Chiều mùng 7 Tết Tân Sửu, gia đình anh Cao Văn Lâm (huyện Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đến khu du lịch hòn Trống Mái (phường Trường Sơn, TP. Sầm Sơn) để vãn cảnh và vui chơi đầu xuân.
Sau khi gửi xe ô tô với giá vé "bằng miệng" 30 nghìn đồng, gia đình anh Lâm tiến lại khu vực hòn Trống Mái để chụp ảnh kỷ niệm. Do khu vực này được bày trí các ghế xích đu, hình tượng Tôn Ngộ Không bắt mắt nên các con của anh Lâm thích thú đứng cạnh để chụp ảnh.
|
Du khách phản ánh tình trạng "chặt chém" tại khu du lịch hòn Trống Mái (Sầm Sơn) |
Chỉ sau vài phút, những người làm dịch vụ du lịch tại đây đến thu tiền với giá 20 nghìn đồng/trẻ em và 30 nghìn đồng/người lớn. Anh Lâm tỏ ra bất ngờ khi chính những thành viên trong gia đình anh không nhận được lời mời hay giới thiệu việc thuê đứng chụp ảnh. Thậm chí, khi các con anh đứng chụp ảnh cũng không bị ai nhắc nhở hay báo giá dịch vụ để gia đình anh thỏa thuận.
Anh Lâm bức xúc: "Tại khu vực hòn Trống Mái không công khai giá niêm yết các dịch vụ và chúng tôi cũng không biết ở đây có những dịch vụ nào vì không có biển giới thiệu, quảng cáo. Ngay sau khi chúng tôi chụp ảnh thì những người mặc quần áo bình thường, không có đồng phục đến để thu tiền. Việc gài bẫy để du khách chụp ảnh xong mới báo giá và thu tiền khiến chúng tôi khó chịu và cảm giác bị lừa".
Sau một hồi cãi vã, anh Lâm cũng buộc phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" đưa tiền cho những người tự xưng là chủ của những chiếc xích đu, hình nộm Tôn Ngộ Không.
Tìm hiểu của PV, tại khu du lịch hòn Trống Mái nằm trên núi Trường Lệ (TP. Sầm Sơn), một số người địa phương đã tự dựng lên những chiếc xích đu được trang trí sơ sài và hình nộm Tôn Ngộ Không để tạo cảnh quan cho khu du lịch. Tại đây cũng xuất hiện 2 con ngựa trắng được kẻ vạch đen giống như ngựa vặn để thu hút khách cưỡi hoặc ngồi lên chụp ảnh. Tuy nhiên, tất cả đều không cắm biển dịch vụ cho thuê chụp ảnh và niêm yết giá. Chỉ khi khách tự ý đứng gần chụp ảnh thì người dân mới đến "chặt chém" khiến du khách bức xúc.
Trao đổi với PV, ông Cao Văn Tâm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và du lịch thành phố Sầm Sơn thừa nhận: “Sau khi nhận thông tin phản ánh, Trung tâm đã tiến hành kiểm tra tại khu du lịch hòn Trống Mái và ghi nhận tại các điểm đặt đạo cụ chụp ảnh không được niêm yết giá. Hiện chúng tôi đã thu hồi tất cả các hoạt động phục vụ chụp ảnh trên. Quan điểm là không niêm yết giá thì không có hoạt động”.
Theo ông Tâm, tại các điểm du lịch, dịch vụ thu phí tại Sầm Sơn buộc phải niêm yết giá và yêu cầu người làm dịch vụ phải thông báo trước cho du khách để thỏa thuận. Sự cố trên là do bà con không “khéo léo” khiến du khách tưởng miễn phí dẫn đến tranh cãi.
“Chính quyền không quy định giá mà do người dân làm dịch vụ tự đặt ra và phải niêm yết công khai”, ông Tâm nói.
Tưởng chừng nỗi ám ảnh "chặt chém" ở Sầm Sơn đã qua khi nhiều năm qua chính quyền địa phương đã nỗ lực chấn chỉnh và có những quy định khắt khe về hoạt động dịch vụ du lịch. Nhưng có lẽ, ở miền đất du lịch này vẫn còn tồn tại những "mầm mống ăn xổi", làm ăn với tâm lý tiểu nông, tủn mủn, vụn vặt, chỉ tính đến cái ăn ngay, trước mắt theo kiểu “được đâu hay đó”.
Nhưng cũng phải nhìn nhận thẳng thắn, để xảy ra tình trạng trên vẫn là do lãnh đạo UBND TP. Sầm Sơn còn buông lỏng quản lý, thiếu giám sát và yếu quyết liệt.
Mục tiêu "Xây dựng thành phố du lịch Sầm Sơn văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa" mà UBND TP. Sầm Sơn vẫn thường định hướng có lẽ cần thực tiễn hơn với việc mạnh tay xử lý, dẹp bỏ triệt để vấn nạn "chặt chém" tại các địa điểm du lịch.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Lễ hội văn nghệ các dân tộc lai châu tại hà nội
Hiểu Lam