Theo Tiêu chuẩn quốc gia 5729:2012 về thiết kế đường cao tốc, khoảng từ 15 km đến 25 km nên bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường.
3 cao tốc không có nổi 1 trạm dừng nghỉ
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái - tuyến cao tốc đường bộ thứ 3 của Quảng Ninh - dự kiến chính thức thông xe vào 1/9/2022. Tuy nhiên, hiện nay trên toàn tuyến dài hơn 81km của cao tốc này lại không có trạm dừng chân và cây xăng.
2 tuyến cao tốc trước đó, kết nối với tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, gồm: Hải Phòng - Hạ Long (25km, khánh thành ngày 1/9/2018) và Hạ Long - Vân Đồn (hơn 60km, khánh thành 1/2/2019) đến nay cũng không có trạm dừng chân và cây xăng. Đây là là điều bất cập trong quá trình xây dựng và đưa vào sử dụng cao tốc tại Quảng Ninh.
|
3 tuyến cao tốc của Quảng Ninh chưa được xây dựng trạm dừng chân. |
Theo ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh, một trong những lý do đến nay trên 3 tuyến cao tốc kết nối với nhau với tổng chiều dài hơn 176km này chưa có trạm dừng chân là do thay đổi quy hoạch.
Trước đó đã quy hoạch xây dựng trạm dừng chân ở gần khu vực Trạm thu phí cầu Bạch Đằng thuộc cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, nhưng vị trí này ở cách không xa Trạm dừng chân 77 của Hải Phòng, nằm trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Trên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, cũng đã quy hoạch một trạm dừng chân ở đoạn đi qua huyện Đầm Hà nhưng sau đó thay đổi vị trí cho phù hợp.
Cũng theo Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh, hiện đã chốt phương án xây dựng 2 trạm dừng chân trên dọc trục cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái.
Cụ thể, đối với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, sẽ có một trạm được xây dựng tại xã Thống Nhất, TP. Hạ Long. Hiện, TP. Hạ Long đang tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng trạm dừng chân.
Trên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, vị trí được lựa chọn là ở gần khu vực cầu Vân Tiên - nơi vừa có quỹ đất rộng vừa phục vụ nhu cầu du khách ngắm cây cầu đẹp nhất trên tuyến cao tốc này.
Như vậy, trong vòng 4 năm qua, Quảng Ninh đã có 3 tuyến đường bộ cao tốc và trở thành một hình mẫu về huy động các nguồn vốn đầu tư để xây dựng đường cao tốc. Tổng số tiền đầu tư cho 3 cao tốc này là khoảng 39.000 tỉ đồng, trong đó vốn tư nhân đóng góp trên 28.000 tỉ đồng; số còn lại là vốn từ nguồn ngân sách, nhưng hạ tầng trạm dừng nghỉ và cây xăng lại đang bị “bỏ quên”.
Phải có trạm dừng nghỉ cho lái xe
Theo Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:
Xây dựng Kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025 và kế hoạch triển khai, dự toán ngân sách thực hiện hàng năm trình Hội đồng nhân dân thông qua để thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông...
Tổ chức, triển khai xây dựng các trạm dừng nghỉ theo quy hoạch để phục vụ nhu cầu thiết yếu của lái xe, hành khách, phương tiện dọc các tuyến đường quốc lộ và đường tỉnh, đảm bảo người lái xe không quá 04 giờ là được dừng nghỉ theo quy định.
Đẩy nhanh phát triển mạng lưới giao thông tỉnh (bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận, các đầu mối giao thông công cộng...) theo quy hoạch; tăng cường công tác giám sát đầu tư và ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư bến, bãi đỗ xe sử dụng công nghệ đỗ xe thông minh, hiện đại.
Tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; hợp lý hóa quy trình, phương pháp và nội dung đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, đảm bảo công khai, minh bạch.
Ngoài ra, theo Tiêu chuẩn quốc gia 5729:2012 về thiết kế đường cao tốc, khoảng từ 15 km đến 25 km nên bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường. Tại đây, người đi đường có thể dừng xe nghỉ ngơi, ngắm cảnh tự nhiên và bảo dưỡng xe.
Khoảng từ 50 km đến 60 km nên bố trí một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường (có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn).
Khoảng từ 120 km đến 200 km nên bố trí một trạm phục vụ lớn (có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu, có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn).
>>> Mời độc giả xem thêm video Lái xe đi lùi trên cao tốc, nữ tài xế bị phạt 17 triệu đồng:
Thiên Tuấn