|
Quang cảnh hội thảo.
|
Tham dự hội thảo có Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN), Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) - TSKH Phan Xuân Dũng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch LHHVN - Vũ Thanh Mai; Quyền Bí Thư tỉnh uỷ Hà Giang – Nguyễn Mạnh Dũng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang – Hoàng Gia Long cùng các đại biểu đến từ 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch LHHVN đồng thời là Chủ tịch Quỹ Vifotec - TSKH Phan Xuân Dũng cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm tổng kết công tác tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam, cùng với đó là đánh giá việc trao thưởng và quy mô ứng dụng của Giải thưởng.
|
Chủ tịch LHHVN đồng thời là Chủ tịch Quỹ Vifotec - TSKH. Phan Xuân Dũng.
|
Trong 28 lần tổ chức, Giải thưởng đã có 3.052 công trình tham dự giải và 1.028 công trình đoạt giải, đem lại hiệu quả rất to lớn cho nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội. Các công trình đoạt giải tiếp tục được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, giải quyết việc làm, góp phần bảo vệ môi trường.
Từ năm 2001 đến 2022 đã có 30 công trình được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng Huy chương vàng WIPO cho những công trình xuất sắc nhất, có đăng ký sở hữu trí tuệ với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam đang cùng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước từng bước khẳng định được vị thế và thương hiệu, góp phần tạo nên phong trào thi đua nghiên cứu, sáng tạo của đội ngũ trí thức và nhân dân lao động trong cả nước, có những đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiên đại hóa đất nước.
|
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang - Hoàng Gia Long.
|
Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang – Hoàng Gia Long thông tin: Tỉnh Hà Giang hiện có hơn 28 nghìn trí thức đang công tác trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ trí thức của tỉnh tham gia tích cực trên các lĩnh vực công tác, đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp; giữ vai trò nòng cốt, trực tiếp, đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và vận dụng tri thức khoa học và công nghệ vào hoạt động thực tiễn, tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần phục vụ đời sống nhân dân và sự phát triển của tỉnh…
|
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch LHHVN Vũ Thanh Mai phát biểu.
|
Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch LHHVN - Vũ Thanh Mai cho biết, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn khẳng định giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực và chìa khóa để tiến vào thời kỳ mới. Đại hội XIII của Đảng nêu rõ chủ trương: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, trong đó đội ngũ trí thức nước nhà có vai trò hết sức quan trọng”.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, các nhà công nghệ phải đề cao trách nhiệm, phát huy sự tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu tạo ra các công nghệ mới về năng lượng, vật liệu, sinh học, môi trường, y tế… gắn nghiên cứu với ứng dụng vào thực tiễn, đặc biệt là góp phần nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đưa khoa học công nghệ về phát triển vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, để người dân có thể áp dụng vào đời sống, nâng cao chất lượng sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm và của cải cho gia đình và xã hội.
“Những cơ chế, chính sách, điều kiện gì để thực hiện được tốt hơn nhiệm vụ này, trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình, chúng tôi sẽ làm hết sức mình để góp phần cùng các đồng chí thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ nói trên”, ông Vũ Thanh Mai khẳng định.
|
Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Vifotec – Lê Xuân Thảo.
|
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ VIFOTEC – Lê Xuân Thảo, sau 27 năm đã có trên 3000 công trình tham dự giải và hơn 1000 công trình đoạt giải thưởng, đem lại hiệu quả to lớn nhiều mặt cho lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Giải thưởng VIFOTEC đã tập trung vào các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của Nhà nước như: Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí và tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.
Các công trình khoa học tham dự Giải thưởng là những kết quả đã được đánh giá nghiệm thu của các đề tài, dự án thuộc các chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước và cấp bộ, ngành, địa phương, các đề tài, dự án giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ trong sản xuất của các doanh nghiệp nhằm tạo ra sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện lao động, tăng tỷ lệ xuất khẩu và giảm chi phí nhập khẩu...
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
|
Trong các đơn vị tích cực tham gia và nhận được nhiều giải thưởng phải kể đến Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng tàu (BUSADCO), Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học - Phân bón (FITOHOOCMON), các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam... các đơn vị này đã đoạt được tất cả các giải nhất, nhì, ba, khuyến khích và cả giải WIPO (giải WIPO cho công trình xuất sắc nhất).
Trong khi đó, Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc đã trải qua 33 năm (1989 - 2022) với 16 lần tổ chức (2 năm/1 lần). Hội thi với 6 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; Cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải;Vật liệu, hóa chất, năng lượng; Nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên môi trường; y, dược; giáo dục và đào tạo. Đến nay đã có gần 10 ngàn giải pháp dự thi và trên 1 ngàn giải pháp được trao giải. Các giải pháp đoạt giải đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Tại hội thảo đã có 9 tham luận của các nhà khoa học và đại diện các cơ quan tổ chức Giải thưởng được trình bày. Theo Trưởng Ban Giám khảo lĩnh vực Công nghệ Vật liệu - Trần Vĩnh Diệu, những công trình đạt được giải thưởng cao thường hội tụ được các yếu tố: Chủ nhiệm công trình đồng thời là người đứng đầu đơn vị đăng ký tham giải thưởng nên có thể huy động tài chính, nhân lực và trang thiết bị để phục vụ cho triển khai công trình nhằm đạt được bốn tiêu chuẩn của giải thưởng (tính mới, tính sáng tạo, hiệu quả kinh tế - xã hôi – kỹ thuật, khả năng áp dụng rộng rãi); có phòng kỹ thuật hoặc trung tâm nghiên cứu và triển khai (R&D) tham gia; nội dung của công trình xuất phát từ nhiệm vụ nghiên cứu và sản xuất trọng tâm của đơn vị (công ty, nhà máy, viện, trường); có chiến lược phát triển dài hạn nên các sản phẩm mới kế tiếp nhau ra đời dựa trên nguyên tắc kế thừa và đổi mới.
Theo một số chuyên gia phát biểu tại hội thảo, để các công trình đoạt giải thưởng được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm trong nước với giá thành rẻ hơn, thời gian nhanh hơn, trong khi chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại. Đồng thời, cho vay vốn để mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các công trình đoạt giải. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách trích thưởng từ lợi nhuận đem lại từ các công trình, giải pháp để thưởng dành cho các tác giả đã tạo ra và tổ chức ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ.
|
Ban tổ chức trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp tuyên giáo.
|
|
Các các nhân nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp sáng tạo khoa học kỹ thuật Việt Nam”.
|
|
Các đơn vị nhận cờ thi đua cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền Giải thưởng, Hội thi.
|
|
Chủ tịch LHHVN Phan Xuân Dũng trao cờ luân lưu choChủ tịch LHHKHKT Lâm Đồng – Phan Văn Phấn tổ chức Hội thảo Khoa học năm 2024.
|
Cũng tại hội thảo, LHHVN đã trao 06 Cờ thi đua cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền Giải thưởng, Hội thi; 06 Cờ thi đua cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc ứng dụng công trình đoạt Giải thưởng, Hội thi vào sản xuất và đời sống và 13 Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tuyên giáo; 09 Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp sáng tạo khoa học kỹ thuật Việt Nam”.