Trong những ngày nắng nhất của mùa hè, bệnh viện Nhi Trung ương (TW) luôn tấp nập người ra vào. Tiếng khóc nấc không dứt của trẻ con, khuôn mặt đẫm ướt mồ hôi và thất thần của người lớn luôn là thứ dễ bắt gặp nhất khi đến đầu ngõ 879 đường La Thành (phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội).
Chị Trần Thị Nhài (SN 1986, thôn Lâm Trường, xã Nghĩa Hồ, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đang là một trong số những phụ huynh có con được điều trị tại bệnh viện Nhi.
Chia sẻ với PV Kiến Thức, chị Nhài cho biết đang làm giáo viên của một trường mầm non ở quê nhà Bắc Giang. Chồng chị là Đỗ Đức Yên (SN 1985) làm nhân viên bán hàng cho một cửa hàng điện tử gần nhà. Vợ chồng anh Yên và chị Nhài kết hôn năm 2009, có 2 cháu là Đỗ Thùy Dương (9 tuổi) và Đỗ Trần Hải Yến (5 tuổi). Gia đình của người giáo viên mầm non đang trôi qua bình yên thì tai họa chợt ập đến với hai thiên thần nhỏ.
|
Chị Trần Thị Nhài cũng hai cô con gái nhỏ. |
Ngồi thẫn thờ tại một góc Bệnh viện nhi Trung Ương, chị Nhài đang trông ngóng từng phút để được vào thăm con gái út nằm trong phòng cách ly của bệnh viện.
Kể với PV, chị cho biết từ giữa tháng 5/2019, cháu Đỗ Trần Hải Yến đang chơi thì bỗng có triệu chứng ho và sốt cao, gia đình đã cho bé ra bệnh viện huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thăm khám nhưng không phát hiện thấy bệnh nặng. Sau 6 ngày điều trị tại bệnh viện huyện, tình trạng sức khỏe của Yến dần xấu đi nên được chuyển đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.
Tuy nhiên, sau hai ngày điều trị tại đây, cháu Yến càng yếu dần trông thấy. Các bác sĩ ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang phải cho bé thở ôxy và chuyển gấp đến bệnh viện Nhi Trung ương. Yến nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch đến tính mạng.
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định Đỗ Trần Hải Yến đã nhiễm phải virus sởi nên đã bị nhiễm trùng máu rồi viêm phổi.
"Lúc đó, bác sĩ bảo con tôi chỉ còn 20% sự sống" - Chị Nhài cố nén cảm xúc.
|
Cô bé sinh năm 2014 đang nhập viện trong tinh trạng nguy kịch. |
Với tỷ lệ hồi phục thấp, Yến được các bác sĩ tại bệnh viên Nhi TW tiêm vắc xin để tăng sức đề kháng rồi chạy phổi nhân tạo. Tổng kinh phí lúc đó đã lên tới hơn 130 triệu đồng - một số tiền quá lớn với vợ chồng chị Nhài.
“Lúc đó bác sĩ nói với tôi rằng Yến đã yếu lắm rồi, gia đình nên chuẩn bị tâm lý dần vì cháu khó qua khỏi. Khi nhập viện, cháu đã là bệnh nhân nặng nhất khoa rồi. Bác sĩ bảo chạy phổi nhân tạo cũng không chắc rằng sức khỏe cháu cải thiện được, kinh phí cao nhưng gia đình không bỏ cuộc, miễn là cháu còn thở là còn cứu cháu. Gia đình lúc đó chỉ biết cầu xin bác sĩ cố gắng cứu lấy Yến. Ở nhà cháu ngoan lắm” - người mẹ 35 tuổi tiếp.
Để có tiền cứu con gái, chị Nhài và chồng đã phải liên tục vay mượn khắp nơi. Tuy nhiên, mọi thứ chưa dừng lại ở đó. Chính anh Yên cũng xin nghỉ làm trong một thời gian dài để xuống Hà Nội lao động tư do, cùng vợ chăm lo cô con gái út. Trong khi chị Nhài và anh Yên đang cùng Yến chiến đấu với tử thần, thì cháu Đỗ Thùy Dương (SN 2010) bắt đầu đổ bệnh.
"Từ mấy hôm trước, Dương cứ hay nũng nịu với bà nội ở quê. Dương hay bảo nhớ bố mẹ, con nhớ em lắm, bà nội nói với bố mẹ cho con xuống thăm mọi người đi bà. Đến ngày 10/6 vừa rồi, gia đình đã đồng ý cho Dương xuống Hà Nội cùng bác để thăm bố mẹ và em Yến".
|
Chị Trần Thị Nhài buồn rầu kể về tình trạng của 2 đứa con. |
“Hôm đó Dương vẫn khỏe bình thường, xuống thăm bố mẹ, thăm em rồi nó còn chúc em mau khỏe. Đến hơn 2h chiều thì Dương nói đau đầu, có cảm giác buồn nôn với sốt cao 41 độ nên gia đình cho cháu vào viện khám. Kết quả khám thì cháu bị viêm màng não nguy kịch, phải cấp cứu gấp” - chị Nhài nhớ lại.
Vốn kinh tế gia đình chị nhài trước giờ chẳng khá giả gì. Từ ngày hai con nhỏ mắc bệnh nặng vợ chồng chị lại thêm một nỗi lo.
May mắn thay, cháu Đỗ Thùy Dương do được cấp cứu kịp thời nên tình trạng sức khỏe đã khá hơn, hiện đang được điều trị ngoại trú. Do phải vào viện thăm khám và điều trị thường xuyên nên cháu Dương đang được chăm sóc tại nhà chị Trần Thị Lan (em ruột chị Nhài, hiện đang ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tiện vào bệnh viện.
Chị Nhài cho biết, hiện tại, Dương vẫn phải điều trị bằng thuốc rồi theo dõi thêm, có nguy cơ sốt lại và biến chứng mất trí nhớ, nên sinh sống ở gần trạm y tế hoặc bệnh viện.
Về phần cháu Yến, bệnh nhân nhí này vẫn đang được các bác sĩ giành giật sự sống từng ngày trong bệnh viện. Bé được cho ăn qua đường xông (thông ống dạ dày) và đi vệ sinh qua đường ống dẫn. Khi chỉ số sinh tồn ổn định bé sẽ được bớt thuốc mê và điều trị Viêm phổi do nhiễm phải virut sởi, sau đó sẽ điều trị nhiễm trùng máu.
“Chỉ cần con còn sống, dù đánh đổi mọi thứ, dù có phải bán nhà tôi cũng sẽ bán để cứu con. Chỉ cần con cố thở, còn một tia hi vọng nhỏ gia đình tôi cũng sẽ không bỏ qua. Dù cho khi bé tỉnh lại không còn được như trước, tôi chỉ cần Yến còn sống" - đôi mắt của người mẹ hơi nheo lại.
|
Số tiền viện phí quá lớn cho gia đình người giáo viên mầm non. |
Hiện tại, Trường mầm non Sao Mai (nơi công tác của chị Nhài) đã cho giáo viên này nghỉ hè sớm để tập trung lo chuyện gia đình. Nhà trường cũng đang tích cực kêu gọi quyên góp hỗ trợ.
Mọi đóng góp, ủng hộ gia đình chị Trần Thị Nhài, địa chỉ tại: thôn Lâm Trường, xã Nghĩa Hồ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
>>> Xem thêm video: Bắt mẹ nữ sinh giao gà Điện Biên
Quý An