Việc ông Lê Hữu Thành - Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) có đơn xin thôi giữ chức và xin nghỉ hưu trước tuổi đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Đáng chú ý, ông Lê Hữu Thành nộp đơn xin thôi giữ chức vụ trong hoàn cảnh ông bị Quận Thủ Đức xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Ông Lê Hữu Thành cũng là người gây bức xúc dư luận khi trong suốt thời gian dài, bản thân ông Thành và người thân sở hữu đến 7 công trình không phép tại hẻm 419 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, có diện tích hơn 5.800 m2, được xây bằng sắt thép kiên cố và đang cho thuê làm xưởng gỗ, giấy...
Do vậy, việc ông Lê Hữu Thành bất ngờ có đơn xin thôi chức, về hưu non khiến dư luận có hai luồng ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, việc ông Thành xin thôi giữ chức vụ, nghỉ hưu sớm chứng tỏ ông là người có liêm sỉ, khi bị chỉ ra những sai phạm đã chủ động từ chức. Trong những ý kiến này, có người hi vọng trường hợp của ông Thành sẽ tiên phong cho “văn hóa từ chức” và chặt đứt sợi dây kinh nghiệm rút mãi không hết của một bộ phận số đông quan chức.
|
Khu nhà xưởng của người nhà ông Lê Hữu Thành. Ảnh: Zing. |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn lại cho rằng, bản thân ông Lê Hữu Thành đã nhiều tuổi cũng sắp phải nghỉ hưu. Việc ông Thành xin thôi chức sau khi bị xem xét kỷ luật khiển trách là để hạ cánh an toàn chứ không phải do liêm sỉ như những người khác suy nghĩ. Bởi nếu là một người có lòng tự trọng, với vị trí một cán bộ Đảng viên, thậm chí một Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức, ông Thành sẽ không bao giờ làm việc trái pháp luật đến như thế.
Thực tế, việc ông Lê Hữu Thành xin thôi giữ chức vụ và xin nghỉ hưu trước tuổi là điều dễ hiểu. Bởi như lời Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trong buổi làm việc về trường hợp gia đình ông Lê Hữu Thành và người thân xây 7 công trình sai phép đã nói rằng: “Ông Lê Hữu Thành là Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức mà lại làm sai thì khó chấp nhận. Mình sai vậy thì giám sát ai?". Thậm chí, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn hỏi thẳng: “Anh Thành xác định xem vi phạm như vậy có còn xứng đáng và đủ uy tín làm Phó Chủ tịch HĐND quận hay không?”.
Ý kiến của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân được dư luận đồng tình. Bởi thực tế, quận Thủ Đức thời gian gần đây trở thành điểm nóng về xây dựng trái phép khi chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019 có tới 168 công trình xây dựng không phép mọc lên. Tình trạng “vỡ trận” trật tự xây dựng cũng là điều dễ hiểu khi đến nhà “quan quận” còn có tới 7 công trình không phép được mọc lên trong suốt thời gian từ 2012 đến nay mà không bị xử lý.
Bản thân ông Lê Hữu Thành là một cán bộ, đảng viên lẽ ra phải luôn gương mẫu, phải đi đầu, tiên phong trong việc chấp hành pháp luật. Đồng thời có trách nhiệm vận động gia đình, người thân chấp hành pháp luật và thực hiện việc nêu gương cho người khác học tập. Tuy nhiên, việc ông Lê Hữu Thành lại thản nhiên vi phạm, thậm chí vi phạm nghiêm trọng khi để cả những người thân trong gia đình cũng vi phạm.
Hơn nữa, ông Thành giữ vị trí, Phó Chủ tịch HĐND quận là Ủy viên Ban thường vụ Quận ủy lại không chấp hành nghiêm Nghị quyết 23 về chấn chỉnh xây dựng trái phép, không phép, không gương mẫu, không hành động, không tự giác tháo dỡ những công trình ông và người thân xây dựng trái phép. Trong khi đó, “Cán bộ có chức vụ càng cao thì càng không được vi phạm pháp luật. Bởi lẽ, người có chức vụ cao mà vi phạm pháp luật thì cấp dưới sẽ không nghe” như lời Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã nói.
Thực tế, không chỉ cấp dưới sẽ không nghe mà người dân sao có thể chấp nhận khi “nhà dân bị đập, nhà quan quận vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”. Một người cán bộ, lãnh đạo như thế thì liệu có còn được người dân tin tưởng ở vị trí mà ông đang nắm giữ. Khi cán bộ không còn được nhân dân tín nhiệm thì có còn xứng đáng giữ chức vụ?
Do vậy, việc ông Lê Hữu Thành nhận hoàn toàn trách nhiệm và xin thôi giữ chức vụ Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ quận, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó chủ tịch Thường trực HĐND quận cho thấy, ông Thành đã nhận thấy khuyết điểm, nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý đã thiếu gương mẫu để bản thân và gia đình vi phạm pháp luật liên quan công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và cá nhân.
Liên quan vụ việc trên, dư luận cũng cho rằng, cùng với việc xử lý nghiêm cá nhân ông Lê Hữu Thành thì TP HCM cũng cần phải xem xét trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan, chính quyền phường Hiệp Bình Chánh và UBND quận Thủ Đức. Bởi 7 công trình xây dựng không phép của nhà ông Lê Hữu Thành và người thân xây dựng từ năm 2012 đến nay và đã được phát hiện từ lâu nhưng xử lý không dứt khoát. Thậm chí có dấu hiệu bao che cho sai phạm. Điển hình, trong danh sách 163 công trình xây dựng sai phép ở phường Hiệp Bình Chánh do Thanh tra quận Thủ Đức liệt kê lại không đề cập đến 5 nhà xưởng xây lụi của Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức trong hẻm 419/14 đường số 48 (khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức).
Đáng chú ý, quá trình kiểm tra theo công văn chỉ đạo của UBND quận Thủ Đức, UBND phường Hiệp Bình Chánh đã vào cuộc xác minh tại địa chỉ trên có 7 công trình xây dựng không phép của ông Lê Hữu Thành và những người thân trong gia đình ông, lập nhiều biên bản vi phạm, và ban hành các quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, ngày 17/5/2019, khi UBND phường Hiệp Bình Chánh thực hiện cưỡng chế các công trình vi phạm trên, bất ngờ ông Trần Minh Tú - Chủ tịch phường nhận được điện thoại của Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Đặng Nguyễn Thanh Minh và tin nhắn chuyển lời của Bí thư quận cùng nội dung: Tạm dừng cưỡng chế, với lý do được đưa ra là, chưa báo cáo ủy ban!? Đáng chú ý, vụ việc trên UBND quận Thủ Đức đã biết rõ và từng chỉ đạo xử lý bằng công văn 4830 ngày 3/11/2017. Đáng chú ý, chiều cùng ngày UBND phường Hiệp Bình Chánh đã báo cáo quận Thủ Đức nhưng 5 tháng sau, các công trình trên vẫn tồn tại và phường vẫn chưa nhận được sự chỉ đạo từ UBND Quận Thủ Đức.
Sự can thiệp của lãnh đạo quận Thủ Đức dù được biện minh sau đó rằng, việc cưỡng chế công trình xây dựng tại nhà đồng chí Lê Hữu Thành chưa đảm bảo quy định pháp luật và chưa báo cáo UBND quận tuy nhiên việc chậm trễ chỉ đạo xử lý các công trình vi phạm sau đó cho thấy rõ dấu hiệu bao che cho sai phạm.
Dẫn đến một thực tế, một công trình không phép của người dân bị UBND phường Hiệp Bình Chánh yêu cầu tháo dỡ do vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên ngay sát đó, những nhà xưởng rộng hàng nghìn mét vuông nằm liền kề nhau của gia đình Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức được tồn tại từ nhiều năm qua, khiến dư luận bức xúc.
Có lẽ như lời Bí thư Nguyễn Thiện Nhân mới đây đã nói “sai phạm là phải xử lý, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Vậy nhưng, việc chậm trễ xử lý 7 công trình không phép này là ngẫu nhiên hay có vấn đề gì e ngại”.
Ngày 22/10, tại cuộc họp, Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường nói rằng “ Ban Thường vụ Quận ủy khẳng định xử lý nghiêm và sẽ không vùng cấm, không có ngoại lệ khi xử lý sai phạm”. Tuy nhiên, ngày 23/10, trong số 7 công trình nhà xưởng xây dựng trái phép trên vẫn hoạt động bình thường. Lời tuyên bố hùng hồn quả là trái ngược với thực tế đang diễn ra.
Như vậy, cần phải xem xét trách nhiệm cán bộ đảng viên trong kiểm tra, xử lý công trình vi phạm. Hơn nữa,với quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên trong chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng thì cũng cần xem xét trách nhiệm của cán bộ, đảng viên cho xây dựng công trình không phép. Xem xét không phải là chỉ rút kinh nghiệm kiểm điểm sâu sắc mà nếu cán bộ nào bao che, để các công trình trên tồn tại đến nay thì cần phải bị kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm.
Qua vụ việc này, cũng là câu chuyện xin từ chức ở TP HCM, trong khi ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức với lý do “Tôi thấy mình đã không thực hiện được lời hứa trước nhân dân” thì việc ông Lê Hữu Thành - Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức xin thôi chức vụ trái ngược hẳn bởi ông Thành từ chức do thiếu gương mẫu để bản thân và gia đình vi phạm pháp luật.
Tâm Đức