Theo kế hoạch, việc đệ trình miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng với ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ diễn ra ngay đầu giờ sáng.
Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đệ trình tờ trình miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội về kết quả thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.
Sau đó, Chủ tịch nước sẽ báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Tiếp đó, Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bằng hình thức bỏ phiếu kín.
|
Theo kế hoạch, sáng nay (6/4), Quốc hội sẽ miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. |
Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.
Theo dự kiến, cuối giờ chiều nay, sau khi miễn nhiệm Thủ tướng, Chủ tịch nước sẽ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ mới.
Trước đó, tại Đại hội Đảng lần thứ 12, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã thống nhất giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ để Quốc hội để bầu vào chức vụ Thủ tướng kế nhiệm.
* Ông Nguyễn Tấn Dũng năm nay 67 tuổi, là đại biểu Quốc hội 4 khoá liền (từ khoá 10 đến khoá 13); Ủy viên Trung ương Đảng từ khoá 6 đến khoá 11; Ủy viên Bộ Chính trị từ khoá 8 đến khoá 11.
Tính đến thời điểm được đưa ra Quốc hội miễn nhiệm, ông làm Thủ tướng được 9 năm 10 tháng. Theo đánh giá, 10 năm qua, dưới thời ông làm Thủ tướng, GDP của Việt Nam đã có bước tăng trưởng tới hơn 4 lần. Nếu như năm 2006, quy mô GDP chưa đến 1 triệu tỷ đồng, thì đến năm 2015, quy mô của nền kinh tế đã lên tới gần 4,2 triệu tỷ đồng.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Tổng cục Thống kê, vốn FDI vào Việt Nam năm 2015, bao gồm vốn đăng ký và giải ngân, đã tăng khoảng 4 lần sau với năm 2006. Mức vốn FDI đăng ký trên 70 tỷ USD năm 2008 là mức cao nhất trong 10 năm qua trước hiệu ứng Việt Nam gia nhập WTO.
Vẫn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong suốt 10 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam đều có xu hướng giảm và đều dưới 5,4%. Đây là mức thấp nếu so với nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Tuy nhiên, mặc dù, tỷ lệ thất nghiệp không cao (tỷ lệ thất nghiệp chung trong độ tuổi lao động hiện nay khoảng 2,2%, trong đó khu vực thành thị 3,6%), nhưng xét về góc độ vị thế việc làm thì lao động Việt Nam chủ yếu là làm các công việc gia đình hoặc tự làm các công việc này thường có thu nhập thấp, bấp bênh, không ổn định…
Trong khi đó, thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Thủ tướng và Chính phủ tại kỳ họp thứ 11 đang diễn ra vào ngày 29/3 vừa qua, các ý kiến khi đánh giá về sự điều hành của ông có cả “khen” và “chê”.
Một trong những lời khen là thái độ và thể hiện của ông trong bảo vệ chủ quyền, liên quan đến tình hình biển Đông. Còn “chê” là trong nhiệm kỳ của ông, tham nhũng còn nghiêm trọng, còn có hiện tượng “trên bảo dưới làm lơ”.
Ông Nguyễn Tấn Dũng, sinh ngày 17/11/1949, ở thành phố Cà Mau , tỉnh Cà Mau.
Trình độ chính trị: Cao cấp lý luận chính trị
Trình độ chuyên môn: Cử nhân luật
Ông là đại biểu Quốc hội 4 khoá, từ khoá 10 đến khoá 13; Ủy viên Trung ương Đảng từ khoá 6 đến khoá 11; Ủy viên Bộ Chính trị từ khoá 8 đến khoá 11.
Trước khi làm Thứ trưởng Bộ Công an (1/1995 – 5/1996), ông là Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang.
Từ tháng 6/1996 đến 8/1997, ông là Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng và phụ trách công tác Tài chính của Đảng.
Từ tháng 9/1997 đến tháng 6/2006, ông là Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, năm 1998-1999 kiêm nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Bí thư Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước.
Từ tháng 7/2006 đến nay, ông Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng Chính phủ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ.
Trong Đại hội 12 của Đảng vừa qua, trong số nhân sự trình Đại hội để bầu vào Ban Chấp hành khóa mới không có tên ông, tuy nhiên tại Đại hội, ông được giới thiệu bổ sung. Sau đó ông xin rút và được Đại hội chấp thuận.
Theo Infonet.