Việc giết mổ gà diễn ra trong điều kiện mất vệ sinh nghiêm trọng, làm dấy lên nỗi lo về dịch cúm gia cầm có thể bùng phát, tờ Tiền Phong thông tin:
Sáng 20/2, theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Thủ đô, việc giết mổ, mua bán gà vẫn diễn ra bình thường dù có nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát. Tại chợ Nguyễn Công Trứ, phường phố Huế (quận Hai Bà Trưng), khoảng hơn chục hộ kinh doanh gà vẫn buôn bán bình thường. Theo quan sát của phóng viên, mỗi lồng nhốt hàng chục con gà chen chúc. Có những con đã yếu, rũ cánh. Phía dưới lồng, phân trộn với nước thải của chợ bốc mùi hôi nồng nặc. Mỗi khi có khách mua gà, chủ cửa hàng lại mang vào trong giết ngay tại chỗ, bên cạnh đó la liệt chất thải.
|
Ảnh minh họa. |
Chị Thúy, một phụ nữ bán hàng tại chợ cho biết, có nghe là đang có dịch cúm bên Trung Quốc, nhưng chưa có thông tin về dịch cúm ở Việt Nam nên vẫn nhiều người mua gà và giết mổ bình thường. “Người dân vẫn thích gà sống hơn. Thấy con nào ngon họ chỉ là tôi đem thịt. Vừa tươi, vừa thấy gà còn sống nên yên tâm”, chị Thúy nói. Trong khi đó, bà Hải, một người bán gà thịt sẵn cạnh đó cho biết, nên dẹp tình trạng bán gà lông. “Thấy tivi nói mấy ngày hôm nay về dịch cúm gà rồi. Anh cũng thấy là bẩn đúng không? Phải giết mổ tập trung chứ tình trạng giết mổ nhỏ lẻ thế này vừa gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm, lại nguy cơ dính cúm, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng”, bà Hải nói. Bà này cũng cho biết, để đảm bảo an toàn, người dân nên mua gà thịt sẵn có đủ thông tin về nơi giết mổ, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Còn quá nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), Hà Nội có tới 1.076 điểm giết mổ nhỏ lẻ, trong khi chỉ cần 6 điểm giết mổ như Vạn Phúc, Thanh Trì là đủ cung cấp cho cả thành phố. Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, chỉ có sản xuất theo chuỗi, bằng công nghệ cao thì mới đảm bảo được an toàn thực phẩm. “Hà Nội cần đánh giá ngay các vùng chăn nuôi, để đưa ra cái mới, hướng tới giảm dần chăn nuôi nhỏ, đi vào chăn nuôi lớn, xa khu dân cư và ứng dụng công nghệ cao”, ông Vân nói.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thú y Hà Nội cho biết, số lượng chợ cóc bán thịt gia cầm còn sống trên địa bàn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Từ 15/2, Chi cục Thú y Hà Nội đã triển khai tiêm phòng sớm cho hàng loạt gia cầm trên địa bàn, chương trình kéo dài đến hết tháng 3/2017. Riêng đối với các chợ đầu mối gia cầm như chợ Hà Vỹ, có riêng đội kiểm dịch trực 24/24h bên ngoài chợ. Ngoài ra, lãnh đạo Sở vừa có chuyến kiểm tra đột xuất chợ đầu mối này. Nhìn chung, chợ Hà Vỹ đã tương đối ổn định, nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề như: vệ sinh chuồng trại, xe chở gia cầm không đảm bảo. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu xử lý ngay.
Theo ông Sơn, hiện nay dịch cúm gia cầm đã có nhiều biến chủng nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh đàn gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố là rất cao. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết khí hậu diễn biến thất thường, môi trường bị ô nhiễm sẽ là cơ hội thuận lợi để phát sinh các dịch bệnh.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết thêm, ngay khi nhận được thông tin dịch cúm gia cầm bùng phát, có nguy cơ lan truyền cao, Sở đã phối hợp với các quận, huyện tổ chức tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cộng đồng. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng duy trì tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng về phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố, kịp thời ứng phó khi có tình huống dịch bệnh xảy ra. Công khai các địa chỉ để tiếp nhận thông tin khai báo dịch bệnh tại cấp xã để người dân biết chủ động thông tin khai báo kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.
Theo Trường Phong - Hiểu Minh/Tiền Phong