Câu chuyện cụ bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi, quê ở Thanh Hóa hai năm liền đạp xe đạp lên UBND xã quyết tâm xin ra khỏi hộ nghèo bởi theo suy nghĩ của cụ nhiều người trong xã hội còn khó khăn hơn mình khiến nhiều người cảm động bởi nỗ lực vươn lên thoát nghèo và suy nghĩ cho người khác của cụ.
Đáng trân trọng hơn, cụ bà Đỗ Thị Mơ từng tham gia chiến trường nên bà hiểu được nỗi đau của những người mẹ có những đứa con thơ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, những người lính đã hi sinh một phần máu xương của mình ngoài chiến trường và bà nói rằng, bản thân còn lành lặn, còn làm được việc thì cớ sao không xin thoát nghèo, xã hội còn rất nhiều người cần được cưu mang.
Khi câu chuyện của cụ Mơ được dư luận ngợi ca về tấm gương sáng của tinh thần vượt lên thoát nghèo, một câu chuyện tương phản khác khiến dư luận vô cùng ngạc nhiên, thậm chí bức xúc khi ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch HĐND huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh nhà có 2 xe hơi, các con đều thành đạt, giữ chức vụ ở ngành công an, huyện và xã nhưng vẫn nhận “nhà nghĩa tình” từ Hội Cựu chiến binh.
“Nhà nghĩa tình” tưởng đâu là một khái niệm mới nhưng thực chất nó là “nhà tình nghĩa” nhưng do Phó Chủ tịch HĐND huyện Châu Thành từng nhận “nhà tình nghĩa” một lần nên lần này đổi tên để tránh tiếng nhận nhà đến 2 lần.
|
Nhà ông Lê Văn Tuấn có xe hơi vẫn nhận nhà nghĩa tình. Ảnh: Dân Trí. |
Theo đó, vào đầu tháng 9 vừa qua, Hội cựu chiến binh Việt Nam và các mạnh thường quân đã trao tặng căn nhà nghĩa tình cho ông Lê Văn Tuấn ở xã Thanh Điền trị giá 250 triệu đồng có diện tích rộng 80m2 cùng 1 sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng dù trước đó vào năm 2002, ông Tuấn đã được cấp đất và xây nhà tình nghĩa.
Ngạc nhiên hơn khi xác nhận của các cấp chính quyền xã Thanh Điền, thì gia đình ông Tuấn không nghèo. Tuy nhiên, mới đây, dư luận lại vô cùng ngạc nhiên khi lãnh đạo UBND huyện Châu Thành khẳng định việc cấp, sửa nhà nghĩa tình cho ông Tuấn là đúng quy trình bởi… có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Cụ thể, trao đổi trên Dân Trí, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Đặng Thanh Hải cho rằng, hiện hoàn cảnh nhà ông Tuấn rất khó khăn nên Hội cựu chiến binh hỗ trợ 60 triệu, số tiền hơn 200 triệu còn lại do bạn bé, chiến hữu cho vay cho mượn. Việc cấp nhà nghĩa tình do nhà tình nghĩa cấp trước đã xuống cấp, hư dột nhiều.
Chủ tịch huyện Châu Thành nói rằng, 4 người con ông Tuấn đều đang giữ các chức vụ tại quân đội, công an, chính quyền nhưng cũng có hoàn cảnh khó khăn và đều sống nhờ nhà vợ? Và việc nhà ông Tuấn có 2 xe hơi một của ông Tuấn, một của con ông Tuấn, lãnh đạo huyện này cũng nói rằng: "Chiếc xe thì cũng không "dữ dằn" gì đâu”.
Tuy nhiên những lý giải của Chủ tịch UBND huyện Châu Thành không được dư luận đồng tình, thậm chí còn cho rằng việc lý giải này có dấu hiệu “bao che” bởi trần đời chưa gia đình nào nghèo khó sở hữu đến 2 ô tô, con cái đều có nghề nghiệp ổn định, thậm chí giữ chức vụ quan trọng của huyện.
“Tôi không thể tin được gia đình ông Lê Văn Tuấn lại có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến mức phải nhận nhà nghĩa tình. Bởi nhà ông Tuấn có 2 ô tô, con cái đều thành đạt. Đợt này chỉ có một suất hỗ trợ cho cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, nếu hộ ông Tuấn nhận nhà đồng nghĩa hoàn cảnh khó khăn nhất trong các gia đình cựu chiến binh huyện Châu Thành thì cho thấy huyện này phải là huyện rất giàu có nhưng thực tế lại khác. Còn lý giải về việc cấp nhà nghĩa tình đúng quy trình thì cần xem lại quy trình ấy bởi không có một quy trình nào tiếp tay, hợp thức cho việc gian dối gia cảnh như vậy”, chị Nguyễn Thị Lan một độc giả bức xúc.
Độc giả Văn Thành cho rằng, nhà nghĩa tình cựu chiến binh là để hỗ trợ cho các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, trong khi gia đình ông Tuấn khá giả, sở hữu ô tô, con cái đều thành đạt. Gia cảnh như vậy dù lý giải thế nào cũng không ai tin là hoàn cảnh khó khăn.
“Có thể pháp luật không có quy định về điều kiện trao nhà tình nghĩa nhưng cần rà soát lại hoàn cảnh trước khi trao tiền làm sao để có sự công bằng trong xã hội, làm sao những đồng tiền từ thiện ấy đến được với hoàn cảnh thực sự khó khăn, câu chuyện bò đi lạc vào nhà quan xã, giờ đến nhà tình nghĩa lạc vào nhà quan huyện khiến người dân mất dần niềm tin vào một bộ phận cán bộ. Bởi nếu ông Tuấn là một thương binh cần nghĩ đến những người đồng đội có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, nếu ông Tuấn là một cán bộ, cần nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn hơn mình”, ông Thành nêu ý kiến.
Độc giả Thanh Tú cho rằng, nếu hoàn cảnh ông Tuấn không thực sự khó khăn, thậm chí khá giả mà vẫn nhận nhà nghĩa tình dù tiền do các mạnh thường quân hỗ trợ thì cũng cần xem lại tư cách đạo đức của người cán bộ, Đảng viên này.
“Dù ông Tuấn là quan cấp huyện nhưng nếu có hoàn cảnh thực sự khó khăn thì việc ông Tuấn nhận nhà tình nghĩa hay nghĩa tình không có gì đáng chê trách. Tuy nhiên, ông Tuấn ngày ngày đi làm bằng xe ô tô riêng, hoàn cảnh không thực sự khó khăn trong khi nhà tình nghĩa dành cho cựu chiến binh để hỗ trợ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp họ vươn lên thoát nghèo mà ông Tuấn vẫn “ngửa tay” ra nhận thì không thể chấp nhận được”, ông Tú nói.
Theo độc giả này, việc ông Lê Văn Tuấn nếu gian dối trong việc kê khai hoàn cảnh khó khăn mà thực tế không khó khăn thì các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc kiểm tra xử lý, nhất là về nhân cách, lòng tự trọng của mỗi đảng viên, mỗi cán bộ cấp lãnh đạo. Không thể vì chút lợi ích cá nhân mà đánh mất lương tri, quên đi liêm sỉ để lợi dụng chính sách của Đảng, Nhà nước trục lợi cho bản thân và gia đình, dẫn đến mất niềm tin của người dân vào hình ảnh người cán bộ.
“Người dân sẽ nghĩ gì khi so sánh hình ảnh một bà cụ 83 tuổi ở Thanh Hóa đạp xe đạp quyết tâm viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo với hình ảnh một “quan chức” cấp huyện như ông Tuấn ngày cưỡi xe ô tô đến cơ quan, đêm về ngủ trong nhà nghĩa tình. Những cựu chiến binh khó khăn thật sự ở huyện Châu Thành, ở tỉnh Tây Ninh và cả nước sẽ nghĩ gì khi có một đồng đội sẵn sàng giành giật suất nhà tình nghĩa của những hoàn cảnh khó khăn hơn mình, người dân sẽ nghĩ gì về cán bộ nếu không nghèo mà giả nghèo “nhận nhà tình nghĩa”. Thậm chí con cái ông Tuấn sẽ nghĩ gì khi gia đình con cái thành đạt, bố làm “quan chức” mà vẫn không… thoát nghèo”, độc giả Thanh Tú đặt câu hỏi.
Độc giả Huy Đạt cho rằng, thực sự mất niềm tin nếu hoàn cảnh ông Lê Văn Tuấn không nghèo vẫn nhận nhà “nghĩa tình”.
“Không chỉ lùm xùm việc nhận nhà nghĩa tình lần 2, ông Lê Văn Tuấn từng bị phanh phui chuyện tự khai man lý lịch để hưởng chế độ chính sách giai đoạn năm 2012 – 2013, ghi thêm phần thông tin ông tham gia du kích trước năm 1975 để hưởng chính sách chế độ chất độc da cam. Sau đó, UBND huyện Châu Thành xác nhận ông Tuấn không phải người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và Sở LĐ,TB,XH đã cắt trợ cấp này. Tuy nhiên cho thấy, một người từng khai man lý lịch như vậy liệu có đáng tin, quy trình mà lãnh đạo huyện nói để cấp nhà cho ông Tuấn liệu có đúng thực tế”, độc giả Huy Đạt nêu ý kiến.
Dư luận yêu cầu các cơ quan chức năng cần vào cuộc, kiểm tra lại quy trình cấp nhà của ông Lê Văn Tuấn và xử lý nghiêm nếu có sai phạm, để lấy lại sự công bằng trong xã hội, niềm tin trong nhân dân về những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
>>> Mời độc giả xem video Chuyện Phó Chủ tịch HĐND huyện nhận nhà nghĩa tình:
Tâm Đức