Quốc hội sửa quy định lấy phiếu tín nhiệm: Đâu là thay đổi lớn nhất?

Google News

Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5, dự kiến khai mạc vào ngày 22/5.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có quyết định triệu tập kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, khai mạc 23/5, dự kiến bế mạc 23/6. Dự kiến, kỳ họp sẽ chia làm 2 đợt, đợt 1 từ 23/5 đến 10/6; đợt 2 từ 19 - 23/6.
Theo dự kiến chương trình, tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đây là một nội dung mới được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của kỳ họp.
Quoc hoi sua quy dinh lay phieu tin nhiem: Dau la thay doi lon nhat?
 
Việc sửa đổi Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để thể chế hóa quy định số 96 của Bộ Chính trị ban hành tháng 2/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Quy định 96 của Bộ Chính trị quy định chặt chẽ hơn về hệ quả đối với người lấy phiếu tín nhiệm.
Cụ thể, theo Nghị quyết 85/2014 của Quốc hội, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.
Còn theo Quy định 96 của Bộ Chính trị, tại Điều 11, người có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ các chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác; cho từ chức hoặc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm (với 2 mức tín nhiệm hoặc không tín nhiệm) theo quy định.
Người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm.
Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm ở hai nơi, việc đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định trên cơ sở xem xét tổng thể kết quả phiếu tín nhiệm ở từng nơi.
Việc này nhằm đảm bảo tính tổng thể, liên thông các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ nói chung và lấy phiếu tín nhiệm.
Tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm là bản lĩnh chính trị; phẩm chất, đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm trong công việc; thái độ phục vụ nhân dân; liêm chính, trung thực, công tâm, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ; ý thức kỷ luật, chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; sự phân công của tổ chức; khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm.
Theo quy định, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu và phê chuẩn sẽ được tiến hành tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Chức danh do Quốc hội bầu gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Các chức danh Quốc hội phê chuẩn, gồm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, với ba mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.
Hiện Ban Công tác đại biểu đang xây dựng kế hoạch triển khai, trong đó đang chuẩn bị hồ sơ của toàn bộ các nhân sự thuộc đối tượng lấy phiếu do Quốc hội bầu, phê chuẩn, bao gồm các sự thay đổi của nhân sự, cũng như đánh giá hoạt động của nhân sự.
Cơ bản tán thành với việc sửa đổi Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
Ngày 17/4 vừa qua, Ban Công tác đại biểu và Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp tổ chức Hội thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn - những vấn đề cần hoàn thiện.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, thực hiện phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đã nghiên cứu, dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Dự thảo Nghị quyết đã thể chế Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thay thế cho Quy định số 262-QĐ/TW.
Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, Hội thảo nhằm chuẩn bị thông tin tham khảo phục vụ quá trình thẩm tra, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị quyết tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản tán thành với việc sửa đổi Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn nhằm cụ thể hóa Quy định số 96-QĐ/TW. Đồng thời, khắc phục một số hạn chế, bất cập trong quy định và thực tiễn thực hiện, bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương... Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, góp ý kiến về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong việc lấy phiếu tín nhiệm...
>>> Mời độc giả xem thêm video Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) góp ý về Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi):

 Nguồn: THQH

Hải Ninh