Công an TP Thái Bình vừa khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Văn Lâm (58 tuổi, tài xế) và Phương Quỳnh Anh (38 tuổi), phụ trách đưa đón học sinh cùng về tội vô ý làm chết người. Hai giáo viên Nguyễn Thị Phương (26 tuổi) và Đoàn Thị Nhâm (58 tuổi) bị khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cả 4 bị can trên đều bị khởi tố do có sự bất cẩn, thiếu trách nhiệm dẫn đến bé Trần Gia Huy (5 tuổi), học lớp 4 tuổi Trường mầm non Hồng Nhung 2 bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón gần 11 tiếng, tử vong.
|
Cháu bé bị bỏ quên trên xe gần 11 tiếng khi thời tiết nắng nóng. |
6h20 sáng 29/5, Lâm điều khiển xe ô tô 29 chỗ cùng nữ nhân viên phụ trách đưa đón học sinh Phương Quỳnh Anh đến đón cháu Huy đến lớp. Khi lên xe cháu Huy ngồi sau ghế lái, tâm trạng vui vẻ chào bà ngoại đến trường vì hôm đó là ngày tổng kết năm học. Đến 17h30 cùng ngày, khi cậu ruột của Huy đến đón, không thấy Huy ở lớp. Khi kiểm tra xe, hai cô giáo và một phụ huynh đã phát hiện Huy trong xe ô tô nên phá cửa xe đưa cháu đi cấp cứu nhưng cháu bé không qua khỏi.
Cơ quan công an xác định, cháu bé ở trên xe 11 tiếng, thời tiết nắng nóng, trong dạ dày không có thức ăn dẫn đến sức lực cháu bé bị suy kiệt, suy hô hấp.
Thông tin trên cho thấy, tài xế Lâm đã bất cẩn, tắc trách khi không kiểm tra xe sau khi các học sinh xuống xe, nữ nhân viên Quỳnh Anh không kiểm đếm đủ các học sinh, dẫn đến việc bỏ quên cháu Huy trên xe. Trong khi đó, cô giáo phụ trách lớp có chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của trường để theo dõi và phát hiện vắng cháu Gia Huy nhưng không thông báo cho gia đình.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự việc trẻ bị tử vong khi bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh, bởi cách đây gần 5 năm, sự việc đau lòng cũng từng xảy ra tại trường Gateway khiến một cháu bé 6 tuổi tử vong. Cùng với sự tắc trách của người lớn, một số ý kiến cho rằng, hiện những quy định còn lỏng đối với xe đưa đón học sinh, quy trình đưa đón trẻ chưa được thực hiện chặt chẽ.
Thực tế, luật hiện hành không có quy định cụ thể về xe đưa đón học sinh, trẻ em mầm non mà chỉ có quy định chung đối với hoạt động vận tải hành khách. Cụ thể, tại điểm b, khoản 6, điều 4, Thông tư 12/2020/TT-BGTVT có quy định: Sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách).
Để không còn lặp lại những sự việc thương tâm trên, tại Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ đều dành 1 điều quy định việc đưa đón trẻ theo hướng quy trách nhiệm cho người bỏ quên trẻ.
Theo đó, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an biên soạn quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non phải đáp ứng các yêu cầu. Cụ thể, xe phải còn hạn đăng kiểm, có thiết bị giám sát hành trình, nếu xe từ 8 chỗ ngồi trở lên gắn thêm thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.
Xe ô tô chở học sinh tiểu học hoặc trẻ em mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định. Khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu một người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi.
Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu hai người quản lý trên mỗi xe ô tô. Không được để trẻ trên xe khi người lái xe và người quản lý đã rời xe. Lái xe ô tô đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.
Cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho cho tài xế và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón học sinh của đơn vị mình.
Trong khi đó dự thảo Luật Đường bộ đang trình Quốc hội thông qua cũng quy định rõ, trường hợp cơ sở giáo dục tự tổ chức hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng quy định về hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô. Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Theo Bộ GTVT các quy định trên của hai dự luật đã xác định rõ và phân biệt loại phương tiện đưa đón học sinh với các loại hình kinh doanh vận tải hành khách khác. Có cơ chế để quản lý chặt chẽ đối với các loại phương tiện đưa đón học sinh, nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông.
Hai dự luật đã gắn trách nhiệm của đơn vị vận tải, cơ sở giáo dục đào tạo trong tổ chức hoạt động và bảo đảm an toàn giao thông khi đưa, đón học sinh. Đồng thời giúp doanh nghiệp vận tải xác định rõ đối tượng tham gia hoạt động vận tải đưa đón học sinh để từ đó có kế hoạch nâng cao chất lượng phương tiện, tài xế để có phương thức quản lý phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình vận chuyển đưa đón học sinh.
Một số ý kiến cho rằng, quy chuẩn xe chở học sinh là cần thiết, nhưng để chấm dứt tình trạng bỏ quên trẻ trên xe cần bổ sung yêu cầu về công nghệ giám sát, các trang thiết bị an toàn. Ví như tại Mỹ, xe chuyên chở học sinh phải lắp đặt hệ thống cảnh báo an toàn trẻ em. Đây là còi báo động đặt phía sau xe, nối với động cơ. Khi động cơ được ngắt, tài xế phải đi xuống cuối xe để tắt thiết bị, nếu không còi sẽ vang lên nhằm cảnh báo mọi người. Tài xế không thể quên việc kiểm tra học sinh trên xe. Hay như tại UAE, xe buýt chở học sinh được lắp đặt hệ thống cảnh báo kiểm tra trẻ ngủ trên xe.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, cần phải có quy trình tiếp nhận, đưa đón học sinh một cách chặt chẽ. Trong đó, yếu tố con người phải được đặt lên hàng đầu.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, quy trình đưa đón trẻ cần phải được siết chặt lại và có những quy định nghiêm ngặt và cần có những lưu ý, cảnh báo. Đối với tài xế xe, phải thực hiện đúng quy định. Khi giao trẻ, trẻ xuống xe phải kiểm tra xem có còn trẻ ở trên xe hay không. Cùng với đó, cô giáo phụ trách đưa đón học sinh bắt buộc phải kiểm tra xe khi giao học sinh để đảm bảo không còn học sinh nào trên xe. Giáo viên lớp khi điểm danh học sinh thấy thiếu bắt buộc phải thông báo, liên lạc với gia đình.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, trách nhiệm để xảy ra vụ việc đau lòng này là của người lớn, đặc biệt là giáo viên và người phụ trách đưa đón học sinh. Nguyên nhân cũng là do chúng ta còn dễ dãi trong lựa chọn người đảm trách nhiệm vụ đưa đón trẻ, chế tài xử lý không đủ nghiêm khắc, răn đe. Cho nên cần bổ sung quy định về những nội dung trên.
>>> Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) trao đổi bên hành lang Quốc hội về vụ việc cháu bé bị bỏ quên trên xe ô tô
Video: Mai Loan/Tri thức và Cuộc sống.
Tâm Đức