Những ‘con sâu’ làm rầu ngành y
“Tội” của một số cá nhân thuộc ngành y tế trong thời gian qua chủ yếu từ các hoạt động vi phạm liên quan đến đấu thầu, mua sắm các thiết bị y tế nhưng phức tạp, xảy ra tại các bệnh viện, cơ sở y tế lớn tại nhiều địa phương.
Điển hình mới đây nhất là vụ án nâng giá kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty Việt Á và một số đơn vị, địa phương. Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á đã “bắt tay” với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền Việt Á, thu về trên 500 tỷ đồng. Đáng chú ý, số tiền "hoa hồng" mà Việt Á chi cho các "đối tác" là gần 800 tỷ đồng.
|
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường. |
Trong số 19 bị can đã bị khởi tố, Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến ngoài bị khởi tố tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" còn bị khởi tố tội nhận hối lộ số tiền 27 tỷ đồng. Hai cán bộ của Bộ Y tế Nguyễn Minh Tuấn, nguyên vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế thuộc Bộ Y tế và Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế bị khởi tố tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ". Giám đốc CDC Nghệ An Nguyễn Văn Định và Giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh cùng hàng loạt cán bộ ở hai đơn vị này bị khởi tố tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
|
Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á. |
Con số trên chưa dừng lại khi Bộ Công an đang tập trung lực lượng, khẩn trương tổ chức các hoạt động điều tra, xác minh, làm rõ toàn bộ bản chất của vụ án với tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sự can thiệp trái pháp luật của bất cứ cá nhân, tổ chức nào. 800 tỷ đồng Việt Á chi “hoa hồng” cho các đối tác là con số không nhỏ và những ‘con sâu’ ngành y sẽ tiếp tục được gọi tên trong thời gian tới là chuyện không khó đoán định.
Vụ Việt Á cho thấy có sự bắt tay, trục lợi giữa doanh nghiệp và “quan chức” diễn ra tại nhiều nơi, từ cán bộ của Bộ Y tế đến cán bộ, lãnh đạo cơ sở y tế nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận khi lợi dụng tình thế cấp bách do dịch bệnh để trục lợi, gây thất thoát của nhà nước số tiền lớn, làm giảm sút niềm tin của người dân vào ngành y, một ngành cao quý của xã hội.
|
Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến. |
Trước khi vụ Việt Á bị phanh phui, ngành y tế đã có nhiều vụ bê bối xảy ra tại nhiều cơ sở y tế như CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Mắt TP HCM, Bệnh viện Thủ Đức, Sở Y tế Hà Tĩnh, Sở Y tế Cần Thơ, Sở Y tế Sơn La…Nhiều cán bộ y tế đã bị khởi tố, bắt giam như: ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội; cùng hàng loạt cán bộ tại cơ sở y tế này; Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM Nguyễn Minh Khải; Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức Nguyễn Minh Quân…
|
Ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. |
Đáng chú ý, mới đây, Thứ trưởng Trương Quốc Cường bị bắt giam, truy tố tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh liên quan đến Công ty CP VN Pharma; Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật khiển trách. Trước đó, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, miễn nhiệm chức vụ Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương…
Thiện luôn thắng ác
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khi đề cập đến nhưng sai phạm của một số cá nhân, đơn vị trong ngành nhấn mạnh: “Những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua là rất nghiêm trọng nhưng không là hình ảnh đại diện của ngành, không thể làm phai mờ những nỗ lực đóng góp, cống hiến đêm ngày cũng như sự hy sinh của đội ngũ thầy thuốc, các y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên ngành Y tế trong cuộc chiến với dịch COVID-19 trong suốt thời gian qua và cả trong thời gian sắp tới”.
Thực tế, trong suốt hai năm chống lại đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, ngành Y tế các cấp đã luôn bám sát thực tế diễn biến dịch bệnh, chủ động, linh hoạt trong tham mưu, đề xuất và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Hàng trăm nghìn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các tỉnh, thành có dịch và gần 20 nghìn thầy thuốc chi viện từ các đơn vị y tế tuyến trung ương và địa phương, họ không quản ngại khó khăn, gian khổ bước vào vùng nguy hiểm. Thậm chí một số cán bộ y tế đã hi sinh để lại những ‘tượng đài” đẹp đẽ trong lòng nhân dân.
|
Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 |
Chúng ta từng rưng rưng khi thấy hình ảnh cảm động khi chứng hình ảnh bé 20 tháng tuổi òa khóc khi thấy mẹ xuất hiện trên tivi từ tâm dịch, nam bác sĩ cắt trụi tóc mình, nữ nhân viên trong khu cách ly không thể về chịu tang cha, cán bộ y tế lùi, hoãn cưới xin lên đường chống dịch…Chúng ta xót xa khi những y bác sĩ kiệt sức khi chống dịch, hình ảnh bác sĩ mặt hằn lên dấu khẩu trang, mồ hôi ướt đẫm khi cứu chữa bệnh nhân COVID-19 và đau xót khi nghe tin cán bộ y tế nhiễm COVID-19, thậm chí hi sinh.
Nhờ sự nỗ lực của ngành y, chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 được triển khai thành công với hơn 155 triệu liều vắc xin được tiêm chủng, tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine là 91,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. Hàng trăm nghìn bệnh nhân COVID-19 đã được chữa khỏi nhờ công lao to lớn của các y, bác sĩ. Trong khi đó, các chế độ chính sách với y bác sĩ tuyến đầu chưa phù hợp, cuộc sống cán bộ y tế còn nhiều khó khăn.
Dẫn những ví dụ trên để thấy rằng, những kẻ làm sai trái, tội đồ ngành y chỉ là những “con sâu”, không thể xóa nhòa những công lao đóng góp của hàng trăm nghìn nhân viên y tế khác. Những vụ việc tham nhũng, tiêu cực lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã xói mòn lòng tin đối với ngành nhưng không thể phủ lấp đi sự hi sinh của nhiều cán bộ y tế khác. Bởi trong cuộc sống này thiện luôn thắng ác.
Những kẻ thoái hóa, biến chất trong ngành y, lợi dụng kẽ hở của luật pháp, lợi dụng khó khăn cấp bách của dịch bệnh để vi phạm, trục lợi, tham ô, tham nhũng đã và đang được lôi ra ánh sáng và sẽ phải trả giá do hành vi đã gây ra. Tuy nhiên, qua nhiều sự việc trên cũng cho thấy, ngoài những bản án nghiêm minh của pháp luật, cần xem lại công tác quản lý, bịt lỗ hổng kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng, trục lợi. Chỉ có làm quyết liệt, diệt sâu, bịt lỗ hổng thì mới chấm dứt được những bê bối trong ngành y như đã diễn ra thời gian qua.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lý do Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố:
Hải Ninh