|
Có nhà khoa học đề xuất có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài vào hội đồng xét duyệt đề tài Ảnh: Diệp An
|
Đối với vụ việc kit xét nghiệm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Cty Việt Á), ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT, nêu ra một số băn khoăn như không có nghiên cứu khoa học nào có thể giải quyết vấn đề chóng vánh trong vòng một tháng. Vì chỉ riêng thủ tục hành chính đã mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa, sản phẩm nghiên cứu mang tính ứng dụng trên con người phải được thử nghiệm. Trong khi đó, sản phẩm của công trình nghiên cứu này đi vào thực tế chỉ trong một thời gian ngắn thì thử nghiệm như thế nào, có phải thử nghiệm ảo hay không? Tại sao có thể giải ngân được trong một thời gian ngắn như thế?
Ông Khuyến chia sẻ, trước đây, ông được giao nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng hệ thống 400- 500 chương trình khung cho các trường ĐH, CĐ. Tổng kinh phí Nhà nước cấp là 11 tỷ đồng. Văn bản quản lý tài chính trong khoa học rất ngặt nghèo. Suốt nhiều năm, đề tài của ông có sự tham gia của trường ĐH vẫn không giải ngân hết 11 tỷ đồng. “Phải chăng có kẽ hở nào đó ở đây? Quy định có thể chặt chẽ với ai đó nhưng có những người thì lại thoáng đến mức độ hoang đường. Vì ai đã làm nghiên cứu sẽ thấy tiêu một đồng ngân sách nhà nước không dễ”, ông nói.
“Chạy” đề tài
GS.TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cũng cảm thấy có vấn đề trong đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm của Cty Việt Á. Ông Viên nói rằng, các nước phương Tây có nguyên tắc sau khi các trường ĐH hoặc viện nghiên cứu công bố kết quả tìm ra công nghệ nào đó thì họ phải tự phát triển sản phẩm tới mức tiệm cận với thương mại hóa. Muốn được như thế thì giai đoạn trứng nước này, các trường hoặc viện nghiên cứu phải liên kết với doanh nghiệp. “Tôi chưa gặp nước nào đầu tư từ đầu đến cuối như Việt Nam, cũng không gặp tình huống doanh nghiệp đầu tư tương tự”, ông Viên nói.
Trao đổi với phóng viên, một nhà khoa học nói rằng, ở nhiều nước, với các trường ĐH công lập, Nhà nước đầu tư 70% nghiên cứu cơ bản, 30% nghiên cứu ứng dụng, còn với các trường ĐH tư thục thì ngược lại. Doanh nghiệp sẽ tham gia vào công đoạn từ ý tưởng ra được sản phẩm. Ở Việt Nam do không có quy định nên có sự nhầm lẫn. Ví dụ, quy định luôn yêu cầu phải có sự tham gia của doanh nghiệp. Nhưng không quy định vai trò của doanh nghiệp thế nào nên mới xảy ra tình trạng doanh nghiệp có tiền để “chạy” đề tài, còn các viện, các trường chỉ là đi theo thực hiện. “Từ đơn vị tham gia phối hợp, doanh nghiệp lại có vai trò chủ đạo. Như vậy, câu chuyện nghiên cứu khoa học trở thành câu chuyện “ăn cánh” mà không đi vào thực chất”, nhà khoa học nhận định.
GS.TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, 2 tuần xong đề tài kit xét nghiệm của Cty Việt Á là một sự không tưởng.
Kinh phí nghiên cứu không thực hiện theo nhu cầu của đề tài mà là theo năng lực của người “chạy” đề tài, rất tùy tiện, phụ thuộc vào người có quyền. Vị này lấy ví dụ bản thân được giao một đề tài nghiên cứu về tình hình phát triển kinh tế ở Tây Nguyên. Ban đầu, đề tài được duyệt 2,5 tỷ đồng do đơn vị duyệt lập dự toán xác định kinh phí đó là đủ. Không đồng ý với quyết định vô căn cứ này, nhà khoa học này đã phải có ý kiến lên cấp cao hơn và kết quả là đề tài được duyệt với mức kinh phí trên 12 tỷ đồng.
Cần sự tham gia của cộng đồng khoa học quốc tế
GS Trần Đức Viên đặt ra hai vấn đề khi giao đề tài nghiên cứu khoa học. Đó là sự tường minh, minh bạch và cần sự tham gia của cộng đồng khoa học quốc tế. Theo ông Viên, hội đồng khoa học của Việt Nam đi ngược thế giới, vì trong hội đồng cấp bộ trở lên bao giờ cũng có thành phần lãnh đạo vụ, cục nào đó để chỉ đạo, trong khi những người này chỉ quản lý hành chính, không làm khoa học. Hơn nữa, theo GS Viên, cộng đồng khoa học của Việt Nam rất nhỏ bé, chỉ cần đọc đề tài là sẽ biết ai sẽ ngồi trong hội đồng. Chính vì biết nhau nên có sự nể nang, thỏa hiệp để cùng có lợi. Do đó, ông đề xuất có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài vào hội đồng xét duyệt đề tài, tránh tình trạng “cơm chấm cơm”, nể nang nhau.
Theo GS Viên, nổi cộm trong giao đề tài nghiên cứu khoa học hiện nay là sự không minh bạch, từ xét duyệt đề tài đến nghiệm thu. “Làm gì có đề tài trong 2 tuần đã nghiệm thu. Rồi trao đề tài đó cho một công ty mà đến khi công an với cuộc mới vỡ lẽ ra không biết năng lực sản xuất cụ thể như thế nào. Đáng lẽ ra, để sản xuất được kit xét nghiệm, Cty Việt Á phải chứng minh được họ có đủ đội quân nghiên cứu, phải có phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO. Rồi với đề tài như thế này, người chủ nhiệm đề tài phải ít nhất có công trình nghiên cứu liên quan sâu được công bố quốc tế trong thời gian gần đây, như thế mới đủ tin tưởng để giao”, ông Viên nói.
Theo Nghiêm Huê/Tiền Phong