Sách tuyển sinh 10 “độc quyền” và những chiêu thức lập lờ

Google News

Việc in sách tuyển sinh 10 không bao giờ bị ế, bị dư thừa bởi sách luôn được in theo số lượng đăng ký của các nhà trường và đã được thu tiền đầy đủ từ trước.

Theo thông tin từ Nhà Xuất bản Giáo dục thì để chuẩn bị năm học 2019-2020 tới đây, Nhà Xuất bản này sẽ tung ra thị trường 108 triệu bản sách giáo khoa.
Tất nhiên, phụ huynh học sinh cả nước sẽ phải tiếp tục chi ra hàng nghìn tỉ đồng cho việc mua sách cho con em mình.
Nhưng có lẽ con số này cũng chỉ là “phần cứng” bởi ngoài sách giáo khoa ra thì còn rất nhiều loại sách “ăn theo” nữa như: sách bài tập, sách tài liệu...
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến bộ sách tuyển sinh 10 của một số địa phương- loại sách mà gần như là bắt buộc học sinh lớp 9 phải mua khi bước vào học kỳ II của năm học.
Sach tuyen sinh 10 “doc quyen” va nhung chieu thuc lap lo
Sách tham khảo được bày bán la liệt nhưng học sinh cứ phải sách của sở giáo dục ( Ảnh: Thanh An)
Các môn thi ở kỳ thi tuyển sinh 10 hiện nay của đa phần các địa phương là 3 môn: Toán, Anh, Văn. Ngoài ra, một số địa phương còn áp dụng hình thức thi theo tổ hợp thì có nhiều môn thi hơn.
Việc thi môn nào sẽ có tài liệu ôn thi môn đó đã là truyền thống của một số sở giáo dục.
Bởi, theo lý giải của người viết sách, công văn chào bán sách thì đây là cách để nhằm nâng cao hiệu quả cho kỳ thi.
Song, theo chúng tôi, đây thực sự là hình thức ép mua sách mà thôi bởi giá sách thường rất cao mà nội dung thì được “cắt, dán” từ các tài liệu khác và sách giáo khoa hiện hành.
Nhưng, một khi sở giáo dục giới thiệu cho phòng giáo dục, rồi phòng giáo dục lại giới thiệu cho nhà trường và nhà trường sẽ trực tiếp chào bán sách cho học sinh.
Cái "vòng tròn khép kín" này được thực hiện thuần thục từ năm này sang năm khác và cũng chưa biết bao giờ sẽ kết thúc?
Những cuốn sách tuyển sinh 10 hiện nay thường là do vị chuyên viên phụ trách môn học của sở giáo dục thực hiện việc biên soạn.
Lúc đầu, khi còn bản thảo thì họ yêu cầu các giáo viên trong tỉnh góp ý để chỉnh sửa, khi chỉnh sửa xong rồi thì họ in thành sách.
Mỗi cuốn sách cho từng môn chỉ dao động từ 70-80 trang giấy nhưng giá thành thì không hề ít chút nào. Mỗi cuốn cũng dao động từ 35-40 nghìn đồng.
Và, tất nhiên khi đã được góp ý hoàn chỉnh thì năm nào sở giáo dục cũng cho tái bản để bán cho học sinh.
Chúng ta chỉ cần làm 1 phép tính nhỏ là nếu như tỉnh đó có 10 nghìn học sinh thi lớp 10, mỗi bộ sách (3 cuốn) từ 100-110 nghìn đồng thì đương nhiên sẽ có tổng thu đã là tiền tỉ.
Nhiều tỉnh có tới gần 60-70 nghìn thí sinh thi tuyển sinh 10- đương nhiên số tiền sẽ rất lớn sau khi chi cho việc xuất bản, vận chuyển, hoa hồng đối với các khâu trung gian.
Mỗi cuốn sách chỉ 1-2 tác giả và một số người “có trách nhiệm” thì sau mỗi kỳ thi họ sẽ bỏ túi một khoản tiền không nhỏ mà lại không phải bỏ công sức gì ngoài việc biên soạn từ hàng chục năm trước.
iệc bán sách tuyển sinh 10 hiện nay được thực hiện theo đường nội bộ, sở giáo dục gửi công văn về phòng giáo dục, phòng giáo dục gửi về trường.
Tất nhiên, bao giờ họ cũng quán triệt tinh thần, vai trò của kỳ thi tuyển sinh 10 và đề nghị nhà trường cho học sinh đăng ký mua.
Vì thế, trước khi cho học sinh đăng ký mua thì nhà trường sẽ sinh hoạt trước cờ, sinh hoạt chủ nhiệm và họp phụ huynh học sinh để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh 10.
Vấn đề quan trọng là bán sách tuyển sinh 10 được các ban giám hiệu nhà trường sinh hoạt rất kĩ.
Khi đã làm xong tư tưởng, có được số liệu đăng ký và thu tiền sách thì nhà trường sẽ tập hợp lên phòng giáo dục và chuyển số liệu về sở giáo dục.
Chính vì vậy, việc in sách tuyển sinh 10 không bao giờ bị ế, bị dư thừa bởi sách luôn được in theo số lượng đăng ký của các nhà trường và đã được thu tiền đầy đủ từ trước.
Điều trớ trêu ở chỗ là sách ôn thi tuyển sinh 10 có "nội dung cố định" ngay từ năm đầu sách giáo khoa hiện hành áp dụng đại trà (năm 2002) đến nay.
Ngoài nội dung ôn tập thì cuối mỗi cuốn sách này có 5 đề thi tuyển sinh 10 của 5 năm gần nhất.
Nghĩa là mỗi năm tái bản sách thì chỉ bổ sung thêm 1 đề thi mới của năm học trước và đồng thời bỏ đi 1 đề thi cũ để đảm bảo có 5 đề thi trong mỗi cuốn sách.
Nhưng, lãnh đạo từ nhà trường trở lên cứ lập lờ để bắt buộc học sinh phải mua sách mới?
Những giáo viên trực tiếp ôn thi tuyển sinh 10 đề nghị với nhà trường là nói rõ cho học sinh biết, em nào có điều kiện thì mua sách mới, em nào khó khăn thì phô tô sách, hoặc học sinh có anh chị học khóa trước thì lấy sách đó ôn tập.
Việc sách có bổ sung thêm 1 đề gần nhất thì giáo viên ôn tập sẽ cập nhật cho các em học sinh nhưng bao giờ ban giám hiệu cũng đều không đồng ý và cấm giáo viên ôn thi tiết lộ chi tiết này cho học trò!?
Nếu học sinh có hỏi thì nói là sách năm nay khác với sách năm trước.
ởi, ban giám hiệu nói là nếu trường không mua sách theo số lượng học sinh đã đăng ký thi tuyển sinh 10 thì khi họp ở phòng giáo dục sẽ bị lãnh đạo phê bình!
Việc “phê bình” có lẽ chỉ là cách nói để bán sách mà thôi bởi phía sau chữ “phê bình” này sẽ là "hoa hồng" được rót về cho phòng giáo dục và nhà trường.
Càng bán được nhiều sách cũng đồng nghĩa là hoa hồng sẽ được tăng lên.
Lợi ích chỉ có một số người được hưởng nhưng tốn kém thì thuộc về hàng chục ngàn phụ huynh học sinh trong toàn tỉnh. Chính vì thế mà sách cũng chỉ được “dùng 1 lần” rồi phải bỏ đi.
“Cái lợi” của việc mua sách tuyển sinh 10 là tác giả viết sách cũng là người sẽ ra đề thi tuyển sinh 10 nên nội dung, câu hỏi cơ bản là tái hiện lại kiến thức đã có trong sách ôn tuyển sinh.
Đáp án khi chấm cũng sẽ là những nội dung đã được thể hiện trong sách này nên giáo viên ôn tập phải bám sát vào sách hướng dẫn ôn tập của sở giáo dục.
Điều này cũng đồng nghĩa là học sinh có sách này thì thường dễ học, dễ ôn, dễ được điểm cao hơn.
Lãnh đạo sở, phòng giáo dục và ban giám hiệu là người đứng ra bán sách, “khách hàng” là phụ huynh học sinh nên mọi “sự biết” và ý kiến của giáo viên ôn thi tuyển sinh 10…không có giá trị trong việc này.
Thực tế, việc ôn thi tuyển sinh 10 hay bất kỳ một một kỳ thi nào đó có lẽ công bằng hơn cả là nội dung sách giáo khoa hiện hành.
Nhưng, vì lợi ích mà nhiều lãnh đạo ngành giáo dục ở một số địa phương đang tìm cách lập lờ để trục lợi bằng nhiều chiêu thức, nhiều lời lẽ hoa mỹ “đầy trách nhiệm”.
Đa phần phụ huynh không biết được mánh khóe phía sau những “lo lắng” về hiệu quả, về chất lượng của kỳ thi là một cách làm tiền trắng trợn nhưng được “núp bóng” bằng những ngôn từ...giả dối!
Theo Thanh An/Giaoduc.net