Thông tin này được ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Hội nghị diễn ra ngày 31/7, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết giai đoạn 2019-2021, thành phố đã sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 xã và 6 phường. "Không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp", theo lời ông Thanh.
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo thành phố có quận Hoàn Kiếm và 176 xã, phường thuộc diện sáp nhập giai đoạn 2023-2030 (Ảnh: Đoàn Bắc).
Hiện nay, Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã và 579 đơn vị hành chính cấp xã 383 xã, 175 phường, 21 thị trấn.
Sau khi sắp xếp, ông Thanh cho biết đã bố trí lại số lượng cán bộ, công chức dôi dư đảm bảo đúng theo quy định.
"Chế độ chính sách đối với số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư được thực hiện kịp thời và có chính sách hỗ trợ thêm, từ đó đã tạo được đồng thuận cao", Chủ tịch Hà Nội báo cáo.
Theo ông Thanh, các đơn vị hành chính được sắp xếp sớm hoạt động ổn định, nhân sự được đảm bảo, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương.
Chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện, người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội cho rằng quá trình sắp xếp phải chủ động xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ; giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; quan tâm chế độ, chính sách đặc thù trong quá trình thực hiện sắp xếp…
Trong cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội hôm 25/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết giai đoạn 2023-2030, có 1 quận và 176 xã, phường (tại 26 quận, huyện, thị xã) thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Nội cần thực hiện sớm theo quy định tại Nghị quyết của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với giai đoạn 2023-2025, Chủ tịch Hà Nội cho biết qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định hiện nay, thành phố có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.
Để đạt kết quả tốt, ông Thanh nhấn mạnh Hà Nội xác định phải tập trung tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Cùng với đó, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, xây dựng phương án tổng thể và đề án sắp xếp đáp ứng yêu cầu.
"Quá trình tổ chức thực hiện sẽ chú trọng công tác tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phương án xử lý tài sản công; nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng giao thông; tiêu chí đô thị... bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu", Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
Theo báo cáo chung, trong giai đoạn 2019-2021, cả nước đã sáp nhập 21 huyện và 1.056 xã, qua đó giảm được 8 huyện và 561 đơn vị xã; giảm 429 cơ quan cấp huyện, 3.437 cơ quan cấp xã.
Nhờ sáp nhập huyện, xã đã tinh giản biên chế được 361 cán bộ, công chức cấp huyện, 6.657 cán bộ, công chức cấp xã; giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng 2.008 tỷ đồng.
Thành phố Hà Nội hiện có 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Số đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội là 584, trong đó có 386 xã, 177 phường và 21 thị trấn.
Quận Hoàn Kiếm (gồm 18 phường), là một quận nằm ở trung tâm Hà Nội nhưng cũng là đơn vị hành chính cấp quận có diện tích nhỏ nhất thành phố, theo thông tin từ Cổng Giao tiếp điện tử UBND TP Hà Nội.
Theo Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp quận phải có diện tích từ 35km2 và quy mô dân số từ 150.000 người trở lên.
Từ năm 2018, quận Hoàn Kiếm có diện tích tự nhiên 5,29km2 (thấp hơn gần 7 lần so với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp quận). Quy mô dân số của quận Hoàn Kiếm khoảng 156.000 người.
Theo Hoài Thu/Dân Trí