Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP thông qua chủ trương thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã ký ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam do Bộ Tài chính quản lý, là nơi tiếp nhận các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.
Nguồn kinh phí này sẽ được chi cho hoạt động mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
|
Việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 là vô cùng cần thiết. |
Đánh giá việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 là vô cùng cần thiết, song nhiều ý kiến cho rằng, Quỹ cần được quản lý sử dụng khoa học, công khai, minh bạch. Đồng thời đảm bảo thông thoáng để tháo gỡ bài toán có tiền, có nhu cầu nhưng vẫn không mua kịp được vaccine cho người dân.
Xung quanh vấn đề trên, PV Báo Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Quỹ vaccine phòng COVID-19 là vô cùng cần thiết
- Mới đây, Chính phủ đã thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam. Việc thành lập Quỹ có sự phối hợp công, tư để lo vaccine cho toàn dân, để thu hút thêm doanh nghiệp có điều kiện chung tay đóng góp được đánh giá là rất cần thiết, PGS.TS nhìn nhận thế nào?
- Trước hết phải khẳng định rằng, việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam là cần thiết và tuyệt đối đúng, kịp thời, đúng thời điểm.
Lúc này, chủ trương của chúng ta là thực hiện mục tiêu kép nhưng không đánh đổi sức khỏe, mạng sống của người dân. Trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, không có cái gì bằng cả xã hội chung tay vào.
Thực tế điều kiện hiện nay của chúng ta rất khó khăn. Phó Thủ tướng mới đây đã nói, chúng ta hiện chỉ có 4000 máy thở/96 triệu dân, Hà Nội có 300 máy thở/1 triệu dân. Trong giai đoạn chống giặc dịch COVID-19 hiện nay cần vô cùng nhiều về điều kiện vật chất, thiết bị y tế như thuốc, vaccine, thiết bị y tế, nhân lực. Do đó điều kiện vật chất rất quan trọng.
Tính toán của Bộ Y tế, dự kiến chúng ta cần mua khoảng 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Cho thấy nguồn kinh phí rất lớn.
Do đó, Chính phủ đã kịp thời có chủ trương đúng đắn, bên cạnh nguồn ngân sách thì cần huy động thêm các nguồn lực từ đóng góp mang tính thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cùng với nhà nước mua đủ số lượng vaccine tiêm kịp thời cho người dân. Không có gì bằng sự chung tay của cả xã hội để nhanh chóng kịp thời tiêm liều vaccine phòng COVID-19 cho toàn dân.
Thực tế đã chứng minh, khi vừa kêu gọi, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ, quỹ đã lớn lên rất nhiều. Người có ít, người có nhiều đồng lòng chung tay góp sức cho Quỹ. Trên cơ sở đó mới đủ điều kiện để mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
Dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp với nhiều biến thể mới của Anh, Ấn Độ. Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chủ trương mua vaccine phòng đại dịch cho Nhân dân cả nước. Trong hoàn cảnh này, một lần nữa có thể khẳng định việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam là vô cùng đúng đắn và cần thiết.
|
PGS.TS Bùi Thị An. |
Cần sử dụng vốn đúng mục đích, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả
- Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam đã được thành lập, nhiều doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân, tổ chức đã chung tay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến quan tâm không chỉ việc có quỹ mà chính ở việc quỹ sẽ được quản lý sử dụng khoa học, công khai minh bạch, PGS.TS có quan điểm về việc này thế nào?
- Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng cần có các quy định chặt chẽ về việc sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và giám sát chặt chẽ của cộng đồng.
Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Quỹ, khi tiếp nhận, sử dụng, chi tiêu phải làm sao cho hiệu quả nhất. Bộ Tài chính cần khẩn trương triển khai xây dựng và hoàn thiện để ban hành quy chế hoạt động của Quỹ và thiết lập bộ máy quản lý.
Khi sử dụng tiền từ quỹ để thực hiện mua vaccine hoặc hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước cần công khai minh bạch. Đồng thời cần đẩy mạnh hoạt động kiểm soát, giám sát, thanh tra, kiểm toán theo quy định, rút kinh nghiệm từ việc ta đã từng chi cho y tế trong mua sắm thiết bị y tế trước đây.
Một đồng tiền mà chi hiệu quả sẽ có giá trị vô cùng, cứu được vô cùng nhiều tính mạng người dân trước dịch bệnh.
Tiền của người dân đóng góp, đó là mồ hôi nước mắt của người dân, công sức của doanh nghiệp.
Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam, người dân đã đồng lòng, nhường cơm sẻ áo, chung tay để toàn dân sớm được tiêm vaccine phòng COVID-19, chia bớt khó khăn với Chính phủ.
Do đó chi tiêu thế nào phải rất rõ ràng, minh bạch và hiệu quả. Bởi hiệu quả sẽ cứu được nhiều người dân. Nếu chi không đúng, chi lãng phí sẽ ảnh hưởng đến chống dịch, đây là điều không ai muốn và không được phép. Chính phủ làm sao để kiểm soát việc chi tiêu tiền từ Quỹ phải đúng mục đích, hiệu quả.
Khấn trương tiếp cận, đàm phán để có các nguồn vaccine COVID-19
- Một số ý kiến cũng băn khoăn, đó là phải tháo gỡ bài toán có Quỹ, có tiền, có nhu cầu nhưng vẫn không kịp mua vaccine phòng COVID-19 để tiêm kịp thời cho toàn dân. Đây là vấn đề thuộc về chính sách, cơ chế phối hợp và quy trình. PGS.TS đánh giá sao về việc này?
- Việc mua vaccine phòng COVID-19, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế. Cho nên Bộ Y tế phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chính phủ và nhân dân về việc đàm phán để có các nguồn vaccine COVID-19, giá cả và chất lượng vaccine.Quan điểm của Việt Nam là tiếp cận vaccine phòng COVID-19 nhanh nhất và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng rộng nhất.
Tuy nhiên dù có vội và khẩn trương nhưng phải đạt yêu cầu đó. Chất lượng vaccine tốt thì mới có ý nghĩa và thứ hai là vấn đề giá cả. Hiện nay không ít việc đầu cơ, nâng giá vaccine, do đó việc đàm phán là tài nghệ của Bộ Y tế đã được Chính phủ giao, nhân dân tin tưởng.
Bộ Y tế hiện nay đã có rất nhiều công lao trong phòng, chống dịch COVID-19 nhưng phải cố gắng trong vấn đề vaccine COVID-19. Dù trách nhiệm rất nặng nề nhưng tôi tin Bộ Y tế sẽ làm tốt với trình độ chuyên môn, quan hệ quốc tế, công nghệ 4.0…
- Xin cảm ơn PGS.TS Bùi Thị An về cuộc trao đổi trên!
Ngày 27/5/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1062/QĐ-BTC về việc thành lập Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 để triển khai Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Bộ Tài chính thông báo thông tin tài khoản tiếp nhận như sau:
1. Tài khoản tiếp nhận tiền trong nước:
a) Tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước:
- Tên tài khoản: Quỹ vắc-xin phòng Covid-19.
- Số hiệu tài khoản: 3761.0.9098866.91999 (VND); 3761.0.9098869.91999 (USD) và 3761.0.9098786.91999 (EUR).
b) Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội:
- Tên tài khoản: Quỹ vắc-xin phòng Covid-19.
- Số hiệu tài khoản: 21110009116868 (VND); 21110371116868 (USD) và 21110142996868 (EUR).
2. Tài khoản tiếp nhận tiền từ nước ngoài:
- Account name: Fund for Vaccination Prevention of Coronavirus Disease 2019.
- Account number: 21110009116868 (VND), 21110371116868 (USD) and 21110142996868 (EUR).
- Bene bank: Bank for investment and Development of Vietnam JSC,
Hanoi branch – 4B Le Thanh Tong Street, Phan Chu Trinh Ward, Hoan Kiem District, Hanoi City, Vietnam.
- Swift code: BIDVVNVX.
Bộ Tài chính cho biết, toàn bộ số tiền do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện sẽ được tập trung đầy đủ, kịp thời về Quỹ vaccine phòng COVID-19 và được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vaccine COVID-19 và cuộc chiến nhận thức
*** Bài tuyên truyền thực hiện Nghị định 84/NQ-Cp ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Hải Ninh