triệu đồng.
Quá trình tìm hiểu cho thấy, dù công văn số 5944/BYT-YDCT của Bộ Y tế được ban hành vào ngày 24/7/2021, nhưng trước đó vài ngày, Công ty CP Sao Thái Dương đã có văn bản thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm viên nang cứng Kovir là 1 triệu đồng/hộp 2 vỉ x 15 viên. Văn bản này do ông Nguyễn Hữu Thắng – Tổng Giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương ký ngày 19/7/2021.
Đây không phải lần đầu tiên, sản phẩm viên nang Kovir do Công ty Sao Thái Dương sản xuất vướng phải “lùm xùm”. Ngày 14/9/2020, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế (VFA) đã phát đi thông báo cảnh báo với thông tin quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir.
Theo VFA, trong thời gian trước đó trên một số phương tiện thông tin đại chúng và trang mạng xã hội có đưa thông tin sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương có thể làm người tiêu dùng hiểu lầm sản phẩm trên có công dụng: hiệu quả cao đối với các bệnh Virus từ sau lần uống đầu tiên; hỗ trợ điều trị COVID-19. Cục An toàn thực phẩm khẳng định thông tin như vậy là không chính xác, không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị COVID-19.
Lý giải những thông tin trên, ông Thắng cho biết, không có chuyện tăng giá sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir viên nang mềm, mà đây là giá của sản phẩm Kovir viên nang cứng được niêm yết ngay từ đầu. Sản phẩm Kovir viên nang mềm giá chỉ từ 180.000-250.000 đồng.
“1 triệu đồng là giá sản phẩm Kovir mới (viên nang cứng) được ra mắt vào tháng 7 năm nay (2021). Sản phẩm Kovir viên nang cứng có hàm lượng, giá trị sử dụng cao hơn so với sản phẩm Kovir cũ (viên nang mềm) mặc dù liều dùng ít hơn, được sử dụng trên những bệnh nhân nặng” – ông Thắng nói và cho biết viên nang mềm đang được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Hữu Lũng (Lạng Sơn) và Bệnh viện Phổi Hà Nam (tỉnh Hà Nam) nhưng chủ yếu được dùng trên bệnh nhân vừa và nhẹ, vì tác dụng chậm hơn, không mạnh bằng so với viên nang cứng.
|
Kovir viên nang là thực phẩm chức năng nhưng Công ty CP Sao Thái Dương quảng cáo như là thuốc chữa bệnh, cố tình lừa dối khách hàng và có giá bán cao ngất ngưởng.
|
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, việc đưa 26 sản phẩm, trong đó có 12 sản phẩm thuốc cổ truyền từ dược liệu trong danh mục hướng dẫn phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 theo Công văn 5944 mà Bộ y tế mới ban hành thì đây rõ ràng không phải là thuốc đặc trị COVID-19. Việc Bộ y tế ban hành Công văn đưa rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất 26 các sản phẩm này hoàn toàn có thể khiến cho người dùng nhầm lẫn rằng đây là thuốc đặc trị COVID-19 và đổ xô đi mua khiến cho các loại sản phẩm này có thể bị đầu cơ, khan hiếm, gây hệ lụy xấu cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19.
Mặt khác, việc ban hành Công văn này của Bộ y tế còn có tạo ra điều kiện cho nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh vi phạm về quy chế chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; quảng cáo không đúng nội dung được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kinh doanh, sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, đầu cơ tăng giả dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và các sản phẩm sản xuất từ dược liệu.
“Bộ Y tế cần có biện pháp như sửa đổi, thay thế văn bản này hoặc cần có văn bản hướng dẫn chi tiết công dụng đối với các sản phẩm này, có khuyến cáo rõ ràng rằng đây không phải sản phẩm đặc trị COVID-19, mà là các sản phẩm từ dược liệu cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cộng đồng về các biện pháp phòng chống dịch bệnh để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch phù hợp” – luật sư Cường nói.
Theo luật sư Cường, việc ghi rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất cũng tạo ra yếu tố cạnh tranh không lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất. Do đó, Bộ y tế cần thận trọng trong việc đưa ra các sản phẩm phù hợp, có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đảm bảo nhằm hỗ trợ trong quá trình điều trị, tạo môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất.
Đối với những cá nhân, doanh nghiệp đầu cơ, tăng giá các sản phẩm thì cần có các biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định pháp luật, để ngăn chặn tình trạng này như: xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định. Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm mà có.
Còn đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, hoặc tình hình khó khăn về kinh tế, mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá, hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự.
Tùy từng tính chất, mức độ hành vi thì hình phạt cao nhất của tội danh này là bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì hình phạt cao nhất có thể là bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng; cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm theo quy định tại khoản 4 Điều 196 Bộ luật hình sự.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Hà Nội giãn cách xã hội chống COVID-19, dịch vụ nào được phép hoạt động?