Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho biết như trên khi trao đổi với PV Khoa học và Đời sống xung quanh vấn đề “người giàu tham nhũng lớn”.
Quyền lực không được giám sát chặt chẽ… dẫn đến tha hóa
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc mới đây cho biết "Những người tham nhũng vừa rồi đều là những người giàu", ông có đồng tình với quan điểm này?
- Đúng vậy, lòng tham là vô đáy nên cần phải có sự giám sát quyền lực một cách chặt chẽ!
Chuyện cải cách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, cách đây 22 năm, vào năm 2000, Thường vụ Quốc hội mời tôi lên trình bày, tôi đã đề nghị phải thay đổi tiền lương. Khi đó, tôi đã đề nghị tăng lương cao từ cấp chuyên viên đến cấp bộ trưởng trở lên để họ đủ sống, bởi khi cán bộ, công chức, viên chức không đủ sống thì họ phải xoay sở. Trong hàng trăm cách xoay sở ấy, khó thể tránh được việc tham nhũng, nhận hối lộ. Do đó, việc tăng lương là cần thiết, là đúng, nhưng đừng nghĩ tăng lương xong là giải quyết được tham nhũng.
Muốn giải quyết được tham nhũng, việc quan trọng và cần thiết là tổ chức giám sát, kiểm soát quyền lực. Khi quyền lực không được giám sát chặt chẽ sẽ dẫn đến tha hóa. Nhiều cán bộ cao cấp từ Trung ương đến địa phương được phát hiện vi phạm cho thấy họ lộng hành thế nào, đồng thời đặt câu hỏi: Giám sát quyền lực của ta ở đâu?
"Những người tham nhũng vừa rồi đều là những người giàu. Người giàu mà họ cũng tham nhũng lớn" - Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII sáng 5/12.
|
PGS.TS Lê Văn Cương |
Nguyên tắc mọi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Ông đánh giá thế nào về chế tài và pháp luật hiện nay trong việc kiểm soát quyền lực?
- Như tôi đã nói ở trên, muốn phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, điều cần thiết là kiểm soát được quyền lực. Trước hết, phải siết chặt hệ thống giám sát quyền lực. Tiếp đến, làm rõ trách nhiệm của cơ quan công quyền, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị…
Hệ thống Hiến pháp luật pháp của chúng ta hiện nay chưa quy định cụ thể, rõ ràng về quyền và trách nhiệm pháp lý đối với đội ngũ cán bộ. Phải có những quy định của Đảng cũng như quy phạm pháp luật đảm bảo cho mỗi người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyền hạn đi liền với trách nhiệm cụ thể.
Một vấn đề khác cũng rất quan trọng mà trong các nghị quyết nêu ra và Điều lệ Đảng cũng quy định - đó là đảm bảo cho cơ quan nhà nước hoạt động công khai, minh bạch, để cho người dân giám sát được… Tôi cho rằng, nếu làm được tốt 4 vấn đề đó, chắc chắn sẽ khắc phục cơ bản tình trạng tham nhũng.
|
Biệt phủ của cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành nhận hối lộ hơn 14 tỷ từ AIC. (Ảnh: VTCNews) |
Lương Bộ trưởng chưa đến 20 triệu thì dăm bảy cái biệt thự đâu ra?
Giải pháp 4 không trong phòng chống tham nhũng: không thể, không dám, không cần và không muốn. Liệu quan chức có thực hiện nổi?
- Đó là một trong những giải pháp phòng, chống tham nhũng. Song, vẫn là giám sát quyền lực chặt chẽ. Thực tế, tiền lương của chúng ta hiện nay dù đã cải cách thì vẫn trực thèm tham nhũng, anh nào cũng muốn tham nhũng, lương Bộ trưởng chưa đến 20 triệu đồng nhưng dăm bảy cái biệt thự thì tiền đâu ra? Gần đây chúng ta đã quyết liệt xử lý tham nhũng, nhưng vẫn cần tính nghiêm minh hơn, giám sát quyền lực chặt chẽ hơn để “không thể”, “không dám” tham nhũng.
Qua các đại án gần đây: Việt Á, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát... nhiều cán bộ cấp cao đều "dính chàm". Tới lúc, những người quyền cao, chức trọng - giả thuyết chưa bị pháp luật gọi tên, nên tự soi và tự sửa?
- Tự soi, tự sửa hiện chỉ dừng lại ở sự kêu gọi, chứ mấy ai tự soi, tự sửa đâu. Trên thế giới và cả ở Việt Nam, điều tiết hành vi con người ở luật pháp. Kêu gọi là cần thiết, nhưng không trông chờ quá nhiều vào tự soi, tự sửa, dù cũng cần thiết nhưng đừng hy vọng họ sẽ không tham nhũng.
Kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ
Bộ Chính trị đã có thông báo kết luận về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật; khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Ông đánh giá sao về chủ trương này?
- Đây là một bước tiến mới mở ra những tiền lệ tốt, rất có ý nghĩa trong việc làm trong sạch bộ máy. Từ chức không phải là vấn đề mới, mà đã được Đảng ta đề cập từ nhiều nhiệm kỳ. Tuy nhiên, trong thực tế, việc miễn nhiệm, từ chức chưa được thực hiện tốt, như chủ trương đã đề ra.
Tình trạng cán bộ yếu kém, không đủ năng lực, uy tín nhưng vẫn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn phổ biến ở nhiều nơi, trong các lĩnh vực. Lần này, sau khi ban hành quy định, Ban chấp hành Trung ương đã đưa vào thực hiện ngay với cán bộ cấp chiến lược, dù không hẳn là từ chức nhưng vẫn được dư luận ủng hộ, đó chính là sự nghiêm khắc, nêu gương.
Các trường hợp cho thôi Ủy viên Ban chấp hành Trung ương lần này khác trước đây, bởi mức kỷ luật của họ chỉ ở cảnh cáo, không phải khai trừ. Nhưng cán bộ đã mắc khuyết điểm, uy tín sẽ giảm sút, việc xem xét miễn nhiệm cán bộ, không đợi đến tuổi nghỉ hưu và cũng không đợi hết nhiệm kỳ… là đúng. Việc này sẽ là bước tiến mới, khuyến khích cán bộ từ chức khi thấy bản thân liên đới trách nhiệm khi để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng.
Từ chức là vấn đề rất văn minh. Việc từ chức khi không còn đủ uy tín cũng là thực hiện trách nhiệm nêu gương. Đã đến lúc nên coi từ chức là văn hóa và là sự tự trọng của người đảng viên.
Ông nhìn nhận, đánh giá như như nào về bức tranh phòng, chống tham nhũng năm 2022?
- So với thời gian trước, tôi thấy phòng, chống tham nhũng sau Đại hội XIII là rất tích cực và quyết liệt, diễn ra theo đúng tư tưởng của Tổng Bí thư là làm kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Năm 2022 có rất nhiều dấu ấn trong phòng, chống tham nhũng. Thời gian tới, tôi hy vọng Ban Phòng, chống tham nhũng Trung ương cần phát huy nhiều hơn nữa, tạo ra những dấu ấn đặc biệt.
Xin cảm ơn PGS.TS Lê Văn Cương!
Hơn 73.000 tỷ đồng tham nhũng chưa thu hồi
“Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 cho thấy, trong năm qua, tổng số vụ việc phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với gần 89.610 tỷ đồng.
Theo đó, số có điều kiện thi hành là 2.739 việc, tương ứng hơn 43.593 tỷ đồng. Số đã thi hành xong là 1.895 việc, tương ứng với hơn 15.989 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, số có điều kiện thi hành về tiền còn tồn đọng lớn. Cụ thể, còn hơn 27.604 tỷ đồng có điều kiện thi hành, song vẫn chưa thu hồi được, chiếm hơn 63%.
Nếu tính tổng số phải thi hành, tỷ lệ thi hành xong chỉ đạt 17.8%. Số tiền còn lại chưa thu hồi được trong các vụ án tham nhũng lên tới hơn 73.000 tỷ đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng
Hải Ninh (thực hiện)