Ngày 30/10, Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết quận Thủ Đức đã kỷ luật khiển trách ông Lê Hữu Thành - Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức.
Cùng ngày, Quận ủy quận Thủ Đức xác nhận việc ông Lê Hữu Thành xin thôi giữ chức vụ Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ quận, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó chủ tịch Thường trực HĐND quận.
Báo cáo của Quận ủy quận Thủ Đức, ông Lê Hữu Thành, Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức và người thân xây dựng 7 công trình không phép tại khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức). Trong đó, công trình do ông Lê Hữu Thành làm chủ đầu tư (đang được cho thuê làm xưởng giấy) vào năm 2012. Công trình xây dựng không phép gần nhất là vào năm 2018. Tất cả các công trình trên được xây dựng trên phần đất rộng gần 5.800m2.
Quận ủy Thủ Đức cho biết, qua kiểm điểm, ông Lê Hữu Thành đã nhận thấy khuyết điểm, nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý đã thiếu gương mẫu để bản thân và gia đình vi phạm pháp luật liên quan công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và cá nhân do vậy ông Thành nhận toàn bộ trách nhiệm và xin thôi chức.
Đồng thời, ông Thành đã tự tự tháo dỡ công trình vi phạm của cá nhân ông, còn lại các công trình của người thân trong gia đình đã thực hiện tháo dỡ một phần.
|
Công trình xây dựng không phép của ông Lê Hữu Thành và gia đình - Ảnh: Thanh Niên |
Dư luận băn khoăn, do bản thân và gia đình vi phạm pháp luật liên quan công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, ông Lê Hữu Thành đã bị kỷ luật khiển trách, đồng thời xin thôi giữ chức vụ, xin nghỉ hưu sớm thì liệu có bị xử lý gì khác theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, với hành vi vi phạm trên, ông Lê Hữu Thành đã bị kỷ luật khiển trách. Sau khi xin thôi chức, ông Thành và người thân sẽ bị xử phạt hành chính và buộc phải tháo dỡ công trình vi phạm.
“Luật xử lý vi phạm hành chính nêu rõ vi phạm hành chính hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Do đó, việc Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức xây nhà ông ấy và 6 người thân nhưng không phép. Ông ấy bị kỷ luật khiển trách và xin thôi chức vụ nhưng theo pháp luật nếu xây nhà không phép thì có phải tháo dỡ toàn. Vì ông ấy đã tháo dỡ nhà ông ấy nhưng 6 người thân chưa tháo dỡ thì vẫn phải tháo dỡ theo quy định”, luật sư Diệp Năng Bình cho biết.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, 7 công trình mà ông Lê Hữu Thành – Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức và người thân đã xây dựng tại hẻm 419 Kha Vạn Cân, khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức là không có giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, tại khoản 1 và khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng năm 2014 có quy định trước khi khởi công xây dựng công trình trong đô thị, chủ đầu tư (là cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng) phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật xây dựng.
“Do khu vực hẻm 419 Kha Vạn Cân, khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức này nằm trong khu vực đô thị, cho nên các chủ sở hữu muốn xây dựng 7 công trình tại đây thì trước khi xây dựng phải làm thủ tục để được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng. Việc chủ sở hữu các công trình thực hiện thi công, xây dựng công trình này mà không có giấy phép xây dựng là vi phạm quy định về trật tự xây dựng”, luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, việc xử lý các vi phạm này cần phải căn cứ vào thời điểm xảy ra vi từ khi nào? Các cơ quan chức năng đã có những biện pháp nào để xử lý dứt điểm vi phạm này hay chưa?
Đồng thời cho rằng, theo quy định pháp luật hiện nay, khi cá nhân, tổ chức có vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng thì cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 để xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Việc xử lý vi phạm hành chính phải đảm nguyên tắc được quy định khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính trong đó có: “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật; Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật; Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng”.
Tại khoản 2 của Điều này còn quy định về nguyên tắc áp dụng biện pháp biện pháp xử lý hành chính. Về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, tại Điều 3 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP có quy định hình thức xử phạt chính gồm: Cảnh cáo và phạt tiền; hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 03 tháng đến 24 tháng; Theo điểm d khoản 11 Điều 15 nghị định 139/2017/NĐ-CP, biện pháp khắc phục hậu quả trong đó có: Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc), khoản 6 và khoản 7 Điều này.
Như vậy, 7 công trình khi xác định là có vi phạm thì tùy vào tính chất, mức độ vi phạm để xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật cũng như có biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp, đảm bảo các nguyên tắc khi xử lý vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
“Cho đến nay, 1 công trình xây dựng của ông Lê Hữu Thành đã tự tháo dỡ, nhưng vẫn còn 6 công trình vẫn chưa được tháo dỡ thì việc xử lý vi phạm hành chính cũng như áp dụng pháp khắc phục hậu quả cần căn cứ vào việc có còn thời hiệu xử phạt hay không và biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng là gì?”, luật sư Tùng nói.
Theo luật sư Tùng, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 6 Luật xử phạt vi phạm hành chính và khoản 2 Điều 5 Nghị định 139/2017/NĐ-CP thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng là 2 năm, với hành vi vi phạm hành chính đã kết thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm, đối với công trình xây dựng thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày dự án được bàn giao, đưa vào sử dụng. Do đó, thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đối với 7 công trình này sẽ là 2 năm kể từ thời điểm mỗi công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Nếu còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, chủ sở hữu công trình sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm quy định về trật tự xâu dựng được quy định tại điểm b khoản 5 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP: “5. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau: b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị”.
Đồng thời, các chủ sử hữu công trình này còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm – xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có.
Tâm Đức