Từ vụ việc ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, bị cáo buộc chuyển nhượng khu đất 43 ha từ nhà nước sang tư nhân trái quy định, gây thất thoát hơn 1.060 tỷ đồng và trước đó, nhiều cán bộ cấp cao, lãnh đạo địa phương đã phải xộ khám do sai phạm liên quan đến đất đai, dư luận đặt câu hỏi: Kẽ hở nào khiến cựu Bí thư Bình Dương và lãnh đạo một số địa phương bất chấp?
|
Ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương |
Kẽ hở Luật đất đai, cán bộ suy thoái… nguyên nhân dẫn đến sai phạm đất đai
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Luật Đất đai vẫn còn những bất cập, kẽ hở nhưng những người thực thi nhiệm vụ như ông Trần Văn Nam và các cựu lãnh đạo một số địa phương đã cố ý sai phạm.
“Không chỉ ở Bình Dương, TP HCM, Đà Nẵng mà tình trạng này còn diễn ra tại một số tỉnh, thành khác. Họ vận dụng luật, nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng họ làm sai, không đúng các quy định vì động cơ cá nhân dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, điều hành, sử dụng đất đai”, Đại biểu Hòa nói.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, sai phạm của các cán bộ trên đã được cơ quan điều tra chỉ ra như tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái…
“Luật có những bất cập chưa sát với tình hình thực tiễn là có, cho nên tới đây, chúng ta phải sửa Luật Đất đai nhưng những cán bộ vi phạm đã cố ý, lợi dụng chức vụ quyền hạn, không làm đúng quy định theo Luật Đất đai. Một nguyên nhân nữa là sự suy thoái đạo đức, phẩm chất của người cán bộ Đảng viên, không gương mẫu, lợi ích nhóm, cũng có thể bị tác động của ai đó và lòng tham không đáy. Cứ nghĩ rằng mình làm như vậy là không có sai phạm, không ai hay biết cho nên dẫn đến tình trạng này”, đại biểu Hòa nêu ý kiến.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, những vụ án tham nhũng liên quan đất đai cho thấy, nhiều cán bộ quản lý cấp cao đã rơi vào vòng lao lý chỉ với một lý do thực hiện thẩm quyền quyết định về đất đai trái pháp luật, gây thất thoát “đất công”.
“Khái niệm “đất công” thường được nói tới trên công luận nhưng chưa có định nghĩa thuật ngữ pháp lý trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, trong khi ở các nước khác, “đất công” và “đất tư” được xác định rõ ràng, được quản lý theo những quy định khác nhau và được kiểm soát chặt chẽ khi chuyển từ “đất công” sang “đất tư”, ông Đặng Hùng Võ nói và phân tích, các vụ án tham nhũng về đất đai thường chỉ bị phát hiện sau khi hành vi tham nhũng đã hoàn thành, xử lý khó khăn hơn và thiệt hại lớn hơn.
Nguyên nhân chủ yếu là người dân không thể thực hiện quyền giám sát của mình mà pháp luật đã quy định cho nên khó phát hiện ngay tham nhũng. Bên cạnh đó, UBND cấp có thẩm quyền vừa thực hiện quyền quyết định về đất đai với vai trò đại diện cho sở hữu toàn dân và vừa thực hiện quyền quản lý đất đai, tức là “vừa đá bóng, vừa thổi còi” nên không thể phát hiện tham nhũng kịp thời.
“Các vụ tham nhũng về đất đai thường có giá trị lớn và được tính toán thông qua quy trình định giá đất, cụ thể định giá đất lúc giao đất, cho thuê đất rất thấp, nhưng khi định giá lại theo giá trị thị trường lại rất cao. Điều này có nghĩa là định giá đất đang có vấn đề lớn, cần xem xét và đổi mới”, ông Võ nói.
Theo GS Đặng Hùng Võ, trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, mọi thửa đất đều là “đất công”, nhưng sự khác nhau ở đây là ai sử dụng, hay nói rõ hơn, sự phân biệt “công” và “tư” ở đây không gắn với quyền sở hữu đất mà phải là “sử dụng đất vào mục đích tư hay công”.
“Sự không mạch lạc về “khu vực công sử dụng đất” hay “khu vực tư sử dụng đất” sẽ dẫn tới nhập nhèm giữa “đất công” và “đất tư”, “công” biến thành “tư” chính là nội dung trọng tâm của tham nhũng đất đai”, GS Đặng Hùng Võ nêu ý kiến. Ông cho rằng, để kiểm soát chặt ranh giới giữa “đất công” và “đất tư” ở Việt Nam theo hướng kiểm soát tham nhũng thì cũng cần có định nghĩa pháp lý rõ ràng.
Giải pháp chặn… “quan” tham nhũng đất đai
Theo GS Đặng Hùng Võ, những hành vi tham nhũng trong thực thi pháp luật, chính sách đất đai thường là: Chuyển đất đai là tài nguyên, quyền sử dụng đất là tài sản công thành đất đai có quyền sử dụng đất là tài sản tư nhân thông qua việc thu hồi đất (diện tích đất thu hồi nhiều hơn quy hoạch, thu hồi đất trái pháp luật, thực hiện thu hồi đất không đúng quy định); giao đất và cho thuê đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, xác định giá trị đất đai thấp hơn giá trị thị trường, thực hiện trái pháp luật; xác định giá trị đất đai thấp hơn giá trị thị trường trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; gây khó khăn, nhũng nhiễu trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai nói chung và trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất nói riêng nhằm trục lợi cá nhân.
|
GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT |
“Tất cả những hành vi thực thi trái pháp luật với ý đồ tham nhũng như vậy không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời là do không thực hiện tốt các quy định về quản trị đất đai đã được thể hiện tại Điều 199 (quy định về sự tham gia giám sát trực tiếp của người dân trong quản lý và sử dụng đất đai) và Điều 200 (xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi và đánh giá trong quản lý và sử dụng đất đai) của Luật Đất đai 2013”, ông Võ cho biết.
Ông Võ nhấn mạnh, một hệ thống quản trị tốt phải có 3 yếu tố: Một là công khai, minh bạch thông tin; hai là cho phép và khuyến khích người dân và các tổ chức đại diện của họ tham gia vào góp ý kiến quản lý, giám sát việc thực thi pháp luật và ba là quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước có liên quan trước các ý kiến giám sát. Về bản chất, hệ thống quản trị tốt cũng là một cách thức hiệu quả nhằm kiểm soát thực thi quyền lực của các cơ quan quản lý của Nhà nước.
“Trong thể chế chính trị nhất nguyên, cơ chế kiểm soát quyền lực là xây dựng thể chế quản trị để trao quyền tham gia quản lý và giám sát cho người dân. Điều 28 của Hiến pháp 2013 đã quy định cụ thể về thể chế quản trị. Trong lĩnh vực đất đai, để vận hành chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong cơ chế thị trường, chúng ta cũng cần có những quy định riêng mang tính đặc thù để kiểm soát quyền lực, trong đó có nhu cầu phân biệt đất đai là tài sản công và đất đai do tư nhân sử dụng và việc tách bạch thẩm quyền của cơ quan hành chính đại diện cho sở hữu toàn dân và thẩm quyền quản lý đất đai. Cần quan tâm sửa đổi pháp luật đất đai dựa trên việc kiện toàn các quy định về quản trị đất đai”, ông Võ cho hay.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, để ngăn chặn việc cán bộ sai phạm liên quan đến đất đai, có nhiều giải pháp. Trong đó Luật Đất đai phải sửa đổi nhưng giải pháp cốt lõi vấn chính là con người.
“Đạo đức công vụ, đạo đức của người cán bộ, công chức, viên chức, tính xung phong, gương mẫu của người đứng đầu. Họ không tham, không muốn, không ham lợi ích vật chất, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm theo đúng quy định thì sẽ không có sai phạm. Cán bộ cũng phải biết chuyên môn nghiệp vụ chứ không như một số cán bộ vi phạm liên quan đất đai, khi đưa ra xét xử nói rằng “không có chuyên môn về kinh tế và quản lý đất đai”. Nói không hiểu, biết là không đúng, bởi anh là lãnh đạo mà không hiểu biết thì chưa thật chính xác, bởi còn có cơ quan chuyên môn, tham mưu, giúp việc. Chỉ có lòng tham không đáy mới dẫn đến sai phạm như thế”, ông Hòa nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước được điều động về làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương:
Nguồn: Truyền hình Bình Phước.
Hải Ninh