Sách giáo khoa không thể là hàng hóa thuần túy

Google News

Năm 2009, nước Mỹ rúng động vì một cuốn... sách giáo khoa. Hội đồng Giáo dục Tiểu bang Texas đã quyết định thông qua một cuốn sách giáo khoa sinh học dạy rằng: “Thuyết tiến hóa là sự ngớ ngẩn”.

Mặt trái của thị trường tự do
Chưa hết, năm 2010, môn xã hội học được bổ sung một chi tiết lạ lùng từ một chuyên gia của Hội đồng Tiểu bang, người tin rằng “thuế thu nhập cá nhân là chuyện trái với lời Chúa trong Kinh Thánh”. Hội đồng Giáo dục Tiểu bang Texas, những người phê duyệt sách giáo khoa (SGK), có 15 thành viên đến từ 15 quận, được bầu lên trong các cuộc bầu cử nhỏ lẻ vào các năm không có bầu cử chính trị quan trọng.
Sach giao khoa khong the la hang hoa thuan tuy
Bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức và cuộc sống lớp 10. 
 Tỉ lệ người dân Texas tham gia việc bầu ra các ứng viên này thấp đến mức đáng buồn và lợi thế thường thuộc về các ứng viên có nhóm ủng hộ mà thành viên là những nhà tài trợ giàu có. Tất cả những điều này giải thích tại sao Texas từng có một thành viên trong Hội đồng Giáo dục tin rằng các trường công lập là công cụ của... quỷ dữ.
Kể từ những năm 1960, SGK ở Texas đơn giản là công cụ để lan truyền những tư tưởng thiên hữu, ở một bang mà cánh hữu đã thống trị các hệ thống niềm tin trong nhiều thập kỷ. Nhưng, “những gì xảy ra ở Texas không chỉ nằm yên tại Texas”, như lời của Dan Quinn, một biên tập viên SGK kỳ cựu ở Mỹ, trên trang New York Books.
Vấn đề trở nên trầm trọng hơn cho SGK trên toàn nước Mỹ, khi Texas là bang đông dân thứ hai ở quốc gia này, với gần 30 triệu dân và khoảng cách lớn bỏ xa bang thứ ba là New York (chỉ gần 20 triệu). Trong vai trò một thị trường, tiểu bang này quá lớn và có ảnh hưởng đến mức các nhà xuất bản trên toàn quốc thường chỉ ưu tiên hướng cuốn SGK của mình theo những gì Texas muốn.
Chi phí để sản xuất một cuốn sách giao khoa thì rất đắt đỏ: Ví dụ để làm ra một SGK về khoa học, nhà xuất bản sẽ phải thuê các họa sĩ có hiểu biết y khoa để vẽ tất cả các hình ảnh minh họa và mức phải trả có thể lên đến 5 triệu USD, những khoản đầu tư thực sự lớn và có rủi ro cao.
Với số lượng học sinh áp đảo các tiểu bang khác, Texas có lợi thế tuyệt đối trong việc áp góc nhìn của mình vào SGK. Một nhà xuất bản bán được SGK ở Texas sẽ thu được lợi nhuận khổng lồ và điều đó khiến họ chẳng việc gì phải nghiên cứu viết SGK cho một thị trường kiểu bang Delaware (chỉ có hơn 1 triệu dân) chẳng hạn.
Vì lẽ đó, rốt cục thì học sinh toàn nước Mỹ đã phải học các bộ SGK mà có đến 80% số lượng các tiêu chí nội dung được bang Texas phê duyệt. Lý do là chẳng ai bỏ tiền ra để viết SGK cho các tiểu bang khác cả, vì động cơ lợi nhuận.
Đấy là một trong những rắc rối lớn nhất về SGK ở Mỹ trong thập kỷ qua, vì một yếu tố cơ bản tạo nên sự giàu có của quốc gia này: Thị trường tự do. Trên lý thuyết, trong suốt nhiều năm, các trường học và giáo viên Mỹ được quyền tự do lựa chọn chương trình học tập của mình và SGK không chỉ là chuyện giáo dục đơn thuần. Nó còn là một mặt hàng béo bở.
SGK là một thị trường mang lại doanh số khủng khiếp cho các nhà xuất bản tại Mỹ, với khoảng hơn 10 tỷ USD lợi nhuận mỗi năm. Mặt trái của thị trường tự do xuất hiện ở chỗ này: Chi phí giáo trình đại học đã tăng gấp 10 lần kể từ những năm 1970 và trong gần 2 thập kỷ qua, chúng tăng gần gấp đôi.
Dù đắt đỏ là thế, không có gì đảm bảo chất lượng của chúng, như câu chuyện về SGK theo tiêu chuẩn Texas bạn vừa đọc. Thị trường SGK quá tự do nhưng thực tế lại hoàn toàn nằm trong tay một thị trường độc quyền, nơi các tiêu chuẩn giáo dục lẫn giá cả đều phụ thuộc vào ý chí của riêng họ.
Năm 2013, để phá thế độc quyền này, toàn bộ các bang còn lại đã liên kết để tạo ra một Bộ tiêu chuẩn giáo dục cốt lõi, để chống lại ảnh hưởng từ những quyển SGK kiểu Texas. Từ đó đến nay, “cuộc chiến” này vẫn chưa ngã ngũ. Đây là là bằng chứng cho thấy mặt trái của thị trường mà các sản phẩm giáo dục được tạo ra một cách quá tự do, thiếu các tiêu chuẩn giáo dục đúng đắn, thống nhất và chỉ có người dùng là thiệt thòi. Họ phải mua các cuốn SGK cho con em mình với giá ngày càng đắt đỏ, trong khi không thể tin tưởng hoàn toàn vào chất lượng của nó.
Người tiêu dùng thiệt thòi
Đó là chuyện ở xứ người, còn ở Việt Nam thì sao? Năm 2020, Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) ghi nhận doanh thu đạt 188,2 tỷ đồng, cao gấp 46 lần doanh thu cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt mức 22,5 tỷ đồng.
Sach giao khoa khong the la hang hoa thuan tuy-Hinh-2
Bộ sách giáo khoa Cánh diều lớp 4 và lớp 11.
Trước mốc thời gian đó, kể từ khi thành lập vào năm 2016, VEPIC chưa năm nào có lãi. Năm 2017, công ty thu về 5,8 tỷ đồng, lỗ sau thuế gần 2 tỷ. Năm 2018, mức doanh thu sụt giảm về 5 tỷ, lỗ sau thuế vọt lên 10,4 tỷ đồng. Năm 2019, công ty chỉ ghi nhận doanh thu 4,1 tỷ, lỗ sau thuế lên đến 14,4 tỷ đồng.
Khác biệt nằm ở thời điểm công ty này chuyển sang làm bộ SGK Cánh diều, sau khi SGK được xã hội hóa. Năm 2021, công ty này đạt doanh thu chưa từng có, lên đến 317,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 29,6 tỷ. Năm 2022, con số này là 615,7 tỷ và 46 tỷ.
Một bộ sách Cánh diều dành cho học sinh lớp 4 có giá khoảng 230.000 đồng, trong khi SGK theo chương trình cũ chỉ có giá 87.000 đồng. Trung bình giá SGK lớp 4, 8, 11 tăng gấp 3 lần, nhưng chất lượng thì vẫn là một dấu hỏi: Bộ SGK xã hội hóa đầu tiên này từng mắc nhiều sai sót đến mức các lỗi của nó được đưa vào cả các phiên họp Quốc hội. Và, dù lãi đậm nhờ bộ Cánh diều, VEPIC cũng mắc phải lùm xùm thiếu nợ, chậm chi trả cho nhà in, các đối tác và thậm chí nợ nhuận bút các tác giả.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã tạo ra một không gian tự do hơn hẳn cho thị trường SGK, với 3 bộ sách lần lượt là Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo. Theo chương trình cũ, phụ huynh có con học lớp 4 chỉ tốn độ 87.000 đồng tiền SGK. Giờ thì với 3 bộ sách trên, họ phải trả thêm lần lượt là 230.000 đồng, 186.000 đồng, 182.000 đồng.
Chi phí tăng vọt này một phần đến từ việc ngân sách nhà nước không còn hỗ trợ các chi phí biên soạn và thẩm định SGK như trước. Hiện tại, các bộ sách mới do doanh nghiệp thực hiện không nhận được trợ giá này nên tất cả sẽ được tính vào giá thành ra thị trường.
Việc lựa chọn bộ SGK được tiến hành bởi một hội đồng lựa chọn sách, dựa trên ý kiến khảo sát của các giáo viên bộ môn các trường tại địa phương. Danh sách SGK cuối cùng không chỉ có 1 bộ, mà là lấy nhiều bộ sách khác nhau cho từng môn học. Ví dụ, một trường có thể chọn sách Mỹ thuật từ bộ Cánh diều, sách Tiếng Việt của Chân trời sáng tạo, còn sách Toán thì dùng của Kết nối tri thức và cuộc sống.
Tất cả những tranh cãi và phần chi phí đội lên này có thể được xem là một phần của việc xã hội hóa SGK. Giống như nước Mỹ, chúng ta sẽ phải đối mặt với những nan đề của một thị trường mà các sản phẩm giáo dục khoác thêm một chiếc áo nữa: Hàng hóa. Ngoài việc là những bộ sách giáo dục, chúng là mặt hàng của một thị trường cả ngàn tỷ đồng. Trong lớp áo mới ấy, chúng ta sẽ thấy nhiều mặt tối khác của thị trường, như là rốt cục thì ai thực sự chi phối nó, hay giá cả có thể trở nên rất điên rồ từ nhu cầu cạnh tranh.
Ứng xử với một bối cảnh mới mẻ như thế đòi hỏi những cách nhìn mới và khi quyết định coi SGK là một sản phẩm có tính “hàng hóa” nhiều hơn, chúng ta sẽ thấy rằng người tiêu dùng, tức các phụ huynh và con em họ, chính là nơi chịu va đập đầu tiên.
Tạo ra cơ chế để bảo vệ họ và tránh cho việc xã hội hóa trở thành một thị trường hoang dã và không có tiêu chuẩn là việc mà mỗi người chúng ta nên nghĩ đến vào thời điểm này. Bởi vì, rốt cục thì giáo dục không thể là một sản phẩm thuần túy thị trường, nơi lợi nhuận được đặt lên trên tất cả. Một cuốn SGK tốt có thể là khởi đầu của một hành trình đi suốt đời người.
Theo Bàn Cầm/CAND