Theo Luật Công an nhân dân 2018, từ 1/7/2019, công an nhân dân (CAND) hằng năm được tuyển chọn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ vào phục vụ trong CAND với thời hạn là 24 tháng (trước đây là 36 tháng).
Bộ trưởng Bộ công an quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 6 tháng trong trường hợp: Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh,...
Luật Công an nhân dân 2018 cũng quy định tiêu chí, nguyên tắc xác định cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và cấp bậc hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh).
Một số điểm mới quan trọng khác trong Luật sửa đổi là Luật không quy định về cơ cấu của CAND mà giao Chính phủ quy định; Chức vụ cơ bản của sĩ quan CAND không còn chức “Tổng cục trưởng”; Công an xã sẽ được Chính phủ quy định xây dựng thành lực lượng chính quy…
|
Luật CAND 2018 giảm thời gian thực hiện nghĩa vụ CAND xuống còn 24 tháng (ảnh minh họa)
|
Theo Luật Đặc xá 2018, người có đủ điều kiện theo quy định để đề nghị đặc xá vẫn không được đề nghị đặc xá khi thuộc một trong các trường hợp: Bị kết án phạt tù thuộc vào 16 tội danh theo quy định tại Luật này; Đang bị truy cứu TNHS về hành vi phạm tội khác; Trước đó đã được đặc xá; Có từ 2 tiền án trở lên…
Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định, từ 1/7/2019, tất cả cán bộ, công chức có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập.
Khoản 3 Điều 51 Luật này quy định, cán bộ, công chức kê khai không trung thực về tài sản, thu nhập có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: Cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm.
Trường hợp đã được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.
Trường hợp người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn hoặc cử vào chức vụ dự kiến.
Trường hợp người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà kê khai không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.
Luật Giáo dục Đại học 2018 sửa đổi nêu rõ, từ 1/7/2019, không phân biệt văn bằng đại học theo hình thức đào tạo. Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
Luật còn nêu rõ, giảng viên đại học có trình độ tối thiểu là thạc sĩ. Các trường đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên. Giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phải có trình độ tiến sĩ.
Luật còn bỏ quy định hiệu trưởng trường đại học có nhiệm kỳ 5 năm. Các trường đại học được tự chủ quyết định chính sách học phí, tuyển sinh
Điểm khác biệt lớn nhất của Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 chính là mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học. Trong đó, Luật quy định khá chi tiết về việc giao quyền tự chủ cho các trường trong học thuật và hoạt động chuyên môn; trong tổ chức và nhân sự; trong tài chính và tài sản…
Cụ thể, các trường được tự quyết định về chính sách mở ngành, tuyển sinh, đào tạo; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và các chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Luật Cạnh tranh 2018 quy định chính sách khoan hồng đối với doanh nghiệp vi phạm quy định về cạnh tranh. Theo đó, doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp Ủy ban cạnh tranh Quốc gia phát hiện, điều tra, xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.
Còn theo Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018, từ 1/7/2019, Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển trong các trường hợp: Vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; Không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam trong các trường hợp theo quy định…
*Tiêu đề đã được BTV đặt lại
Theo Huệ Linh / ANTĐ